(CAO) Đối với người đàn ông Mạ thời xưa khi đi săn bắt hay đi rẫy thường mang theo vũ khi thô sơ như dao, rựa, xà gạc, tên ná… bên mình. Nó là công cụ lao động và là vật trang sức gắn bó suốt cả đời từ lễ đặt tên, lễ trưởng thành, cho đến khi về với thế giới bên kia.
Xà gạc
Đàn ông Mạ khi đi săn bắt hay đi rẫy đều mang theo xà gạc trên vai. Đó là một loại dao có lưỡi rộng khoảng 4cm, dài 25cm được gắn trên một gốc cây le, một loại cây họ tre. Mũi dao có hai kiểu nhọn và bằng.
Già làng Duôm Dai K’ Bát( Lâm Hà, Lâm Đồng) người sở hữu kho “ báu vật” như vũ khí cổ sơ, cồng chiêng, chóe cổ…. rất hiếm người còn lưu giữ.
Để tạo lực, người ta làm cho phần cán lưỡi xà gạc nhỏ dần, cuối lưỡi có một lỗ nhỏ để khi tra vào cán, sẽ dùng chốt đồng hay chốt sắt tra vào, giữ cho lưỡi dao không tuột ra.
Xà gạc không chỉ là vũ khí giúp trai làng chống thú dữ, đánh trả kẻ thù mà còn là công cụ hữu dụng nhất của đồng bào, đặc biệt là việc canh tác nương rẫy.
Người ta dùng xà gạc để hạ cây, phát quang, làm chòi rẫy, vót gậy chọc lỗ tra hạt. Rất nhiều đồ dùng sinh hoạt, công cụ sản xuất như các loại gùi, nơm cá, nong nia, sàng sảy gạo, đó bắt cá... cũng đều nhờ chiếc xà gạc để chẻ, chuốt tre nứa, lồ ô, song mây đan thành.
Khi lên rừng săn bắt, chiếc xà gạc không những là vũ khí mà còn được dùng như một đơn vị đo lường, bởi trong rừng sâu để biết đoạn đường đi của mình xa hay gần, họ thường tính theo số lần chuyển xà gạc từ vai này sang vai kia (những khi mỏi vai) và mỗi lần chuyển xà gạc như vậy được tính là một “cây xà gạc”, tương đương thời gian khoảng 2 đến 3 tiếng đồng hồ.
Dao
Một vũ khi không kém phần quan trọng đối với đàn ông Mạ là dao. Khi đến tuổi trưởng thành, đi đâu thì trong người cũng thường có một con dao nhỏ mà người Mạ gọi là Pêh chut. Dụng cụ này được nhét sẵn vào lưng khố phía dưới ngay phía trước rốn… Nó được làm cán bằng tre, gỗ hoặc sừng trâu. Con dao nhỏ có vỏ bằng gỗ bên ngoài quấn bằng dây mây.
Cung nỏ
Đặc biệt đối với con trai Mạ từ 10 đến 15 tuổi đã được cha dạy cách sử dụng cung nỏ người Mạ gọi là Sor na để tập bắn chim, thú...
Già làng Duôm Dai K’ Bát( Lâm Hà, Lâm Đồng) cho biết: “Người mạ chúng tôi quen với việc săn bắt thú rừng, từ nhỏ tôi được cha truyền dạy cách dương ná, bắn tên và sửa chữa chúng”.
Tùy theo độ tuổi mà người đàn ông Mạ sử dụng loại cung nỏ khác nhau, cung nhỏ (soh na tét) dùng cho những ai mới tập bắn, Soh na tờng (cung lớn) dùng cho người đã trưởng thành.
Họ sử dụng 3 loại tên khác nhau để săn bắn: tên thường dùng để bắn chim, tên có lưỡi dùng để bắn thú, loại tên có tẩm thuốc lại độc dùng để bắn thú dữ như cọp, gấu, voi, tê giác.
Loại tên có tẩm thuốc, khi bắn trúng một con thú nào thì dù nó có khỏe đến mấy cũng phải chết ngay tại chỗ.
Thú rừng bắn bằng tên thuốc, ăn thịt không bị độc, chỉ cần cắt bỏ miếng thịt quanh mũi tên là xong.
Khi đi rừng, người Mạ mang ống tên đeo bên nách trái, có người mang tên bằng chiếc gùi nhỏ gọi là, ống đựng tên gọi là Ding kon na.
Lao
Lao cũng là loại vũ khí phổ biến, sử dụng nhanh nhất, gặp thú dữ người ta dùng lao phóng trước sau đó mới sử dụng đến khí giới khác.
Gặp thú rừng dữ người ta dùng chiếc lao để chống đỡ, hay dùng lao để đâm cá, đâm thú rừng như: mang, heo... núp trong bụi rậm.
Trước đây, nhiều trai làng Mạ đã trở thành dũng sĩ trong các cuộc kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp nhờ thứ vũ khí truyền thống lợi hại, những mũi tên tẩm thuốc độc, những vũ khí cổ sơ như lao, xà gạc, chông, bẫy,… của người Mạ đã góp phần tiêu hao sinh lực địch.
Ngày nay rất hiếm để bắt gặp hình ảnh của một người Mạ bên chiếc xà gạc trên vai, tên ná, lao, dao… Trong gia đình con cháu người Mạ ít ai còn lưu giữ những công cụ lao động, thứ vũ khi cổ sơ truyền thống lợi hại. Bản chất nó đang chảy máu theo thời gian.