Quảng Trị:

Mở đường trong rừng đặc dụng để chở gỗ và tuần tra bảo vệ rừng?

Thứ Ba, 03/03/2020 09:45  | Hoàng Quân

|

(CAO) Tuyến đường đã được thi công trong vài tháng nay, nhiều đoạn mới san lấp. Nhiều cây cối bị đốn hạ phục vụ cho việc mở đường.

Phái sau tấm biển Rừng đặc dụng

Qua khỏi cánh cổng Trại giam Nghĩa An (thuộc Cục C10 Bộ Công an; đóng tại xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, Quảng Trị), sáng 2-3, chúng tôi đi thêm hơn 1km nữa đến một khối đá khắc dòng chữ: Rừng đặc dụng – Cấm (các hành vi xâm phạm rừng đặc dụng) đánh dấu địa phận rừng tự nhiên. Một lối mòn đi vào rừng mà nhìn từ ngoài vào rất khó nhận biết bên trong có gì xâm phạm vào rừng.

Đi thêm khoảng 300m nữa là một con đường mới rộng lớn được cải tạo, mở rộng bằng máy xúc, máy ủi và thi công rất rầm rộ. Đường rộng trung bình 5-7m, có nơi đến 8m. Hai bên đường, cây cối ngã rạp, trơ lại gốc, thân. Nhiều gốc cây có đường kính lên đến 50cm. Nhiều đoạn, vách núi bên cạnh cũng được đào bới để mở đường. Hai bên vực của tuyến đường có nhiều gốc, cành cây rơi xuống rất sâu.

Tuyến đường đã được thi công trong vài tháng nay, nhiều đoạn mới san lấp. Đường trong rừng nhiều đoạn quanh co, khúc khuỷu, dốc cao, nhiều chướng ngại vật đã được máy móc san ủi.

Ở một khúc cua là chiếc lán trại được dựng lên từ trước đó nhiều tuần để làm nơi tập kết phương tiện, máy móc, thiết bị và sinh hoạt của công nhân. Chiếc ô tô 7 chỗ của người liên quan đến việc mở đường đậu ở đây. Một người đang nằm ngủ trong lán trại nghe tiếng xe liền tỉnh dậy nhìn chúng tôi dò xét rồi lấy điện thoại liên lạc…

Cải tạo, thi công con đường dài 11km, rộng 5-8m xuyên qua rừng đặc dụng ở Quảng Trị.

Sau 2 giờ vất vả vượt qua nhiều quả đồi, chúng tôi cũng đi đến cuối con đường mới mở và ghi nhận được chiều dài tuyến đường gần 11km. Vị trí này là rừng thuộc địa phận xã Ba Lòng (huyện Đakrông, Quảng Trị), giáp với khu vực bờ sông Ba Lòng, phía bên kia sông là xã Hải Phúc, huyện Đakrông.

Một chiếc máy xúc đang đào bới, san ủi đất. Ông Trọng Linh (ngụ huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) – đại diện đơn vị thi công cải tạo, mở rộng đường cho biết, giá trị thi công hơn 2 tỷ đồng. Bình quân mỗi ca máy xúc, san gạt làm đường 7 tiếng đồng hồ được trả 2 triệu đồng.

Ông Linh nói, việc thi công hơn 1 tháng nay và còn thêm 1km nữa là hoàn thành hạng mục. Khi được hỏi căn cứ pháp lý, hợp đồng với đơn vị, cá nhân nào để có cơ sở đưa máy múc, phương tiện và con người đến thi công, ông Linh nói vòng vo rằng chỉ có hợp đồng bằng “miệng”, thỏa thuận với một số người có liên quan đến rừng.

Sau khi dùng điện thoại liên lạc, ông Linh hướng dẫn nhóm phóng viên (PV) liên lạc với chủ rừng là Khu bảo tồn thiên nhiên huyện Đakrông (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị).

Một gốc cay bị san ủi.

Mượn đường để chở gỗ và cải tạo đường tuần tra?

Ông Trương Quang Trung - Giám đốc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên huyện Đakrông lý giải: “Nhận được văn bản của UBND xã Ba Lòng (huyện Đakrông) vào ngày 30-12-2019 đề nghị Khu bảo tồn thiên nhiên huyện Đakrông xin cho mượn đường để đơn vị trúng đấu giá khai thác rừng trồng dự án JIBIC để vận chuyển đưa ra ngoài. Đơn vị cùng Hạt kiểm lâm huyện Đakrông đã đi kiểm tra thực tế, có biên bản hiện trường sau đó báo cáo cấp trên, đồng ý cho vận chuyển theo đường băng qua rừng”.

Ông Trung nói thêm, đường trên được cải tạo, mở rộng dựa trên con đường cũ 365 từ thời chiến tranh, hiện vẫn còn các vết tích, cầu cống cũ, không phải đường mới mở.

“Lúc đầu đơn vị cũng đắn đo, suy nghĩ nhiều nhưng thấy văn bản đề xuất của chính quyền địa phương để phục vụ việc khai thác, vận chuyển gỗ đấu giá thuận lợi; đồng thời cũng thấy thuận lợi là để tạo ra tuyến đường phục vụ công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy được dễ dàng; tiết kiệm chi phí cho nhà nước.

Ngoài ra, đơn vị cùng các ban ngành cũng đã kiểm tra thực tế, giám sát việc cải tạo, mở rộng đường. Xét nhiều thuận lợi như vậy nên đơn vị đồng ý với xã về việc xin mượn đường qua rừng đối với 4km mà đơn vị quản lý, còn lại là UBND xã Ba Lòng quản lý)”.

Cải tạo, thi công con đường dài 11km, rộng 5-8m xuyên qua rừng đặc dụng, có đoạn làm mới đưa lên đồi cao.

Ông Trung cũng thừa nhận thực tế suốt cả tuyến có một số cây rừng bị san ủi, chặt phá nhưng không đáng kể, đa phần là cây nhỏ, cây bụi và nằm trên, ven tuyến đường cũ. Nếu có sự xâm hại đến rừng nhiều thì sẽ lập biên bản ngay. Kiểm lâm, công an cũng có kiểm tra, giám sát…

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Tý – Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho biết sẽ chỉ đạo, phối hợp các cơ quan, đơn vị kiểm tra, xác minh sớm và thông tin cụ thể lại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang