Nhà "hộp" giữa lòng Sài Gòn

Thứ Hai, 02/03/2020 21:30

|

(CATP) Ở TPHCM, bên cạnh những cao ốc vươn cao lên trời tạo quang cảnh phồn hoa, tráng lệ, xung quanh vẫn còn nhiều căn nhà nhỏ bé như những chiếc hộp, trông rất nhếch nhác, xập xệ. Đây là những ngôi nhà được xây dựng tạm bợ từ trước năm 1975. Cá biệt, có căn rộng chưa tới 10m2, nhưng có tới 3 thế hệ, với 20 người cùng sinh sống.

20 NGƯỜI SỐNG TRONG NGÔI NHÀ 10M2

Giữa trung tâm Sài Gòn vẫn có những căn nhà "hộp" rộng chưa tới 10m2, nhưng rất đông nhân khẩu. Do nhà hẹp, người dân không thể nằm theo chiều ngang căn nhà, mà phải nằm dọc. Họ phải làm thêm gác xép để có đủ chỗ cho các thành viên nằm ngủ. Nhiều người mua ghế bố để ngoài hẻm, tranh thủ ngủ, nghỉ trong những lúc vắng người.

Một số gia đình còn tận dụng những mái hiên của nhà hàng xóm để ngủ qua đêm. Khi trời mưa gió, các thành viên không thể ngủ nhờ phía ngoài thì bữa đó gần như cả nhà mất ngủ vì không đủ chỗ đặt lưng.

Bà Phan Thị Anh (SN 1957, nhà trong hẻm 141 Lý Tự Trọng, P.Bến Thành, Q1) cho biết: Năm 1950, cha mẹ bà là ông Dậu và bà Bảnh từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) di cư lên Sài Gòn. Do kinh tế khó khăn, hai người mua được căn nhà rộng gần 10m2 ở khu trung tâm Sài Gòn cho cả gia đình tá túc.

Tại căn nhà này, 9 người con của ông Dậu và bà Bảnh lần lượt ra đời. Con cả là bà Phan Thị Liên (SN 1951), con út là ông Phan Văn Dũng (SN 1972). Con cháu đông, hơn nữa khi qua đời, ông Dậu và bà Bảnh không để lại di chúc nên 9 người con đều là đồng sở hữu căn nhà này.

Các cháu nhỏ trong gia đình bà Phan Thị Anh phải nằm dọc theo khoảng trống này

Do nhà quá nhỏ, 5 thành viên quyết định thuê nhà trọ ở riêng. Các thành viên còn lại, gồm các bà: Phan Thị Anh, Phan Thị Liên, Phan Thị Mỹ Vân, Phan Thị Tuyết Hoa... cùng 3 thế hệ, với hơn 20 nhân khẩu vẫn tiếp tục sống chung nhà. Nói là nhà, nhưng được thiết kế bởi hai bên vách mượn tạm tường của nhà hàng xóm.

Do lịch sử lâu đời của căn nhà để lại, nên hai bên hàng xóm cũng không xảy ra tranh chấp, kiện tụng gì. Bà Liên cho biết, để đủ chỗ ngủ cho 20 thành viên, cả nhà bàn tính cơi nới, làm thêm gác xép (cũng được che chắn tạm bợ).

Với mong muốn thoát khỏi căn nhà "hộp", năm 2010, các thành viên trong gia đình thống nhất ủy quyền cho bà Phan Thị Anh rao bán nhà với giá 1,5 tỷ đồng, để tìm nơi ở mới rộng rãi hơn ở ngoại thành.

Sau nhiều lần rao bán, một người ở Hải Phòng đồng ý mua để 2 đứa con đang học đại học tại TPHCM ở. Tuy nhiên, căn nhà quá nhỏ, không thể ra được "sổ đỏ" nên bên mua tháo lui. Hơn 10 năm vẫn không bán được. Đến nay, căn nhà đang được rao bán với giá 2,5 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa có người mua.

Những con hẻm nhỏ dẫn vào khu dân cư Mả Lạng, với những căn nhà chật hẹp

Tại hẻm 141 Lý Tự Trọng (Q1) còn có căn nhà "siêu nhỏ" của ông Trần Quang Phấn. Gọi là nhà cho sang, thực chất đây là một căn phòng rộng gần 5m2, với hai thế hệ cùng sinh sống.

Theo ông Phấn, trước đây do điều kiện khó khăn, mẹ ông phải rời quê lên thành phố làm thuê kiếm sống. Căn nhà vừa là chỗ ngủ, nghỉ cho các thành viên trong gia đình, kiêm luôn nhà vệ sinh và nhà tắm, được thiết kế bằng những tấm tôn, ván tạm bợ. Ban ngày, những người lớn thì ra chợ Bến Thành làm thuê, làm mướn, còn các em nhỏ thì vui đùa trong xóm.

NƠI CÓ NHIỀU DÃY NHÀ "HỘP"

Nói đến nhà "hộp" là phải nhắc đến khu Mả Lạng rộng khoảng 3 héc-ta, hiện có khoảng 550 hộ dân sinh sống. Khu Mả Lạng được bao bọc bởi 4 tuyến đường lớn: Nguyễn Trãi, Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh, Trần Đình Xu (phường Nguyễn Cư Trinh, Q1).

Bà Nguyễn Thị Sê sống ở đây đã 40 năm, cho biết: Trước năm 1975, nơi đây là khu nghĩa địa với nhiều ngôi mộ nằm lộn xộn, xen lẫn nhà dân, nên được gọi là khu Mả Lạng. Khu vực này là một trong những khu "chợ ma túy" nổi tiếng trước giải phóng. Giờ đây, ám ảnh về "cái chết trắng" đã trở thành dĩ vãng trong tiềm thức của người dân nơi này. Tuy nhiên, cái nghèo thì vẫn đeo bám dai dẳng cho đến tận bây giờ.

Những con hẻm nhỏ dẫn vào khu dân cư Mả Lạng, với những căn nhà chật hẹp

Ông Trương Đình Hoàng (ngụ khu dân cư Mả Lạng) cho biết, từ những năm 1986 khi đất nước mới mở cửa, xóm nhập cư này được hình thành từ những phu bốc vác và những gia đình làm ăn thất bát lần lượt về đây. Ban ngày, họ ra các chợ Bến Thành, Cầu Muối, cảng Bến Nghé... làm việc. Khi màn đêm buông xuống, họ lại quay về đây ngủ.

Người dân khu Mả Lạng làm đủ thứ nghề để kiếm sống, cả gái mại dâm hết thời, các băng nhóm xã hội đen, giang hồ gác kiếm cũng tập trung về đây. Vì vậy, trong thời gian dài, khu vực này từng là điểm nóng về an ninh trật tự.

Đường vào khu Mả Lạng như một "mê trận", với hàng loạt hẻm nhỏ chạy loằng ngoằng chỉ đủ để một xe máy đi qua. Đặc thù của khu vực này là hẻm nhỏ, nhà nhỏ xây dựng bán kiên cố. Mỗi gia đình có trung bình khoảng 6 nhân khẩu trở lên, nhiều thế hệ cùng chung sống.

Nhìn từ bên ngoài, ít ai biết đằng sau những tuyến đường buôn bán sầm uất là hàng trăm căn nhà diện tích chỉ khoảng 5 - 7m2, lụp xụp nằm sâu trong các hẻm nhỏ. Trong đó, có không ít nhà nhiều chục năm qua không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Vậy nhưng ở đây lại trở thành nơi che chở cho hàng nghìn số phận, hàng nghìn mảnh đời hơn nửa thế kỷ qua.

Những con hẻm nhỏ dẫn vào khu dân cư Mả Lạng, với những căn nhà chật hẹp

Ngoài 60 tuổi, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hiệp đã trải qua hơn 25 năm sống trong căn nhà có bề ngang 1,5m, dài 5m. Diện tích chỉ vẻn vẹn 7,5m2, nhưng đây là tổ ấm của 6 người, gồm: vợ chồng ông, vợ chồng một người con và 2 đứa cháu. Ông Hiệp kể, đầu năm 1990, ông là dân xa xứ trôi dạt về Sài Gòn kiếm sống rồi mua lại căn nhà này. Vốn dĩ ban đầu căn nhà có diện tích tới 15m2, nhưng chủ cũ đã ngăn làm đôi để bán.

Về sinh hoạt của gia đình trong căn nhà bé xíu, ông Hiệp cho biết, đã cơi nới thêm một gác nhỏ khoảng 5m2 để vợ chồng người con và các cháu ngủ. Còn vợ chồng ông ngủ trên nền nhà, cũng là nơi chứa tất cả đồ đạc, vật dụng của gia đình, nấu cơm, rửa chén, giặt đồ.

Trong khu Mả Lạng, có rất nhiều dãy nhà tối tăm mà gia chủ không bước ra ngoài thì không thể nhìn thấy ánh mặt trời. Nhiều căn nhà nhỏ đến mức gia đình muốn nấu cơm, rửa chén thì phải tận dụng phía bên ngoài, vì bên trong không đủ chỗ. Xe cộ đa phần để bên ngoài nhà, khiến những con hẻm vốn đã hẹp lại càng chật chội hơn.

Những con hẻm nhỏ dẫn vào khu dân cư Mả Lạng, với những căn nhà chật hẹp

Thật không thể tin rằng căn nhà 9m2 của gia đình ông Huỳnh Trung Nghĩa có thể chứa đến 14 người (10 người lớn, 4 đứa trẻ). Cũng như bao gia đình khác, ông Nghĩa phải cơi nới thêm một gác nhỏ đủ để "lùa" hết một nửa vào nằm, phân nửa còn lại sẽ ngủ trên nền nhà.

Đối với gia đình ông Nghĩa cũng như nhiều hộ dân khác trong khu Mả Lạng, giường ngủ có lẽ là một món đồ xa xỉ, không phải vì không đủ tiền mua mà vì nhà quá chật chội, không thể kê giường. Về chuyện tắm giặt của cả gia đình 14 người chỉ với một nhà vệ sinh nhỏ xíu, mỗi người đều phải tranh thủ thời gian. Trẻ con đi học về tắm trước, người lớn đi làm về phải luân phiên nhau tắm, từ chiều cho đến tối.

Kể về những bữa cơm gia đình, ông Nghĩa cho biết, vợ ông cứ nấu sẵn cơm để đấy, ai về trước thì ăn trước. Nếu về cùng lúc đông quá thì mỗi người một tô, tự bưng ra hẻm tìm chỗ ngồi ăn. Sống từ nhỏ trong căn nhà này đến nay cũng mấy chục năm, chưa một lần cả gia đình được sum vầy bên mâm cơm, vì chỗ đâu mà ngồi? Trong khi cách đó chỉ khoảng 400 - 500m là chợ Bến Thành, các tuyến đường Lê Lợi, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão, Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Lê Lai... sầm uất, phồn hoa.

Một căn nhà "hộp" của người dân nơi đây

Một lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM cho biết: Năm 2000, UBND TPHCM có chủ trương giải tỏa khu Mả Lạng và chỉnh trang khu lại vực này. Theo đó, thành phố chấp thuận cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn thực hiện, nhưng dự án kéo dài mà không triển khai được. Đến năm 2007, UBNDTP tiếp tục chấp thuận cho Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư, dự kiến biến khu vực này thành một khu phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại.

Đến đầu năm 2017, UBNDTP có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát về pháp lý, phối hợp với Q1 tiến hành công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án. Đồng thời chỉ đạo Q1 chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Bitexco và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai công tác bồi thường, GPMB, thu hồi đất; tổ chức điều tra, khảo sát, lập phương án tái định cư cho người dân. Tuy nhiên, đến nay khu Mả Lạng vẫn còn là khu nhà "hộp" của Q1.

Bình luận (0)

Lên đầu trang