Sau khi quan sát, phát hiện “sự lạ” trên, chúng tôi vòng quanh nhiều tuyến đường ở nhiều quận như Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn… thì quả thật “moi” không có số 13 nào kể từ tuyến đường lớn, đường cũ từ trước đến nay cho đến đường mới ở khu dân cư vừa mới đặt tên đường hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Tính, nhà số 15 đường Lê Lợi, quận Hải Châu (nếu xếp theo thứ tự thì đây là nhà mang số 13) cho biết, bà quê Nghệ An vào Đà Nẵng công tác, nguyên là cán bộ Khu Đường bộ 5 được phân đất tại đây. Bà về ở từ những năm 1980, trước đây mang số cũ, cách đây khoảng 10 năm thì phường lập danh sách và quận cấp giấy chứng nhận số nhà thì thấy thấy nhà bên cạnh số 11, còn số nhà bà Tính là số 15.
Nhà bà Tính đường Lê Lợi, nếu đúng theo thứ tự là số 13 nhưng hiện mang số nhà 15 đường Lê Lợi
“Hỏi ra thì mới biết ở đây họ không cấp số 13. Tôi cũng không quan niệm về số má nhưng thú thực thì nhà mang số 15 thì vẫn thích hơn số 13”, bà Tính tâm sự.
Còn ông Nguyễn Văn T., số nhà 15 đường Đỗ….. (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) nói: “Đúng ra số nhà tôi là 13 nhưng khi phường lập danh sách và có giấy chứng nhận cấp số nhà 15. Người ở đây họ quan niệm số 13 là số “kị” nên tôi cũng không thích lấy số 13, trừ khi bắt buộc lấy”.
Ông Mai Phước Thành, Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Đông (quận Hải Châu) cho biết, từ những năm 1993 ông là cán bộ địa chính của phường Thạch Thang (TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, bắt đầu tách thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương năm 1997). Từ năm 1995, TP. Đà Nẵng bắt đầu thực hiện cấp biển số nhà, người dân không chịu lấy biển số 13 vì họ cho rằng quan niệm cấm kị số đó nên kiến nghị lên thành phố không lấy số 13. Từ đó, về sau này, dường như trở thành tiền lệ nên khi phường lập danh sách thì không dùng số 13 nữa.
Tại các tuyến đường khu dân cư mới cũng không có số nhà 13 (trên ảnh là đường Đỗ Xuân Hợp, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà)
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Quảng, Phó trưởng phòng Quản lý nhà, sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho rằng, việc cấp số nhà hiện nay ở Đà Nẵng thực hiện theo quy định của Bộ Xây dựng và Quyết định 84/2006/QĐ-UBND ngày 27-9-2006 của UBND TP. Đà Nẵng về Ban hành quy chế đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, tại Điều 4 của quy chế trên thì “Đánh số nhà mặt đường và nhà trong kiệt, trong hẻm được sử dụng dãy số tự nhiên (1, 2, 3…n) với số từ nhỏ đến lớn theo quy định. Nhà bên trái thì lấy số lẻ (1, 3, 5, 7… n), nhà bên phải thì lấy số chẵn…”.
Theo ông Quảng, cũng từ năm 2006, việc cấp biển số nhà được thành phố giao cho quận, huyện thực hiện. Sở Xây dựng chỉ quản lý về mặt nhà nước.
“Theo quan niệm trong người dân, nhiều người không thích số 13 nên người dân đề nghị được lấy số khác, từ đó khi phường lập danh sách thường bỏ qua số 13. Qua khảo sát thì người dân rất đồng tình về việc này”, ông Quảng nhìn nhận.
Ông Quảng nói rằng việc cấp biển số nhà là do quận, huyện thực hiện nên sát sao với thực tế hơn và cũng thừa nhận chưa thấy đường nào có số 13.
Khi chúng tôi đặt vấn đề, liệu làm như thế thì có sai quy định của nhà nước không, ông Quảng cho rằng: “Không phù hợp quy định nhưng thực tế phù hợp với tâm lý và có sự đồng thuận của người dân”.
Theo ông Nguyễn Thiếu Dũng, một nhà nghiên cứu về văn hóa phương Đông (trú tại TP. Đà Nẵng), sở dĩ con số 13 người dân “kị” đó là theo quan niệm của phương Tây: “thứ 6 ngày 13, ngày Chúa bị đóng đinh”. Dần về sau này người dân mình bị ảnh hưởng, giống như ngày lễ Giáng sinh người dân cũng đi chơi, tặng quà cho nhau… Còn với văn hóa phương Đông thì số 13 là một con số bình thường.
“Không có số mặc định cho ai đó. Cái đó thuộc về tâm lí chứ không ảnh hưởng gì. Hiện nay, cầu thủ họ cũng mang số áo 13 mà vẫn đá tốt, nổi tiếng đó thôi”, ông Dũng nhìn nhận.