'Ô nhiễm trắng' bao phủ thành phố:

Kỳ 3: Túi ni lông hại đến cỡ nào?

Thứ Bảy, 06/06/2015 06:43  | Ngô Đồng

|

(CAO) Nhìn những chiếc túi ni lông đủ màu: Xanh, đỏ, trắng chưa được sử dụng lần nào, người tiêu dùng vẫn quen gọi đó là túi ni lông sạch. Nhưng bản chất, túi ni lông được làm bằng chất liệu gì? Liệu có an toàn đối với sức khỏe con người hay không?... thì không mấy ai quan tâm hoặc chỉ quan tâm một cách nửa vời.

Xài một, hại mười

Túi ni lông chưa sử dụng mà chúng ta vẫn quan niệm là túi sạch để đựng tất cả các loại thức ăn từ sống đến chín. Tuy nhiên, thực tế chúng được tạo thành từ các chất rất nguy hại. Rất nhiều các loại túi ni lông được tái chế từ rác thải, công đoạn tái chế xử lý rất thủ công, trong quá trình sản xuất được trộn các loại hóa chất làm tăng độ dẻo và bền của sản phẩm đang bán rộng rãi trên thị trường tiềm ẩn nhiều hoá chất độc hại.

PGS TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết, các loại bao bì nhựa   dẻo chủ yếu là các hóa chất cao phân tử như PVC (polyvinyl clorur), PE (polyethylen)… Để đúc khuôn tạo dáng cho các bao bì này người ta phải thêm chất hóa dẻo (plasticizer) là các hóa chất có cấu trúc tương tự tạo thành nhóm gọi là các “dẫn chất phtalat” như monobutyl phtalat (MBP), dibutyl phtalat (DBP), benzylbutyl phtalat (BZBP), monomethyl phtalat (MMP… Các dẫn chất phtalat này tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm và dược phẩm.

Tác hại của các dẫn chất phtalat vào trong cơ thể, theo PGS TS Nguyễn Hữu Đức, sẽ gây hại nhiều mặt nhưng hại lớn nhất là làm xáo trộn nội tiết hay phá vỡ nội tiết (endocrine disruptors). Đặc biệt, bé gái bị nhiễm phtalat sẽ dậy thì sớm trước tuổi.

Rất nhiều các loại túi ni lông được tái chế từ rác thải, trong quá trình sản xuất được trộn các loại hóa chất làm tăng độ dẻo và bền của sản phẩm  tiềm ẩn nhiều hoá chất độc hại. Ảnh: Linh Vũ

Chưa hết, vì sự tiện lợi mà không ít người sử dụng túi ni lông để đựng đồ ăn nóng. Họ không hề biết rằng, túi ni lông khi gặp nhiệt độ nóng sẽ sinh ra các kim loại nặng như cadimi, chì gây ung thư não, phổi hoặc biến đổi giới tính người sử dụng.

Đó là những tác hại về lâu về dài, còn tác hại  trực tiếp, theo các chuyên gia y tế, khi đựng các sản phẩm thịt, cá và các sản phẩm ăn sẵn như bánh trái, ngay lập tức các chất hóa học trong túi ni lông sẽ làm biến chất thực phẩm, giảm luôn hàm lượng đạm và các vitamin.

Cùng với thói quen khi đi chợ về, thịt cá chưa chế biến, các bà nội trợ bọc trong túi ni lông và để vào tủ lạnh hoặc đựng thức ăn nóng trong túi ni lông sẽ đẩy nhanh quá trình thôi nhiễm các chất độc từ túi ni lông vào thức ăn. Đây là một sai lầm hết sức phổ biến của người tiêu dùng dẫn đến quá tích tụ các chất độc vào cơ thể ngày càng nhiều dẫn tới nguy cơ suy giảm sức khỏe mà không ai có thể đoán trước được.

Bên cạnh đó, túi ni lông làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt sản sinh ra muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.

Nên nói không với túi ni lông

PGS TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TP.HCM) cho rằng, người dân nên dùng lá chuối hoặc giấy làm bao bì thay vì dùng bao bì bằng nhựa, plastic. Vừa tốt cho vấn đề bảo vệ môi trường, vừa an toàn cho sức khỏe.

“Báo chí cần truyền thông mạnh hơn về những việc tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng rất cần thiết là không dùng bọc ni lông đựng thức ăn nóng… Một số bệnh viện đã bắt đầu khuyến cáo người nhà bệnh nhân không dùng bọc ni lông để đi nhận canh từ thiện còn bốc khói nghi ngút”, TS  Nguyễn Hữu Đức cho hay.

Để bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân, người dân nên quay lại thời kì mang giỏ để đi chợ hàng ngày. Tất cả thịt cá, rau củ không cần đựng trong túi ni lông mà để trực tiếp vào giỏ. Khi về, nếu chưa chế biến thức ăn ngay, hãy rửa sạch để vào trong các dụng cụ bằng sứ, nhựa chất lượng cao và để vào tủ lạnh. Đó là biện pháp an toàn để đảm bảo vệ sinh và bảo vệ sức khỏe. Hoặc chúng ta có thể dùng túi giấy để đựng thực phẩm…

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Theo đó, cả nước phấn đấu đến năm 2015, giảm 40% khối lượng túi ni lông sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại (so sánh với năm 2010). Đến năm 2020 giảm 65% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.

Bình luận (2)

Bài viết thiết thực nhưng rõ ràng chúng ta vẫn chưa tìm được giải pháp thay thế hay đảm bảo an toàn hơn.

Như Ngọc - Thứ Bảy, 06/06/2015, 21:44 Trả lời | Thích

để tất cả cá thịt rau chung vào một giỏ ..kinh dị lắm bạn ui ...cá tanh thịt hôi lây sang rau ..rau đất bẩn dính vào thịt cá và các món khác tàu hủ bún tươi...ko đc đâu.nói cũng phải suy nghĩ chứ ..lá sen lá chuối gói thì tốt rùi .nhưng lấy đâu ra lá sen lá chuối

teen20 - Thứ Bảy, 06/06/2015, 17:55 Trả lời | Thích
Lên đầu trang