Lũ dữ mang theo "lũ gỗ", rừng đầu nguồn con đâu!

Thứ Hai, 19/08/2019 19:53  | Hoàng Quân

|

(CAO) Mưa lũ tại Thanh Hóa vừa qua gây nhiều đau thương, thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đi kèm với lũ quét là lũ gỗ từ những cánh rừng tự nhiên ùa về.

Mưa lũ tại Thanh Hóa vào tháng 8 đã khiến 16 người chết và mất tích, 7 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị sập, cuốn trôi, hư hỏng. Riêng bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện miền núi biên giới Quan Sơn) hiện còn 8 người đang mất tích, 2 người chết, 36 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi.

Từ ngày 3-8, mưa lũ về kéo theo cơn lũ gỗ từ rừng đầu nguồn biên giới Việt – Lào; từ thượng nguồn sông Luồng về huyện Quan Sơn rồi đi về phía hạ nguồn. Khung cảnh nơi hoang tàn, ngổn ngang, đổ nát, xơ xác, chìm trong bùn đất, gốc, thân cây rừng. Những vật dụng còn sót lại không còn nguyên vẹn, nằm bẹp dưới lớp bùn đất dày, rác rưởi, gốc cây, thân gỗ...

Sau lũ dữ là lũ gỗ ngổn ngang ở bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa)

Khắp bản Sa Ná và dọc sông Luồng, suối Son tràn ngập gỗ rừng với nhiều loại khác nhau, đủ các nhóm cây. Từ những ngày đầu vào bản Sa Ná, mọi người gặp rất nhiều khó khăn bởi chướng ngại vật là gỗ. Những gốc, thân cây khổng lồ hoặc gỗ thành phẩm nằm chặn các lối đi, nằm sâu dưới nước, chìm trong bùn đất. Có những thân gỗ dài 20 – 30m, đường kính 1 – 2m, nhiều cây gỗ lớn bị bật gốc, còn nguyên dấu cưa, xẻ, chặt hạ…

Gỗ tràn lan, tấp thành từng đống với hàng chục, hàng trăm khối, cao bằng cả nóc nhà ở của người dân. Lũ gỗ về và gỗ trong nhà dân tập kết trôi ra khiến gỗ tràn vào chặn các lối đi, đập phá gây hư hỏng, sập nhà cửa, phá nhiều tài sản, hoa màu của người dân.

Với lượng gỗ lớn như vậy cũng có thể hình dung rừng tự nhiên ở khu vực biên giới Việt Lào và phía thượng nguồn sông Xi (Lào), sông Luồng (Việt Nam) bị tàn phá dữ dội đến mức nào!

Không chỉ ở huyện Quan Sơn mà nhiều bản làng, xã, huyện khác dọc sông Luồng, sông Mã huyện Mường Lát, Quan Sơn; phía hạ nguồn các sông, tại các cửa sông, cửa biển… đều xuất hiện lượng lớn gỗ rừng.

Gỗ tràn lan trên sông.

Những ngày qua, chính quyền, lực lượng chức năng của tỉnh Thanh Hóa cùng nhân dân tập trung khắc phục thiệt hại do mưa lũ; chung tay xoa dịu đau thương, mất mát; tái thiết và ổn định dần cuộc sống cho nhân dân.

Bên cạnh đó, việc sử dụng, dọn dẹp gỗ cũng được chú trọng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cùng các địa phương đã khảo sát, kiểm đếm, có báo cáo và đề xuất, kiến nghị xử lý lượng gỗ, củi ở các khu dân cư, trên hoặc ven các sông, suối…

Một số gia đình dùng những thân, gốc cây lớn để làm quan tài cho người chết và người mất tích do mưa lũ. Người dân vùng lũ tranh thủ vớt củi về sử dụng…

Người dân sử dụng thân gỗ lớn để đẽo quan tài cho người xấu số.

Bên cạnh việc kiểm tra, xác định nguồn gốc, chủ sở hữu gỗ hợp pháp để trả lại cho gia chủ thì với gỗ có nguồn gốc tự nhiên là tài sản nhà nước nên phải thu hồi xác lập quyền sở hữu nhà nước; có chính sách hỗ trợ vật liệu làm nhà đối với các hộ dân bị thiệt hại về người, bị sập, cuốn trôi nhà.

Một số hình ảnh gỗ rừng tự nhiên trôi về tràn ngập ở vùng lũ Thanh Hóa:

Bình luận (0)

Lên đầu trang