Ông chở thằng cháu nội cưng từ khu Cây Gõ ở quận 6 ra tới cầu Nhị Thiên Đường. Dưới chân cầu có cái tiệm nước cũ kỹ tên Cẩm Nguyên, đã tề tựu đông đủ bạn bè. Hầu hết họ là người Tiều, sống bằng nghề làm rẫy cải, trồng hành phía đường Minh Phụng, Bình Tiên... Ngoài trời, mây đen kéo tới báo hiệu một cơn mưa, như thường lệ trong tháng bảy.
Sau này Thành mới biết trong cái giỏ bàng của ông đựng đầy... tiền và ông mang theo để chơi cá... mưa! Trong tiệm nước, các ông cá nhau là trong vòng 5 hay 10 phút đồng hồ, cái ly xây chừng bằng thủy tinh sẽ được ông trời đổ nước vô cao tới đâu, đến ngang vạch giữa ly hoặc thấp hay cao hơn vạch. Sau khi thống nhất xong, các cửa được đặt, một ông cầm cái ly không rảo lên thành cầu, chọn nơi cao nhất để đặt. Mưa xuống, bắt đầu canh giờ, sau đó cùng nhìn vào ly.
Ngồi nhìn trò cá mưa kỳ lạ đó, Thành chẳng hứng thú cho lắm. May mà có thể chơi với đám con nít đi theo tía hay ông nội của tụi nó. Tiết mục hấp dẫn nhất là sau khi cuộc cá độ kết thúc, người thua chung độ cho người thắng xong, cả nhóm gồm người lớn và con nít kéo nhau đến Nhà hàng Á Đông trên đường Khổng Tử. Ở đó, người thắng sẽ mời mọi người ăn bữa cơm. Con nít có dịp ăn thỏa thuê món ngon. Xong xuôi, người thắng độ vẫn còn dư tiền mang về.
Ông nội Thành bảo: “Cá độ nắng mưa để giải trí, cũng là cách giúp vốn làm ăn tế nhị giữa người Tiều với nhau”.
Đó là kỷ niệm của anh Thành, một người gốc quận 6 nay đã 60 tuổi. Đến giờ, dù cầu Nhị Thiên Đường cũ đã xây lại, trò cá mưa vẫn còn. Mỗi lần đi ngang cây cầu này, anh lại nhớ ông nội và những lần đi theo ông khi lên mười, cuối thập niên 1960.
Cầu Nhị Thiên Đường ngày nay. Ảnh Bùi Văn Nghiệp
Từ đâu kiểu đánh cá này xuất hiện ở Chợ Lớn?
Lê Hương, cây bút phóng sự của miền Nam thập niên 1960 từng làm việc nhiều năm ở Campuchia, cho biết môn cờ bạc ấy xuất phát từ thủ đô Nam Vang. Trò này có lúc định xâm nhập vào cộng đồng người Hoa ở khu Chợ Lớn nhưng không thành, đó là chuyện trước 1945.
Trong bài viết Những kẻ bán trời cá mưa đăng trên Tạp chí Thời nay số 145 năm 1965, Lê Hương kể: Khoảng năm 1925, những nhân công làm cho các nhà chế biến lạp xưởng ở Nam Vang rất bực mình vì ông trời xứ này mưa nắng bất thường, báo hại nhân công phơi lạp xưởng đem ra đem vào suốt ngày.
Trong 6 tháng mưa, họ phải túc trực trên sân thượng từ sáng đến tối canh từng đám mây nhỏ lớn từ chân trời bay tới, để cấp tốc mang lạp xưởng vào nhà. Lúc rảnh, họ cá với nhau xem hôm nay có mưa không, mấy đám, vào giờ nào, ai thua sẽphải đãi một chầu nhậu.
Trò chơi này tiếp đó lan sang mấy ông tài phú, chủ tiệm rồi tỏa khắp thành phố Nam Vang, chung độ từ bữa nhậu sang tiền bạc, trở thành môn cờ bạc. Việt kiều bên đó bảo: “Còn trời thì lại bán trời mà ăn” để chỉ chuyện này.
Tiếng đồn bay đến Ma Cao. Những tay chứa cờ bạc bên ấy thấy vậy bèn bay sang xin hợp tác với mấy ông tổ cá mưa ở Nam Vang, đòi hùn vốn. Để thêm vẻ huyền bí, họ đặt ra một ông tổ tên là Thần Wòn.
Mỗi năm trò này làm ăn vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11. Sau đó đám Thần Wòn ôm tiền đi Singapore hay Hương Cảng du hí. Giá cá độ là 1 đồng ăn 2 đồng, 5 đồng, 10 đồng hay 20, 50 đồng tùy tính toán của nhà cái. Nếu chắc ăn, họ sẽ cho giá có khi 1 đồng ăn 1.000 đồng. Người đánh cá giao tiền cho tay con của Thần Wòn không biên nhận gì hết, nếu thắng nhận tiền lại không sợ thiếu.
Nhật báo Sài Gòn xuất bản ngày 25-5-1934 có viết về nạn cá mưa ở Nam Vang. So với nạn số đề, dân “bán” trời cá mưa ăn gấp nhiều lần vì họ có kinh nghiệm xem thời tiết trong khi dân “mua” đặt tiền thì lơ mơ.
Thời gian đó, Campuchia và Nam kỳ cùng trong Đông Dương, qua lại thuận tiện, chính quyền Pháp ở Nam Vang dùng nhiều người Việt làm công chức và một số người Việt không bỏ qua trò này. Tuy nhiên, chỉ có một người Việt là anh Sáu Vàng mới thắng được mấy tay tổ ở đây.
