'Ô nhiễm trắng' bao phủ thành phố:

Kỳ 4: Hạ bệ túi ni lông: Giải pháp trợ giá, bớt tiền lời!

Chủ Nhật, 07/06/2015 07:40  | Ngô Đồng

|

(CAO) Nhìn chung, đa phần người tiêu dùng hiện nay cũng đã ít nhiều biết được tác hại của túi ni lông đối với sức khỏe và môi trường. Tuy nhiên để từ bỏ thói quen này thì không phải chuyện dễ.

Ghi nhận thực tế của chúng tôi tại các khu vực bán lẻ, chợ, siêu thị  cho thấy, rất ít người dân sử dụng những loại túi thân thiện với môi trường hoặc túi sử dụng nhiều lần khi đi mua hàng. Phần lớn trong số họ đều lựa chọn giải pháp mua hàng và được chủ cửa hàng gói hàng trong các túi ni lông.

Bỏ thói quen không dễ

Chị Bảo Hà (P. Đa Kao, Q.1, TP.HCM) thừa nhận: “Thời bây giờ hiện đại rồi, đâu ai gói đồ bằng lá sen, lá chuối như hồi xưa. Mà muốn mua lá sen, lá chuối cũng không phải dễ và không rẻ tiền. Đựng bằng bọc ni lông là tiện lợi, hiệu quả nhất, dù biết có nhiều tác hại”.

Nhằm hạn chế tác hại của việc sử dụng túi ni  lông đối với môi trường, các siêu thị lớn trên địa bàn TP.HCM đều đã sử dụng túi tự hủy sinh học thay cho túi ni lông thông thường khó phân hủy... Tuy nhiên, giá thành của loại túi tự hủy này thường đắt hơn loại thông thường.

Túi thân thiện vì môi trường bày bán trong siêu thịchưa được người tiêu dùng quan tâm

Một nhân viên siêu thị Big C cho biết: “Siêu thị luôn khuyến khích khách hàng dùng túi thân thiện môi trường. Tuy nhiên, các loại túi này khách hàng đều phải mua để đựng đồ thay vì được phát miễn phí như túi ni lông nên lượng tiêu thụ khá thấp. Bên cạnh đó, người tiêu dùng đã có thói quen không mang túi khi đi siêu thị, đi chợ mua sắm nên túi này sau khi mua về không được tái sử dụng, rất lãng phí”.

Bà Phan Hồng Cẩm (40 tuổi, Bình Thạnh) thừa nhận: “Tôi đã mua 4 chiếc túi thân thiện của siêu thị, nhưng không lần nào đi siêu thị mà tôi nhớ để mang theo”.

Không được miễn phí, lại không tiện lợi nên túi ni lông thân thiện với môi trường chưa được nhiều người lựa chọn. Hiện cả nước có khoảng 17 đơn vị sản xuất túi thân thiện môi trường, riêng TP.HCM có 11 đơn vị. Thế nhưng các đơn vị này đang phải khó khăn trong cuộc cạnh tranh không cân sức với túi ni lông thông thường, vẫn đang loay hay tìm chỗ đứng trên thị trường.

Theo thống kê của Quỹ Tái chế - Sở Tài nguyên môi trường TP.HCM, mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ 9 triệu túi nilon (50-70 tấn), tăng gần gấp đôi với những năm 2010. Mỗi ngày đi chợ, mỗi người thường dùng tới 4-6 túi nilon loại thường; trong khi đó, chưa tới 2% người đi chợ sử dụng túi thân thiện môi trường.

Quên đánh thuế túi ni lông?

Theo khảo sát của chúng tôi, mức giá hiện tại trên thị trường,  túi ni-lông rẻ hơn túi lát hoặc túi giấy rất nhiều.  Túi ni lông giá 25.000 - 40.000 đồng/kg; nhưng túi lát mỗi cái đã 1.500-10.000 đồng, túi thân thiện với môi trường mà các siêu thị bán để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng cũng 5.000 - 10.000/cái.

Túi thân thiện với môi trường được siêu thị Big C trưng ngay tại các quầy tính tiền để khuyến khích người dân sử dụng

Theo Luật Thuế bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ  1-1- 2012), mỗi kg túi ni lông khó phân hủy sẽ chịu 40.000 đồng tiền thuế. Ví dụ, loại túi có giá 30.000 đồng/kg, nếu tính cả tiền thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng thì giá túi ni lông sẽ phải trên 70.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sản xuất loại hàng này không đóng thuế bảo vệ môi trường. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan thuế làm chưa nghiêm chuyện thu thuế bảo vệ môi trường. Do đó, chi phí giá thành túi ni lông bán ra thị trường khá thấp, dẫn đến việc các tiểu thương, người dân không mặn mà với việc sử dụng túi thân thiện với môi trường theo vận động của nhà nước trong thời gian qua.

Trong khi đó, ở các nước phát triển như Sigapore, Hồng Kong, Nhật Bản… người dân vẫn thường sử dụng túi giấy để đựng thức ăn, bởi tại các nước này, người dân sẽ phải bỏ ra một số tiền rất lớn mới mua được một chiếc túi ni lông vì chúng rất đắt. 

Giải pháp… bớt tiền lời!

Hiện tại các siêu thị lớn như Co.op mart, Big C, Metro,… đang có nhiều khẩu hiệu để đưa thông tin về sự ích lợi và khuyến cáo người tiêu dùng hạn chế dùng túi ni lông nhằm bảo vệ môi trường.

Các sinh viên tình nguyện cũng đang tiến hành nhiều chiến dịch nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, thu gom túi ni lông, sử dụng giỏ xách thân thiện với môi trường. Chiến dịch “Nói không với túi ni lông” được nhiều người dân hưởng ứng.

Tuy nhiên, các hoạt động này mới dừng lại ở việc “thí điểm”, hết mỗi đợt phát động, người tiêu dùng lại quay về với túi ni lông thông thường. Do vậy, chỉ riêng nỗ lực của các tổ chức, cơ quan chức năng sẽ không đủ sức mạnh để giảm thiểu mức tiêu thụ túi ni lông. Cần thiết phải có sự chung tay hành động của cả cộng đồng đối với việc giảm sử dụng túi ni lông.

Người tiêu dùng đã có thói quen không mang túi khi đi siêu thị, đi chợ. Ảnh: NĐ

"Nếu như mỗi người bán tình nguyện bớt chút tiền lời, thay vì dùng túi ni lông thì nên thay bằng các sản phẩm thân thiện khác thì theo thời gian người tiêu dùng sẽ dần thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông", chị Trần Thị Nghiệp, tiểu thương ở chợ Bà Chiểu chia sẻ.

PGS TS Nguyễn Danh Sơn (Viện Phát triển bền vững khu vực Bắc Bộ) từng đưa ra giải pháp để khuyến khích người dân sử dụng túi thân thiện môi trường. Theo  PGS TS Nguyễn Danh Sơn, cần tăng cường cung cấp cho thị trường loại túi ni lông thân thiện môi trường, hạn chế sản xuất và cung ứng loại túi ni lông khó phân hủy. Đồng thời có chính sách ưu đãi, trợ giá để khuyến khích người dân sử dụng túi thân thiện môi trường. TS Sơn cho rằng nhiều nước trên thế giới cũng đang trợ giá cho các bao bì thân thiện môi trường (một số siêu thị ở Thái Lan áp dụng giảm 15 -30% cho những khách hàng dùng túi xách của mình để đựng đồ).

Hòn đảo nói "không" với túi ni lông ở Việt Nam:

Đó là Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Người dân trên đảo từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lông để thể hiện tình yêu đối với nơi mà họ sinh sống. Đó cũng là cách để bảo vệ người dân khỏi sát thủ thầm lặng mang tên túi ni lông.

Người dân Cù Lao Chàm dùng giấy gói sản phẩm chứ không dùng túi ni lông. Ảnh: Ngô Đồng

Trước năm 2009, Cù Lao Chàm ngập rác thải sau những lần đón tiếp các đoàn du khách. Rác do du khách mang tới, rác do người dân làm du lịch thải ra... Từ một hòn đảo hoang sơ, sạch bong, Cù Lao Chàm bị ô nhiễm trầm trọng. Thế là từ tháng 5-2009, kế hoạch chấm dứt sử dụng túi ni lông chính thức được thực hiện ở Cù Lao Chàm.

Hiện tại, du khách đến Cù Lao Chàm, mua bất cứ thứ gì mang về, cũng được người dân gói trong giấy, trong lá hoặc du khách phải tự mang theo đồ để đựng.

Bình luận (4)

Con người có tính kì lắm. Cái cảnh báo chết thì rất khó từ bỏ. Ví dụ như rượu bia, thuốc lá. Biết chắc là sử dụng là có hại cho sức khỏe nhưng một bộ phận người vẫn cứ cắm đầu sử dụng. Người ta in cái hình lá phổi te tua trên gói thuốc nhưng vẫn mua chứ đừng nói từ bỏ việc không dùng bịch ni lông. Khó lắm, vì chết từ từ chứ đâu có chết lẹ nên đâu ai sợ. Còn bánh kẹo, sữa sùng,... thấy quảng cáo ì xèo là thơm, ngon, bổ dưỡng nhưng đi mua cứ chê lên chê xuống. Hết hạn sử dụng 1 ngày thôi là kiện tụng ì xèo

bà nội trợ - Chủ Nhật, 07/06/2015, 14:41 Trả lời | Thích

Mình có dịp đi Cù Lao Chàm, ở đó bây giờ rất xanh và sạch. Người dân đúng là không dùng túi ni lông và họ cũng khuyến khích du khách không bỏ túi ni lông lại đảo để giữ môi trường sống.

Tâm - Chủ Nhật, 07/06/2015, 14:36 Trả lời | Thích

Ôi dào. Chủ yếu là ý thức người dân thôi

Nguyễn Thị Loan - Chủ Nhật, 07/06/2015, 10:03 Trả lời | Thích

Thiết nghĩ, Việt Nam làm sao chế ra loại túi đựng nào thay thế túi nilon nhưng giá cả cũng rẻ như túi nilon thì mới được. Người dân vẫn dùng túi nilon vì biết nó bẩn và tác hại đến môi trường nhưng vì nó rẻ và tiện dụng nên vẫn dùng thôi. Biết sao được

Nguyễn Vân Trang - Chủ Nhật, 07/06/2015, 10:02 Trả lời | Thích
Lên đầu trang