(CAO) Chúng tôi về vùng khô hạn Đồng Dày – Tham Dú của tỉnh Ninh Thuận - nơi khô hạn nhất cả nước trong 10 năm qua. Người dân bỏ làng đi nơi khác mưu sinh, còn hoa màu chết khô, gia súc kiệt quệ vì nắng nóng, thiếu nước.
Khô khốc dưới chân hồ thủy lợi
Vùng chảo lửa Đồng Dày – Tham Dú thuộc xã Phước Trung (Bác Ái, Ninh Thuận) với hơn 200ha đất sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, không còn cây hoa màu, cây lúa nào sống nổi. Hơn năm năm trở về trước, đa số cư dân canh tác quanh những nơi có suối, ao vũng có nước cho sản xuất, chăn nuôi. Sau có hồ Phước Nhơn với dung tích 800 ngàn m3 cung cấp thêm nước tưới cho diện tích đất canh tác vùng hạ lưu nhưng hiện tất cả đều khô cạn nước.
Bà Tà In Thị Bí có đồng lúa 4 sào gần chân hồ Phước Nhơn nhưng đồng lúa đã chết trơ gốc từ nhiều tháng qua
Gia đình bà Tà In Thị Bí có 6 người sinh sống dưới gần chân hồ Phước Nhơn, cùng canh tác 1,5 ha bắp, 4 sào lúa đã hơn 20 năm qua. Ngồi trên ruộng lúa đã chết trơ gốc, bà Bí cho biết, khoảng tháng 3-2015, khu vực này có một trận mưa nên nhà bà vay tiền mua giống bắp, lúa trồng nhưng sau đó trời không mưa tiếp, bà phải bơm nước từ ao, kênh dẫn nước được vài ba tháng thì cạn nước khiến cây trồng chết sạch. “Đến nay đã hơn một năm khô hạn, cả nhà thất nghiệp, nợ tiền giống người ta đến đòi mà nhà không có tiền trả nợ”, bà Bí buồn bã. Cũng theo bà Bí, ba người con của bà phải đi lên phố làm thêm vì nắng hạn nên không thể canh tác được gì.
Xuôi về gần làng, gia đình bà Chamaléa Thị Phít tùm tụm trước sân nhìn ra đám bắp chết khô. Bà Phít cho hay hơn năm trước dù mưa ít, năng suất bắp giảm hơn phân nửa nhưng cũng có cái bỏ bụng. Giờ không biết làm gì ngoài hằng ngày cả nhà tỏa đi lượm phân bò bán một bao được 20 ngàn đồng sinh sống.
Cừu suy kiệt vì thiếu nước
Sáng 10-6, hàng chục người dân đứng dưới lùm cây chờ xe bồn đưa nước về thôn. Nhà không ai trông con nhỏ nên nhiều phụ nữ đã cột con sau lưng bằng vải theo truyền thống của người Raglai, mang can nhựa đến bể nước công cộng chờ lấy nước. Bà Chamaléa Hân (ngụ thôn Tham Dú) cho biết nếu không canh chờ lấy nước thì lấy đâu nước để uống, nấu ăn trong ngày nên người dân cứ sáng là không dám bỏ đi đâu, dù là đi rẫy, để chờ lấy nước cho bằng được.
Đàn cừu của ông Chamaléa Phê đang gặm từng cây cỏ chết khô trên cánh đồng Phước Trung, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận
Toàn tỉnh hiện có 5.497 hộ với 23.130 khẩu thiếu nước sinh hoạt, được cung cấp nước hàng ngày. Từ đầu năm đến nay có tỉnh phân bổ gạo cứu đói cho dân làm ba đợt, theo đó đợt 1 532 tấn phân cho 8.209 hộ/34.867 khẩu, đợt 2 300 tấn phân cho 4.392 hộ/20.000 khẩu và đợt 3 2.000 tấn phân cho 19.990 hộ/89.403 khẩu.
Trong nhóm người chen nhau lấy nước, bà Tà In Thị Di hứng được bốn thùng về sử dụng. Chuẩn bị cho bữa cơm trưa cho cả nhà năm người, bà Di đong từng ca nước đổ vào thau rửa rau, rửa rau xong bà không đổ đi mà để dành rửa chén. Bà Di cho biết với bốn thùng nước này, nếu năm người cùng ở nhà trong một ngày thì không đủ. Nước này chỉ dùng uống, nấu ăn, còn tắm giặt thì lấy nước ở ao do xã mới đào dưới lòng suối.
Nhiều người dân cho biết mỗi ngày có bốn chuyến xe chở 5 m3/chuyến về năm bể nước công cộng cung cấp cho người dân của hai thôn Đồng Dày và Tham Dú dùng chung nên không đủ nước. Mới đây, xã tăng thêm một chuyến 5m3 nữa mà cũng chưa đủ dùng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm hỏi người dân đang lấy nước tại hồ nước ở thôn Đồng Dày (Phước Trung, Bác Ái, Ninh Thuận) vào sáng 13-4-2015
Theo ghi nhận của chúng tôi, cứ sáng sớm mỗi ngày, trên các ngả đường mòn lên hồ Phước Trung đều có các đàn cừu của các trang trại chăn nuôi, thất thểu về lòng hồ tìm thức ăn cùng nguồn nước uống còn sót lại. Dưới cái nắng hừng hực như lửa đốt, ông Chamaléa Phê (ngụ thôn Đồng Dày) trùm mũ nỉ phủ kín đầu, lầm lũi bước nhẹ như đàn cừu mà ông đang chăn dắt. Chỉ vào một cái ao duy nhất giữa cánh đồng không một cây cỏ nào sống nổi, ông Phê than thở: “Trước đây đàn cừu nhờ nước uống ao này, giờ cạn đã từ lâu, cừu không còn nước uống. Do thiếu nước và nắng nóng nên nhiều chú cừu con bị suy kiệt”.
Ngày 9-6, UBND tỉnh Ninh Thuận đã quyết định công bố thiên tai hạn hán xảy ra tại tỉnh Ninh Thuận trong sáu tháng qua. Báo cáo mới nhất của UBND tỉnh này cho biết đến nay, 20 hồ chứa nước trong tỉnh chỉ còn 14,77 triệu m3/192,21 triệu m3, đạt 7,6% tổng dung tích hồ chứa. Do khô hạn kéo dài từ năm 2014 gây thiệt hại 500 ha diện tích cây trồng, 1.578 ha cây trồng giảm năng suất, 10.299 ha phải dừng sản xuất do thiếu nước và có hơn 1.300 con gia súc bị chết do nắng nóng, thiếu đồng cỏ.