Sáu Vàng mất, đám này gom hết tiền đặt. Vì có nghề, họ dám chấp 10 đồng ăn 2-3 cắc hoặc 1-2 đồng. Trên nóc nhà trọ Trường An ở đường Delaporte và ngay trên khách sạn Duyệt Lợi ở đường Praire có cắm cây cờ trắng phất phơ.
Dân ở đó bảo dùng để xem chiều gió đoán mưa. Hoa kiều ở Nam Vang có nhà lầu cao thì leo lên nóc xem mây ở chân trời, người Việt không có chỗ cao để quan sát thì ra bưng Cà-Chô trống trải nhìn trời mây mà đoán.
Trên lầu thượng khách sạn Ngũ Châu, ban ngày khóa cửa không cho ai lên, chỉ có người của công-xi đến đó thuê cá mưa mới được lên. Còn ở lữ quán Duyệt Lợi, sân thượng có dán tờ giấy trắng ghi hàng chữ “Duyệt Lợi chánh cáo - Đăng đài quan vũ mỗi vị nhứt hào” (Tiệm Duyệt Lợi rao: Lên đài xem mây mỗi vị một cắc)…
Việc cá độ diễn ra sôi nổi hằng ngày, giá đặt lên xuống theo ngày và tháng. Đầu mùa mưa ít thì giá rẻ hơn (1 đồng ăn 2 cắc), giữa mùa mưa lên giá có khi 1 đồng ăn 1 đồng.
Theo Lê Hương, khi tổ chức xong vụ cá mưa ở Nam Vang, đám trùm kéo xuống Chợ Lớn và Cần Thơ là những vùng có nhiều người Hoa để tính chuyện lập chi nhánh, đồng thời đến mấy tỉnh lớn như Kongpong Cham hay Svayrieng, Battambang để vét túi dân chúng, nhưng nơi nào họ cũng thua xiểng niểng hoặc không được hưởng ứng, nguyên do là mưa ở Nam Vang không theo quy luật nào nên khó đoán.
Năm 1965, nạn cá mưa chưa thấy đến được Chợ Lớn, nhưng chỉ một thời gian sau đó, cầu Nhị Thiên Đường đã trở thành địa điểm cá mưa ăn tiền. Có vài lý giải đưa ra khi trò cá độ này ngày càng thịnh hành, dù trước đó ít người quan tâm. Có thể từ thập niên 1960 vùng Chợ Lớn đã có thêm nhiều hãng xưởng đốt nhiên liệu thải khói lên trời khiến thời tiết vùng này bị tác động, mưa nắng thất thường.
Đã vậy, bên cạnh khu Chợ Lớn đông đúc, phía quận 8 còn vắng vẻ, là vùng đồng bưng nên thời tiết hai bên ảnh hưởng qua lại khó lường, khi bên này cầu có mưa nhưng bên kia tạnh ráo, tất cả tạo môi trường hấp dẫn cho trò cá mưa. Khi nào xuất hiện trò này ở đây? Phải chăng từ năm 1970, lúc xảy ra nạn “Cáp duồn” bức hại người Việt xuất hiện ở Campuchia. Nhiều người hồi hương về, phổ biến trò này ở khu vực cầu Nhị Thiên Đường.
Chiều mùa mưa năm 2019, trở lại cầu Nhị Thiên Đường đã xây mới, chúng tôi vẫn thấy vài người đàn ông ra đứng trên cầu nhìn trời đất để cá mưa. Có vài cụ trên tám mươi tuổi, thêm 2 ông bị tật đi xe 3 bánh hoặc chống gậy tới, cùng tụ họp trong quán cà phê bình dân gần đó.
Từ ngày điện thoại di động phổ biến, vài thanh niên tham gia cá mưa bằng cách xem… dự báo thời tiết qua điện thoại. Số chơi cố cựu đa số là người Hoa, họ tin đôi mắt của mình, không chỉ nhìn những đám mây gần có tích nước hay không, mà còn hướng ra xa tận chân trời.
Cách dùng chung thủy tinh hay ca hứng nước mưa ngày càng ít người chơi, vì đã có những cách khác thay thế. Ví dụ một người sẽ cá ở cái nhà đường Bãi Sậy đằng xa nhìn từ cầu Nhị Thiên Đường là máng xối có tràn nước hay không, trong vòng 6 giờ sáng đến 4 giờ chiều, sau đó họ sẽ đi kiểm tra xem ai thắng. Hai mốc thời gian để cá là từ 6 giờ sáng đến 4 giờ chiều và 4 giờ chiều đến 8 giờ tối. Nếu trời nắng, ai cá trời mưa là kèo dưới, nếu trúng sẽăn nhiều và ngược lại.
Sau này nhiều người cá tay đôi với nhau, không cần nhà cái. Có người chơi bắt độ giữa chừng, thấy mình sắp thua xin đổi độ để cắt thua. Đó là thỏa thuận giữa hai người với nhau khi cá tay đôi.
Trên cầu Nhị Thiên Đường thấy có một ông cụ 85 tuổi ra cá độ. Ông khẳng định trò này bắt nguồn từ Nam Vang rồi lan xuống đây mấy chục năm trước. Ông bảo bên đó khó đoán vì Nam Vang ít mưa hơn Chợ Lớn. Ông kể có một trùm du đãng khét tiếng từng đến đây cá mưa với ông Ba Mạnh là người bảo kê vùng này hồi trước, cuối cùng ông trùm thua. Từ ngày Ba Mạnh mất, người chơi cũng thưa dần và ông bảo số người chơi dưới cõi âm có khi còn đông hơn người “trên này”. Chắc đến lúc nào đó kiểu cá độ ấy cũng tự dẹp thôi.