Sụp lún, hạn, mặn tàn phá ĐBSCL:

Bài 2: Oằn mình trong "cơn khát" nước ngọt

Thứ Tư, 26/02/2020 16:44  | Thiện Thảo

|

(CATP) Do hạn hán gay gắt, nước mặn xâm nhập, không chỉ cây trồng mà việc sinh hoạt của người dân ở nhiều nơi tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Nhiều cánh đồng nứt nẻ, vườn cây khô cằn, nông dân không biết lấy nước ở đâu để tưới tiêu và phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

THIỆT HẠI TÍNH TỪNG NGÀY

Đi ngang qua những vùng ngọt hóa ở huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), chúng tôi thấy nhiều cánh đồng nứt nẻ, kênh rạch khô tới đáy. Một số hộ dân đành bỏ vườn rau, thửa ruộng khô héo, bởi không tìm ra đâu nước ngọt để tưới tiêu.

Ông Lê Văn Sử (Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau) cho biết, địa phương có 3 mặt giáp biển, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ, việc sản xuất và sinh hoạt của nhân dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa, nước ngầm. "Địa phương không có nước ngọt bổ sung trong mùa khô như các tỉnh, thành khác ở ĐBSCL. Mùa mưa thì thừa nước, mùa khô lại thiếu nước. Tình trạng hạn hán kéo dài nên tỉnh thường xuyên thiếu nước ngọt" - Ông nói.

Tính từ đầu năm đến ngày 19-2 vừa qua, tỉnh Cà Mau có hơn 18.000 héc-ta lúa bị thiệt hại. Trong đó, 5.500 héc-ta bị thiệt hại từ 30 - 70%, 12.500 héc-ta thiệt hại hơn 70%. Diện tích trồng lúa kèm nuôi tôm có gần 16.000 héc-ta bị thiệt hại. Hoa màu bị thiệt hại hơn 3,6 héc-ta. Diện tích khô hạn của cả tỉnh lên đến gần 43.000 héc-ta. Đáng lưu ý, mức độ báo động cấp V (cực kỳ nguy hiểm) diễn ra trên hơn 12.000 héc-ta, gần 21.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Hầu hết những con kênh ở vùng ngọt hóa Cà Mau đang khô cạn

Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, thống kê ban đầu, tỉnh có hơn 12.150 hộ dân đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng, không có hoặc thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô này, tập trung ở các huyện: An Biên, An Minh, Giang Thành, Phú Quốc, U Minh Thượng, Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, Kiên Hải, Gò Quao.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Trà Vinh, vụ lúa đông xuân 2019 - 2020, tỉnh này xuống giống hơn 60.000 héc-ta, đạt hơn 88% kế hoạch. Hiện nay, khoảng 5.160 héc-ta lúa của gần 7.000 hộ dân bị thiệt hại do nước mặn xâm nhập nội đồng (trong đó có 3.236 héc-ta bị thiệt hại hơn 30% diện tích và có nguy cơ mất trắng).

Tương tự, tỉnh Long An có tổng diện tích lúa đông xuân 2019 - 2020 đã gieo sạ là hơn 226.000 héc-ta. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tình hình hạn, mặn diễn biến phức tạp như hiện nay, ước tính có khoảng 15.000 héc-ta lúa và hơn 11.000 héc-ta hoa màu, cây ăn trái có khả năng bị ảnh hưởng do thiếu nước sản xuất. Ngoài ra, trên địa bàn có gần 8.000 hộ dân ở huyện Cần Giuộc thiếu nước sinh hoạt.

Những ngày qua, độ mặn trên sông ở Bạc Liêu ở mức 24%, mực nước tại các kênh, rạch ở vùng phía bắc QL1A của tỉnh Bạc Liêu xuống rất thấp. Dự báo hàng ngàn héc-ta lúa đông xuân của tỉnh có thể thiếu nước ngọt trong thời gian tới, nhất là tại huyện Phước Long và TX.Giá Rai. Ngành NN&PTNT cùng các địa phương trong tỉnh đang tập trung triển khai biện pháp hạn chế thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra.

Tại huyện Phước Long, nông dân ở vùng ngọt ổn định của huyện đã gieo sạ hơn 13.700 héc-ta lúa đông xuân. Hiện nay, hầu hết các kênh thủy nông nội đồng trên địa bàn huyện này đã cạn, mực nước ở các kênh cấp 2, cấp 3 xuống thấp. Dự báo khoảng 2.200 héc-ta lúa đông xuân có nguy cơ thiếu nước ngọt vào những ngày tới. TX.Giá Rai có 500 héc-ta không thể xuống giống do thiếu nước.

Những cánh đồng ở miền Tây đang thiếu nước ngọt

NƯỚC MẶN TẤN CÔNG VÙNG NGỌT HÓA

Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam cho rằng, thời điểm hiện tại, độ sâu xâm nhập mặn phía sông Cổ Chiên là 56km (tăng 14km so với tuần trước), phía sông Hậu là 65km (tăng 30km so với tuần trước). Trong khi đó, nguồn nước ngọt thượng nguồn vẫn đang ở mức thấp (thấp hơn cùng kỳ năm 2016). Dự báo mặn sẽ xâm nhập sâu trong tháng 2 này, vùng ven biển ĐBSCL có nguy cơ xảy ra đợt xâm nhập mặn lịch sử.

Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết, lưu lượng dòng chảy từ đầu nguồn sông Mê Kông tại Campuchia về đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 18 - 20%, xấp xỉ cùng kỳ năm 2016. Mực nước đầu nguồn tại TP.Châu Đốc (An Giang) xuống rất thấp so với trung bình nhiều năm.

Độ mặn mùa khô năm nay xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 2 tháng; độ mặn ven biển tăng cao, gây xâm nhập sâu vào nội đồng, ảnh hưởng đến 598 héc-ta diện tích lúa đông xuân tại hai huyện Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang). Nguyên nhân chủ yếu do sản xuất lúa - tôm đan xen, sử dụng chung kênh cấp, thoát nước gây nhiễm mặn.

Các địa phương tỉnh Kiên Giang trong vùng bị ảnh hưởng mặn đã triển khai gia cố, đắp mới 195 đập ngăn mặn theo thời vụ, với kinh phí hơn 46 tỷ đồng để bảo vệ lúa đông xuân và tiếp tục phòng, chống hạn, mặn cho vụ hè thu năm 2020.

UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi diễn biến chất lượng nguồn nước, xâm nhập mặn trên sông trục chính và các tuyến kênh, rạch trong nội đồng. Kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực thường xuyên xảy ra khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn để nạo vét, đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến. Đặt các trạm bơm dã chiến tại các cống đầu mối (Châu Phê, Ông Sen, Bà Phổ, kênh Thủ Thừa) để bơm nước vào đồng khi độ mặn giảm. Vận động nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của địa phương, ưu tiên sử dụng các giống ngắn ngày, nhóm giống chịu mặn. Rà soát, tu bổ, tôn cao các tuyến bờ bao xung yếu, đắp đập tạm để trữ nước, ngăn mặn.

Riêng khu vực thuộc hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo - Tân Trụ của tỉnh Long An hiện nay không thể bổ sung nước. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã vận động nhân dân đắp được 90 con đập để bơm chuyền nước từ kênh thủy lợi vào kênh thủy nông nội đồng, trữ nước ngọt phục vụ nhu cầu tưới tiêu.

Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo mở cống Giá Rai và cống Hộ Phòng để kéo khối nước mặn tại ngã tư Ninh Quới về hướng Phước Long, kết hợp xả nước mặn bị ô nhiễm để hạn chế mặn xâm nhập qua ngã tư Ninh Quới. Đồng thời phối hợp với TX.Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) mở cống Năm Kiệu và cống Đá để lấy nước ngọt về Bạc Liêu.

Ông Tô Quốc Nam (Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau) nói: "Năm 2002, UBND tỉnh Cà Mau ký quyết định phê duyệt quy hoạch vùng bắc Cà Mau là vùng ngọt hóa, chia làm 5 tiểu vùng, có diện tích tự nhiên gần 89.000 héc-ta. Tính đến nay, tỉnh đã đầu tư 120km đê, 69 cống cơ bản, 4 trạm bơm và 2.203km kênh các cấp. Do hạn hán nghiêm trọng nên chênh lệch mức nước trong đồng và ngoài sông hiện nay từ 2,5 - 3,5m. Với trữ lượng nước mặn ngoài sông cao, nước trong đồng thấp, các cống đang bị nước mặn bao vây và tấn công bất cứ lúc nào".

Thực tế thời gian qua, cống kênh Mới và cống Sào Lưới trên đê biển Tây, cống Trùm Thuật Nam trên tuyến đường Rạch Ráng - Sông Đốc mất ổn định, nước mặn xâm nhập vào cánh đồng. Qua khảo sát, có 18 cống vùng ngọt hóa bán đảo Cà Mau cũng xảy ra hiện tượng như các cống trên.

(Còn tiếp...)

Bài 1: Vùng ngọt hóa đang bị
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang