Hồ sơ vụ án:

Truy lùng tên cướp khét tiếng với khẩu AK luôn đầy đạn (kỳ 1)

Thứ Ba, 11/02/2020 16:56

|

(CATP) Với khẩu súng AK luôn đầy đạn, Nguyễn Văn Sáu (SN 1948) bắn chết một phụ nữ, hãm hiếp hàng chục cô gái và đột nhập vào nhiều nhà để trộm cướp tài sản.

Trong khi chờ ngày thi hành án tử hình, hắn cùng tên tử tội Nguyễn Văn Đúng (SN 1958) khoét hầm buồng giam trốn thoát, trộm thêm 2 khẩu súng và tiếp tục gieo kinh hoàng cho người dân. Các lực lượng Công an, Quân đội tỉnh Tây Ninh đã tốn nhiều công sức truy bắt và tiêu diệt 2 tên tội phạm trong rừng lúc mờ sáng.

TỘI ÁC TÀY TRỜI

Khoảng cuối năm 1979 và đầu năm 1980 xuất hiện tên cướp độc hành Nguyễn Văn Sáu (quê thôn Ngoại Trạch, xã Tam Hiệp, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) chuyên trộm cướp, hiếp dâm, gây bao kinh hoàng trong nhân dân, khiến nhiều gia đình ban đêm phải đưa đàn bà, con gái đi ngủ nhờ ở vùng an toàn. Để truy lùng Sáu, ông Trần Bình Trọng - Phó công an huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) - đề xuất thành lập một trung đội trinh sát thiện chiến đảm nhận nhiệm vụ khó khăn này.

Lãnh đạo Ty Công an Tây Ninh chấp thuận và phân công đại tá Sáu Huệ (Phó giám đốc) làm Trưởng ban chuyên án, các phó ban thường trực gồm: Tư Minh, Út Trọng, Út Bình và Trưởng phòng Cảnh sát hình sự. Công an Hồ Nước là nơi đóng quân thường trực của Ban chỉ huy chuyên án.

Nguyễn Văn Sáu là trinh sát đặc công thời chống Mỹ. Sau ngày miền Nam giải phóng, Sáu đóng quân ở biên giới Tây Ninh - Campuchia. Chiến tranh biên giới ác liệt, hắn sợ chết nên đào ngũ về sống lang thang tại huyện Dương Minh Châu và Tân Châu, Tây Ninh. Tháng 9-1978, Sáu bị Tòa án Quân sự Quân đoàn tuyên phạt 18 tháng tù về tội "đào ngũ", cải huấn ở Trại giam K55. Ngày 22-12-1979, mãn hạn tù, Sáu tiếp tục bám trụ vùng đất biên giới để mưu sinh bằng cách đi cướp.

Vào một đêm mưa gió bão bùng, Sáu trở lại "viếng thăm" Trại giam K55, lấy cắp khẩu súng AK làm "bùa hộ mạng". Ban ngày y mặc đồ công nhân hoặc đồ bộ đội, đội nón cối đi chặn đường những người mua bán dầu lậu ở khu vực lòng hồ Dầu Tiếng để tống tiền. Sáu còn giả danh Công an Hồ Nước (lực lượng Công an bảo vệ khu vực hồ Dầu Tiếng) hoặc xưng là bảo vệ công trường để bắt giữ, hù dọa bỏ tù họ và đòi tiền hối lộ từ 10 đồng đến 50 đồng.

Với cách ăn mặc hơi giống công an, bộ đội, bảo vệ công trường cộng với khẩu súng AK trong tay, Sáu đã khiến nhiều người tuân lệnh. Ban đêm, y đột nhập nhà dân trộm cắp. Lúc bấy giờ nhà cửa còn sơ sài tạm bợ, hơn nữa với tài trí và bản lĩnh của một trinh sát đặc công năm xưa, y có thể đục tường, khoét vách chẳng mấy khó khăn.

Khu vực Hồ Dầu Tiếng - nơi Sáu thẹo hoành hành

Ông Nguyễn Thành Phương, nguyên Bí thư Chi bộ xã Bến Củi, nói rằng lúc bấy giờ nghe đến Nguyễn Văn Sáu thì ai cũng khiếp sợ. Vừa thấy y người ta đã vội có gì thì lo đưa, không thì y bắt đàn bà, con gái dẫn đi hãm hiếp càng khổ hơn. Nhiều gia đình phải đưa đàn bà con gái sang Dầu Tiếng lánh nạn. Mặc dù đã được công an, chính quyền phát động nhắc nhở, nhưng nhân dân không ai dám đánh kẻng gõ mõ dù tên Sáu vừa mới ra khỏi nhà, bởi trước khi lui gót hắn không quên đe dọa nếu muốn cả nhà... đi theo ông bà thì cứ báo công an.

Một đêm cuối tháng 12-1979, Sáu vào nhà hãm hiếp bà X. và lấy một số tài sản. Những đêm tiếp theo, y tiếp tục gây kinh hoàng bằng những vụ trộm cướp và hãm hiếp khác. Ban ngày, Sáu để ý bà vợ nào, cô gái nào thì ban đêm y vào dùng súng khống chế lấy tiền vàng, rồi "mượn" các bà vợ, các chị đi chơi vài tiếng đồng hồ. Có cô bị Sáu "mượn" đi mấy ngày liền mới trả, nhưng chẳng ai dám tố cáo vì sợ trả thù. Có vụ y hãm hiếp xong rồi ngồi hút thuốc và nói vọng ra ngoài "mấy thằng ngoài kia có muốn chơi thì vô đây". Thực ra chẳng có đồng bọn nào, y nói vậy cốt để bị hại tưởng có đồng bọn bên ngoài sẽ không dám kháng cự. Thủ đoạn gian manh xảo quyệt trên đã giúp Sáu hoành hành trong một thời gian dài.

Sáng 17-2-1980, chị Trần Thị Quây (38 tuổi, ngụ ấp Suối Hùng, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu) cùng chị Châu Thị Măng (30 tuổi) và bé Trần Thị Phượng (11 tuổi) đi mua 3 can dầu lậu, dùng xe đạp đẩy từ khu vực lòng hồ về. Khoảng 17 giờ cùng ngày, cả 3 về cách nhà khoảng 4 cây số thì gặp Sáu chặn bắt, đòi hối lộ. Trước tình thế khó, chị Quây bảo chị Măng: "Chị ở lại, em dẫn bé Phượng về và kiếm tiền đem vô đưa cho chú Sáu". Chị Măng đi rồi, chị Quây ở lại nói chuyện phải quấy với Sáu. Thấy chị Quây xinh đẹp sắc sảo, lòng y nổi máu dâm dục nhưng y chưa hành động thô bạo mà chỉ mở lời bóng gió.

Nghe tiếng tên cướp dâm đãng đã lâu nay lại gặp, chị Quây lo sợ nên nghĩ cách thoát khỏi tay y. Khi Sáu vồ vập muốn chuyện tình cảm thì chị Quây bảo "chú Sáu coi giùm bánh xe tôi sao mềm quá, đẩy dầu đi không nổi". Sáu tưởng thật nên cúi xuống đưa tay bóp bánh xe thì lập tức chị Quây giơ ống bơm xe đạp lên giáng mạnh xuống đầu và trán y mấy phát toét da phun máu. Sau giây phút bị choáng, Sáu kịp trấn tĩnh và nổi điên quay súng vào chị Quây nã đạn. Bị 7 phát đạn vào người, chị Quây chết tức khắc.

Được tin vụ giết người do Nguyễn Văn Sáu gây ra, lực lượng đặc nhiệm lập tức bủa vây, truy lùng. Nhưng thật trớ trêu, khi công an dàn quân truy lùng trong rừng và cứ ở dưới đất mà tìm thì hắn ung dung ngồi trên ngọn cây. Sau nhiều ngày tìm kiếm không kết quả, công an rút quân nhưng y vẫn ở mãi trong rừng vì không biết đường ra. Đến ngày thứ tư Sáu mới ra được khu rừng rậm và tiếp tục hành trình cướp bóc, hãm hiếp. Và cũng từ đó, trên trán Sáu xuất hiện vết thẹo do chị Quây để lại nên có biệt danh Sáu thẹo.

TÊN CƯỚP THÚC THỦ

Trong cuộc họp án, đại tá Ngô Quang Nghĩa chỉ đạo tung hết "ngón nghề" vào trận, tập trung xây dựng lực lượng quần chúng có khả năng nắm bắt tình hình, tăng cường tuần tra mật phục những điểm nóng cả ngày lẫn đêm, bằng mọi giá phải bắt được tên Sáu trước Tết Nguyên đán để bà con yên tâm đón xuân.

Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Thanh Bình (Út Bình, Trưởng Công an Hồ Nước) đã đào tạo được một quần chúng có khả năng nắm tình hình tốt, đó là anh Nguyễn Thành Tâm (Tư Tâm, SN 1949, ngụ xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng) đang sống cùng cha là ông Nguyễn Văn Ri ở bến Cây Trâm, ấp Bà Xự, xã Định Thành, huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé (nay thuộc huyện Dầu Tiếng, Bình Dương). Anh Tâm làm Đội trưởng Đội khai thác chất đốt của Công ty Chất đốt TP.Hồ Chí Minh.

Khoảng cuối năm 1980, một thanh niên khoảng 30 tuổi, người hơi lùn, ăn mặc tuềnh toàng, áo bộ đội, đội nón cối mang súng AK vào xin làm công nhân khai thác chất đốt và ở nhờ. Anh ta nói tên là Bình, quê miền Bắc, hoàn cảnh khó khăn xin làm công nhân kiếm tiền dành dụm để về quê. Còn khẩu súng AK không có đạn, Bình bảo nhặt được cất để đi săn thú rừng. Thấy Bình có vẻ "hiền lành chất phác" nên ông Ri nhận làm con nuôi. Bình bảo anh Tâm đi xin đạn lắp vào súng để săn thú kiếm thịt cải thiện bữa ăn. Anh Tâm đem súng cất trong buồng.

Chiều hôm sau, khi vợ anh Tâm tắm thì thấy Bình hay để ý rình xem. Nghe vợ nói vậy, anh Tâm linh cảm điều bất an nên để ý hắn. Những ngày tiếp theo, nhớ lời các anh Công an Hồ Nước thông báo về đặc điểm và thủ đoạn hoạt động của tên cướp Nguyễn Văn Sáu, đặc biệt rất dâm đãng, hay hãm hiếp phụ nữ, anh Tâm nghi ngờ Bình chính là tên cướp Nguyễn Văn Sáu.

Vào sáng ngày thứ tư kể từ khi Sáu xuất hiện, anh Tâm bảo "em ở nhà, anh đi xin ít đạn AK để về anh em mình săn thú rừng cải thiện bữa ăn", rồi nhanh chân đến Công an Hồ Nước gặp Út Bình kể lại sự việc. Giao 20 viên đạn AK và căn dặn anh Tâm một số điều cần thiết, Út Bình phân công trung úy Nguyễn Trung Sơn - Đội trưởng Bảo vệ chính trị và gọi anh Lê Công Kỳ - Trưởng ấp A3, xã Phước Minh - đi cùng anh Tâm để nếu đúng Nguyễn Văn Sáu thì tìm cách khống chế bắt giữ.

Khi về nhà, anh Tâm vào bảo Bình đun nước pha trà tiếp khách. Anh nói với Bình, hai anh này (ý chỉ anh Sơn và anh Kỳ) là người đến cưa cây giúp. Lúc này, Trung Sơn và anh Kỳ mặc đồ giống như người đi làm mướn, mang theo cưa, rựa. Nhớ lời Út Bình, trung úy Sơn và ông Kỳ vẫn giữ khoảng cách với tên Bình và thản nhiên tính toán công việc cưa cây khiến tên Bình chẳng thể nghi ngờ. Mọi việc để anh Tâm sắp xếp hành động. Sau khi bảo Bình đun nước, anh Tâm lẳng lặng vô buồng lấy khẩu AK của hắn nạp vô 10 viên đạn rồi bước ra, nháy mắt cho trung úy Sơn chuẩn bị hành động.

Khi Bình đang lum khum chụm lửa thì anh Tâm bất ngờ chĩa súng vào người hắn hô: "Nguyễn Văn Sáu, giơ tay lên, mày đã bị bắt". Dù là tên cướp khét tiếng tung hoành dọc ngang nhưng quá bất ngờ và trước khẩu súng đầy đạn, Sáu đứng như trời trồng, không nói được câu nào. Lập tức, trung úy Sơn phóng tới bẻ tay y ra sau lưng khóa lại và cùng anh Kỳ trói giải về Công an Hồ Nước.

Ngày 5-12-1980, tại sân vận động công trường Dầu Tiếng, tên cướp dâm đãng và giết người Nguyễn Văn Sáu bị kết án tử hình.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang