Viết tiếp bài 'Cần giải mã những chiếc bàn tự xoay kỳ bí': Bí ẩn hay khoa học?

Thứ Hai, 15/06/2015 19:05  | Ngọc Hà

|

(CATP) Ngày 12-6-2015, Báo CATP đăng bài “Cần giải mã về những chiếc bàn tự xoay kỳ bí”, nhiều độc giả đã điện thoại, gửi email trao đổi, phản hồi, đa số cho rằng cách giải thích của tiến sĩ (TS) Vũ Thế Khanh, kỹ sư Vật lý Lê Công và ông Nguyễn Thanh Tân - chủ một chiếc bàn xoay - đều khá hợp lý, phần nào giải tỏa những thắc mắc của họ, nhưng thực sự… chưa thỏa đáng.

Sự kỳ diệu của những chiếc bàn tự xoay vẫn còn ẩn chứa điều bí ẩn. Chúng tôi tiếp tục lấy ý kiến của các nhà khoa học, du khách, người dân quan tâm đến hiện tượng này.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chiến - giảng viên Vật lý Trường Đại học Đà Lạt - cho biết, bản thân anh đã trực tiếp thử nghiệm với hai chiếc bàn: một ở đường Khe Sanh và một ở khu du lịch Đồi Mộng Mơ. Anh phần nào nghiêng theo ý kiến của TS Khanh, nghĩa là đồng quan điểm có lực cơ học do con người tác động vào khiến chiếc bàn có thể xoay.

Chiếc bàn tự xoay gồm 3 mảnh gỗ ghép lại - Ảnh: Ngọc Hà

Anh giải thích thêm rằng: “Cá nhân tôi nhìn nhận sự việc dưới góc độ vật lý và sinh học. Khi chúng ta đặt tay lên mặt bàn, bản thân cứ tưởng là ta đang đứng yên nhưng thật ra không phải vậy. Cơ thể chúng ta luôn chuyển động, hoặc sang trái hoặc sang phải, cùng với đó chúng ta điều khiển bằng suy nghĩ, hướng bàn tay sang trái hoặc phải, đó là lúc chúng ta đang tác động lực cơ học vào chiếc bàn khiến nó chuyển động.

Chưa kể do cấu tạo trục của mặt bàn với phần thân có độ trơn, ma sát rất nhỏ (thậm chí bằng 0) đã khiến chiếc bàn xoay theo sự dao động của bàn tay được điều khiển bởi ý nghĩ của chúng ta. Riêng chiếc bàn ở khu du lịch Đồi Mộng Mơ phần trục nối này chắc hơn, có độ ma sát cao hơn nên khó xoay hơn so với chiếc ở đường Khe Sanh. Tôi cho rằng bất kể chiếc bàn làm bằng loại gỗ nào, nếu được thiết kế đúng quy cách của những chiếc bàn kia đều có thể tự xoay. Điều này xảy ra sẽ giải tỏa được những thắc mắc, nghi ngờ lâu nay".

“Nhưng khi tôi chạm tay vào chiếc bàn, thử không tập trung điều khiển, nghĩa là tôi cố cưỡng lại nó, thậm chí nghĩ rằng “đừng quay” thì chiếc bàn vẫn xoay rất nhẹ, được một lúc thì dừng lại, TS nghĩ thế nào về điều này?” - P.V đặt câu hỏi. TS.

Chiến cho biết: “Khi bạn đặt tay lên mặt bàn, dù bạn cố điều khiển bàn không xoay thì thật ra tay bạn vẫn đang có sự dao động, đó gọi là dao động ngẫu nhiên. Trong một hoặc vài giây bạn lơ là, không dùng ý nghĩ điều khiển nữa, bàn sẽ tự xoay ngẫu nhiên theo hướng mà tay bạn đang dao động”.

Còn ông Ngô Văn Hải (59 tuổi, trú TP.Đà Lạt, cử nhân kinh tế, cán bộ hưu trí) lý giải, khi chúng ta không đặt tay lên mặt bàn, đứng từ xa điều khiển (bằng suy nghĩ hoặc lời nói) mà nó “nghe theo” thì mới nói đến yếu tố tâm linh, chứ đặt tay vào bàn thì rõ ràng có sự tác động của con người, là hiện tượng khoa học.

Bàn sẽ xoay theo quy ước của người chơi - Ảnh: Ngọc Hà

Chủ nhân bốn chiếc bàn tự xoay đang hiện hữu tại Đà Lạt đều kể rằng họ mua lại hoặc nghe kể những chiếc bàn này có nguồn gốc từ làng An Thái, xã Nhơn Phúc hoặc làng An Hòa, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định từ hàng trăm năm trước.

Chiều 12-6-2015, chúng tôi đã liên lạc và được cán bộ Sở Văn hóa - Thể dục Thể thao tỉnh Bình Định trả lời mấy năm gần đây họ cũng nghe dư luận, báo chí xôn xao về những chiếc bàn tự xoay này chứ chưa thấy chúng bao giờ. Họ tìm về hai xã Nhơn Phúc, Nhơn Hòa nhưng đều không xác định được nguồn gốc, không trực tiếp mục sở thị những chiếc bàn này nên không thể quản lý.

Ông Lâm Xuân Vũ, Chủ tịch xã Nhơn Hòa, cho biết: “Tôi có nghe kể về những chiếc bàn tự xoay này, nhưng chưa từng trông thấy chúng cũng như không có thông tin người dân xã Nhơn Hòa đã làm ra nó”. Anh Phạm Xuân Lưu (SN 1962), nguyên cán bộ thống kê xã Nhơn Phúc, cho biết, bản thân anh cùng một số người sinh ra và lớn lên tại làng An Thái, xã Nhơn Phúc có nghe kể về những chiếc bàn này, do người dân làng anh sở hữu từ thời Pháp, giờ tìm cả xã không còn cái nào.

Vậy là những ý kiến cho rằng nguồn gốc những chiếc bàn này xuất xứ từ tỉnh Bình Định đều được loại trừ. Khi chúng tôi viết những dòng này thì nhận được thông tin tại làng mộc Văn Hà, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam mới đây một nhóm thợ trẻ nhờ được các lão nghệ nhân truyền bí quyết, thêm vào đó do họ tự mày mò nghiên cứu đã có thể sản xuất ra hàng loạt chiếc bàn tự xoay. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang