Có một ngoại ô buồn ngủ

Thứ Hai, 15/06/2015 05:55  | Nguyễn Chí Linh

|

(CAO) Đó là cảm giác của tôi khi lần đầu đến với Hội An (Quảng Nam). Nó không mang nét “trầm tư đến sâu lắng lạ” của thành phố Huế nằm thơ mộng bên bờ sông Hương êm đềm, nó cũng chẳng mang một nét sôi động đến náo nhiệt như những thành phố khác thường thấy mặc dù du khách kéo đến đây khá đông. Tôi chỉ cảm nhận rằng có một phong cách rất riêng qua từng con ngõ, mái nhà và nụ cười hiền lành của người dân phố Hội.

Chùa Cầu, dấu ấn người Nhật, biểu tượng của xứ Hội - Ảnh: Nguyễn Chí Linh

Có lẽ một thị xã “Nhớ - Hoài” nằm hiền hòa bên hải cảng “Đợi – Đại” cũng đã nói lên tất cả những gì thuộc về rất riêng của phố cổ Hội An. Nếu dòng sông Thu Bồn lặng lẽ không chịu đổi dòng thì chắc hẳn đã không có một phố Hội như hiện nay. Đang chảy xuôi ra cửa Đợi, dòng sông bổng quay ngược đầu lại để tạo thành một nhánh sông nhỏ mà những cư dân ngàn đời sinh sống tại đây đã đặt cho nó một cái tên là “Hoài – Nhớ” như muốn nhắn nhủ rằng “nhớ thương và đợi chờ” giữa cửa Đợi và sông Hoài.

Kiến trúc thụt ra, thụt vào đầy dụng ý

Sự bình yên đến lạ kỳ của người dân phố Hội được thể hiện rõ nhất là kiến trúc của những dãy phố cổ chạy san sát vào nhau nối liền các phố lại với nhau, tất cả các mặt phố đều hướng về dòng sông Hoài. Hầu hết các khu phố cổ Hội An đều mang kiến trúc nhất định nào đó, thể hiện cho một nền văn hóa nào đó qua bàn tay của con người khi đến thương cảng Hội An để giao thương.

Kia là những khu phố người Hoa, nọ là những khu phố người Nhật, này là dấu ấn của người Ấn Độ, đó là những ngôi nhà của người Hà Lan… Tất cả dường như hòa quyện vào trong lòng phố Hội để tạo nên một thế giới trầm mặc, ưu tư của những nếp tầng văn hóa chồng chéo ẩn trong lòng các khu phố.

Chùa Cầu, dấu ấn người Nhật, biểu tượng của xứ Hội - Ảnh: Nguyễn Chí Linh

Trong những con ngõ hẹp, thoạt đầu trông thấy có thể nghĩ rằng người phố Hội rất cẩu thả trong việc xây dựng những căn nhà cho mình bởi vì nó không theo một trật tự nào hết. Tất cả các kiến trúc thụt ra, thụt vào và nhấp nhô nhưng đều có dụng ý: các làn gió mát từ sông Hoài sẽ len lõi qua các hang cùng ngõ hẹp kết hợp với hơi nước từ các giếng nước trong nhà đem đến sự mát lịm một cách tự nhiên.

Mặc dù cơn bão du lịch đã làm ít nhiều người dân nơi đây ra đi, nhưng đằng sau những mái nhà rêu phong hiếm hoi còn sót lại vẫn có những cuộc sống bình yên ngưng đọng trong những ngõ hẹp hun hút về dưới phía sông Hoài.

Các loại giếng cổ được tìm rất nhiều trong nhà ở các ngõ hẹp đó.Giếng hình tròn có, hình vuông có, đôi khi xen lẫn giữa vuông và tròn.Giếng vuông là của người Chăm, trong khi giếng tròn lại mang dấu ấn của người Hoa và Việt. Kiến trúc của những giếng nước được xây dựng bằng gạch hay đá chất chồng lên nhau mà không dùng hồ vữa, đáy giếng sẽ sử dụng các thanh gỗ lim để cố định. Như thế các dòng nước sẽ len lõi theo các khe chảy vào lòng giếng khiến nước luôn trong và mát.

Cuộc sống bình yên trong cơn bão du lịch

Sự bình yên của phố Hội còn thể hiện qua chính những con người nơi đây.Mặc dù cơn bão du lịch đã làm ít nhiều người dân nơi đây ra đi, nhưng đằng sau những mái nhà rêu phong hiếm hoi còn sót lại vẫn có những cuộc sống bình yên ngưng đọng trong những ngõ hẹp hun hút về dưới phía sông Hoài. Những nụ cười đôn hậu với ánh mắt chứa chan, thiết tha sự hoài niệm cùng với một giọng nói đặc trưng của xứ Quảng hơi khó nghe một chút nhưng trầm ấm là những điều không thể quên.

Rêu phong phố cổ - Ảnh: Nguyễn Chí Linh

Bất chợt đâu đó tôi lại bắt gặp những âm thanh ồn ào nhưng trầm ấm bởi những đoàn tàu đánh cá vừa cặp bến sáng nay, những đôi gánh hàng rong của các chị nép sát vào các mép tường rêu trong các ngõ hẹp để tránh đường đi lại. Lao xao những tiếng nói cười của các chị em bước vội qua cầu Chùa - được coi như là biểu tượng của phố Hội vào lúc hoàng hôn rơi, hay những chiếc xe đạp được đặt một cách hớ hênh bên những mép tường nhà đầy rêu phong cùng năm tháng…

Đêm của Hội An là đêm của ánh sáng dịu dàng phát ra từ những chiếc đèn lồng treo trước hiên nhà dưới những hình dáng khác nhau, màu sắc khác nhau. Đối với người dân phố Hội, mỗi một kiểu dáng lồng đèn đều có những ý nghĩa riêng biệt với những nền văn hóa khác nhau đan xen ở mảnh đất giao thương đó.

