TPHCM: Những dòng kênh tiếp tục kêu cứu!

Thứ Sáu, 15/04/2022 10:17

|

(CATP) Những con kênh, rạch phủ kín khắp địa bàn từ lâu đã trở thành nét đặc trưng của TPHCM.

Theo thời gian, những dòng kênh xanh biếc một thời dần bị "bức tử" bởi nước và rác thải, tình trạng san lấp trái phép, nhưng nhờ quyết tâm của chính quyền thành phố (TP), những dòng kênh đen đã và đang được cải tạo không gian, dòng chảy, mang đến bộ mặt mới cho đô thị, kiến tạo môi trường sống xanh, sạch, an toàn hơn cho người dân.

Thế nhưng, những dòng kênh lại tiếp tục đối mặt với vấn nạn muôn thuở : xả thải, từ một bộ phận người dân thiếu ý thức. Do đó, nhiều con kênh dù được cải tạo vẫn tiếp tục ngập trong rác thải, dòng nước đen ngòm, đặc quánh, bốc mùi...

Thiếu ý thức!

Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé là một trong những dòng kênh lớn nhất của TPHCM, trải dài hơn 22km bắt đầu từ sông Sài Gòn đến kênh Lò Gốm, chảy qua các quận 1, 4, 5, 6, 8. Dự án (DA) cải thiện môi trường nước (gồm kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ) bắt đầu triển khai từ năm 2010, dự kiến hoàn thành sau 4 năm thi công. Thế nhưng, đến nay dòng kênh vẫn phải kêu cứu trong tình trạng ô nhiễm.

Anh Huỳnh Văn Khoa (42 tuổi, sinh sống gần khu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé) ngậm ngùi: "Độ ô nhiễm ngày càng tăng do nhiều người tiếp tục xả rác, xả nước thải xuống, nhiều người đi đường còn ném thẳng ly nước vừa uống xong xuống kênh...".

Sáng 12-4, có mặt tại kênh này, chúng tôi suýt ngộp thở bởi thứ mùi hôi nồng nặc giữa trời nắng nóng, nhiều người đi ngang qua đây cũng phải lắc đầu, bịt mũi bước nhanh. Khác với tưởng tượng về cảnh quan khu vực trung tâm TP phải có, hạ tầng ven kênh vẫn còn nham nhở, lá rụng nhiều, đá trải đường bờ kè bị đào bới, lởm chởm, lác đác là những ly nhựa, hộp xốp, túi nylon bị vứt vô tội vạ, khiến chẳng ai mặn mà việc tập thể dục ven kênh.

Theo quan sát của chúng tôi, đủ loại rác thải trôi nổi trên dòng kênh đen, dập dềnh cùng các loại bèo là những hộp xốp to nhỏ, những chiếc túi nylon cùng chai nhựa đủ kiểu... Thi thoảng chúng lại mắc vào những đám lục bình, trôi dần về phía hai bên bờ rồi ùn ứ lại, vô tình tạo điều kiện cho côn trùng, ruồi, tiếp tục "tỏa" mùi nồng nặc.

Với tình trạng ô nhiễm trên, dễ nhận thấy dòng kênh nơi này thường đặc quánh, đục ngầu. Do phải oằn mình mang theo các loại rác thải, dòng chảy vì thế càng nặng nề và thiếu sức sống, ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Người dân khu vực chia sẻ, nước ở đây chỉ có cá lóc, cá trê mới sống nổi, chứ những loại cá khác thì hết cách...

Hai bên bờ kênh Tàu Hủ chứa đầy rác thải

Tiếp đó, chúng tôi đến kênh Tân Hóa - Lò Gốm, chứng kiến cảnh tượng bất ngờ: đối lập với những mảng cây xanh tươi tốt cùng bờ kè được cải tạo chỉn chu là dòng kênh bị nhuộm màu bởi rác và nước thải; nhiều vật thể lạ trôi lềnh bềnh trên mặt nước, cuốn vào lục bình tạo thành từng cụm rác dù tàu thuyền tới lui liên tục để thu gom. Đáng chú ý, mặc cho khẩu hiệu kêu gọi "Vì môi trường, vì văn minh đô thị” hay các biển hiệu cấm xả rác, các bao tải rác vẫn nằm chễm chệ cạnh lan can, bãi cỏ...

Một người dân sinh sống lâu năm tại đây cho biết: "Nhiều người thiếu ý thức cứ vô tư xả rác. Sau này được cải tạo, có người thu gom rác nên dòng kênh đỡ hôi hơn trước nhiều". Anh này còn chia sẻ thêm, sự thiếu ý thức của người dân mới là nguyên nhân chính khiến kênh rạch lâm vào tình trạng ô nhiễm, dù các biện pháp hồi sinh dòng chảy vẫn liên tục được áp dụng. Những bao rác do người buôn bán đi ngang qua vứt bừa bãi, ngổn ngang; hộp xốp, ly nhựa vẫn tiếp tục chuyền từ tay người bán đến người mua rồi xả thẳng xuống dòng kênh mỗi ngày.