Món cao lầu xứ Hội có vị rất riêng - Ảnh: Nguyễn Chí Linh

Thoảng trong làn gió mát rượi từ phía sông Hoài thổi lên và trong cái ánh sáng dìu dịu đó, những câu hát từ bài dân ca xứ Quảng “nỗi lòng” đến từ các ngõ hẹp, hay những tiếng đàn bầu réo rắt một giai điệu hòa tấu đến não lòng người từ các quán ăn… tất cả dường như trò chuyện với bóng đêm làm cho phố Hội càng thêm trầm mặc, ưu tư lúc về đêm.

Phố Hội còn gợi một chút gì đó để nhớ ở trong tôi bởi những hương vị thức ăn mà tôi không thể nào quên được: những tô cao lầu, mì Quảng thơm nồng trong các quán ăn nổi tiếng, cho đến bánh bao, bánh bèo, bánh vạc núng nính thơm ngát mùi hành phi trên những đôi quang gánh kĩu kịt của các chị hàng rong. Cũng nhớ lắm những chén chè đậu ở những góc đường ngọt lịm trên đôi môi, hay những trái cây chua, ngọt và đậm đà như những đức tính vốn có của người phố Hội qua những mùa mưa lũ.

Tác giả Nguyễn Chí Linh

Món cao lầu ở phố Hội rất đặc biệt, bởi vì sợi bún được sơ chế từ nước ngâm tro tàu nên rất dai và giòn khi so sánh với sợi bún của mì Quảng. Một miếng xá xíu vừa đủ đậm đà, một miếng bánh tráng vừa đủ giòn tan, một vài cọng bún vừa đủ độ dai, một miếng ớt vừa đủ cay xé lưỡi, một chút các loại gia vị khác vừa đủ độ bùi, độ mát đã làm nên một hương vị rất riêng trong tô cao lầu. Cái vị đó làm cho tôi có một cảm giác khó quên dù đã xa phố Hội.

Bôn ba trên những khúc co kinh tế của cuộc đời, tôi đến với phố Hội và ra đi cũng vội vã như tính chất công việc của tôi. Dù cũng dăm ba lần đến, nhưng tôi cũng chưa bao giờ được cảm nhận nét đẹp huyền bí về tâm linh của người phương Đông, vừa lung linh huyền ảo bởi những ánh sáng hoa đăng được thả trên dòng sông “Nhớ” vào những đêm trăng tròn. Phố Hội ơi, tôi đã khắc tên em lên trên trái tim của tôi, nhưng hãy cho tôi gửi một lời tạ lỗi đến cùng em…

Cơ lũ hàng niên biến Hội An thành Venice

Hàng năm, cơn lũ “hai mươi ba tháng mười” len lõi vào lòng ngõ và đi sâu tận vào trong những ngôi nhà cổ rêu phong. Dường như người dân phố Hội đã quá quen những cơn lũ hàng niên và vẫn sững sờ trước mực nước dâng lên như thác lũ cao quá đỉnh đầu. Kinh nghiệm dân gian 40 năm lũ sẽ về một lần không còn hiệu nghiệm khi năm 2007, lũ lại về vượt mốc kỷ lục nhấn chìm cả Hội An vào trong biển lũ.

Cuộc sống vẫn tiếp diễn ngay cả trong hoàn cảnh đau thương và rồi phố cổ lại trở về với những gì vốn có và thuộc về nó. Không biết lời đồn đại về lũ như thế nào, nhưng cứ đến mùa lũ, mọi người nô nức rủ nhau đến phố Hội để ngắm lụt. Ngồi trên những chiếc ghe để len lỏi giữa những ngôi nhà cổ, người ngắm lụt sẽ cảm nhận ra rằng dường như phố Hội quá đẹp khi mùa lũ đến bởi vì du khách đang ngắm nhìn một thành phố Venice tại Việt Nam.

Bình luận (1)

Trên một số tài liệu bằng tiếng Nhật viết về Hội An, tôi đọc và rất thích. Đô thị nhỏ này được thiết kế theo một mô típ phong thủy rất đặc trưng, nó cũng hao hao giống với những đô thị cổ ở Trường Sa (Hồ Nam, Trung Quốc). Người Trung Quốc đô hộ Việt Nam suốt hàng ngàn năm, nên vì sao chúng ta thấy văn hóa Việt Nam giống người Trung Quốc nhiều quá, từ mô hình nhà từ đường tổ tiên, cho tới việc cầm đũa ăn cơm, lì xì ngày tết, và gần đây là trào lưu xây nhà hợp phong thủy, điền trạch. Cách đây 20 năm, Hội An rất đẹp, con người hiền hòa, lễ phép. Từ ngày có du lịch thì những sắc thái đó đã phôi pha ít nhiều. Nhưng vùng ven ngoại ô Hội An là một thế giới sinh hoạt văn hóa rất nên thơ mà du khách đến Hội An nên khám phá để cảm nhận.

Thanh Hải - Thứ Ba, 16/06/2015, 18:03 Trả lời | Thích
Lên đầu trang