Dòng nước đen của kênh Lò Gốm bốc mùi vào những ngày nắng nóng

Tại kênh Tham Lương, chảy qua các quận: quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh, cũng "cùng chung số phận" với những dòng kênh trên. Hạ tầng ven kênh còn sơ sài, cỏ dại mọc um tùm, bao nylon, rác sinh hoạt lấp đầy dòng chảy hai bên bờ kè. Nước kênh đen như dầu hắc, bốc mùi, ảnh hưởng không ít đến đời sống người dân trong khu vực. Hơn 20 năm nay, dòng kênh luôn trong tình trạng ô nhiễm nặng, hoạt động giao thương vì thế cũng đình trệ do kênh chảy chậm, tàu thuyền bị hạn chế lưu thông.

Theo chia sẻ của người dân trong khu vực, ô nhiễm xuất phát từ tốc độ đô thị hoá. Dân số tăng, lượng khu công nghiệp, xưởng sản xuất tăng, dòng kênh biến thành nơi tập kết các loại rác và nước thải. Người dân địa phương rất mong nơi này được cải tạo như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, để có mảng xanh quý giá cho người già, trẻ nhỏ có thể thoải mái thư giãn, hóng mát bên dòng kênh mà không vướng nỗi lo bệnh tật.

Chưa "xanh hóa" nổi những dòng kênh đen

Đặt mục tiêu "xanh hóa" dòng kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (cùng một phần kênh Đôi - kênh Tẻ), UBND TPHCM đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Qua đó, các hoạt động nạo vét bùn đất, xây dựng tuyến cống nhằm thu gom nước thải ở các hộ dân quận 1, quận 5 được thực hiện. Mong muốn giải quyết triệt để vấn đề này, chính quyền TP đã xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, với công suất 141.000m3/ngày (giai đoạn 1).

nhiên, so với lượng nước thải ra môi trường kênh thì khả năng xử lý hiện tại của nhà máy vẫn chưa thể đáp ứng. Đội ngũ vệ sinh môi trường cũng đồng thời trục vớt rác tại các dòng kênh mỗi ngày. Ước tính, lượng rác được vớt tại các kênh Đôi - kênh Tẻ và Tàu Hủ - Bến Nghé khoảng 10 - 40 tấn/ngày, đỉnh điểm có khi lên tới 80 tấn, nhưng vẫn không bằng tốc độ xả thải của một bộ phận cá nhân, tổ chức thiếu ý thức.

Nước kênh Tàu Hủ đen đặc, bốc mùi

Để hạn chế tình trạng người dân vứt rác bừa bãi, các quy định xử phạt hành vi này kết hợp với mức phí thu gom rác bắt buộc và những biện pháp tăng cường nạo vét, vớt rác trên kênh đã được đưa ra. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài các con kênh trên, vẫn còn nhiều kênh rạch khác rác chồng rác, người dân khu vực gọi đó là những "dòng sông chờ chết"!

Vấn đề khó xử lý triệt để, nguyên nhân chính nằm ở ý thức của một số cá nhân, tổ chức chưa hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Chính vì thế, cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và xử phạt mạnh tay các trường hợp vi phạm, gây hại cho môi trường.

Trên thực tế vẫn có những dòng kênh được "xanh hóa" thành công sau nhiều nỗ lực, điển hình là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đây từng là dòng kênh ô nhiễm nặng nhất TP, với những căn nhà ổ chuột lụp xụp, cỏ rác um tùm, nước kênh đặc quánh, bốc mùi.

Thế nhưng, giờ đây dòng kênh đã "thay da đổi thịt", trở lại với vẻ trong xanh ngày trước. Đặt chân đến khu vực này vào sáng 10-4, chúng tôi ghi nhận chất lượng nước kênh đã tăng lên đáng kể, không còn bốc mùi thường xuyên, mỗi ngày đều có tàu thuyền đến vớt rác, lục bình... Hai bên bờ đã rợp bóng cây, nơi đây đã trở thành mảng xanh lý tưởng để người dân đến hít thở bầu không khí trong lành, tập thể dục... Nhờ đó, chất lượng cuộc sống cũng được cải thiện nhiều.

Biến của chung thành "của tôi"

Năm 2020, Báo CATP đã có loạt phóng sự Khi con kênh "kêu cứu"!, điểm mặt các thủ phạm "bức tử" nhiều kênh rạch tại TPHCM, trong đó chúng tôi chỉ ra hoạt động san lấp trái phép một phần của nhánh rạch Kỳ Hà ở cuối đường Nguyễn Khoa Đăng, P.Thạnh Mỹ Lợi, Q2, mặc dù vậy chính quyền khu vực vẫn không có biện pháp xử lý nghiêm.

Con rạch bị "bức tử" thành bãi đỗ xe container

Kết quả, sau khoảng thời gian bị một số đối tượng đổ rác thải xây dựng trái phép, một phần con rạch này giờ đã biến thành... bãi đỗ xe container rộng đến bất ngờ, có thể chứa đến hơn 20 đầu kéo container! Vậy trách nhiệm của địa phương ở đâu khi hoạt động san lấp trái phép diễn ra rầm rộ ngay trước mắt?

Trên địa bàn TP đã tồn tại và sẽ có thêm nhiều kênh rạch "chết ngộp" vì lợi ích cá nhân và sự lơ là trong quản lý của cơ quan chức năng. Thêm nhiều con kênh, rạch bị bức tử càng thêm những hệ lụy đáng sợ mà người dân TP phải gánh chịu, như ngập nước, ùn ứ...

Bình luận (0)

Lên đầu trang