(CATP) Đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây nguyên, ngoại tình là tội “tày trời”, không thể chấp nhận được. Nếu phạm phải, đối tượng sẽ bị phạt theo phong tục địa phương: nặng thì bị đuổi khỏi làng vĩnh viễn, bản thân và gia đình phải sống trong sự dè bỉu, chê cười suốt thời gian dài. Vậy nhưng vẫn có không ít vụ xảy ra bất chấp dư luận.
Bà con làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai vẫn truyền miệng chuyện ngoại tình của một phụ nữ trẻ người J,Rai cách đây 2 năm, khiến cuộc sống gia đình chị gặp nhiều xáo trộn.
B. (SN 1993) vốn là một sơn nữ có chút nhan sắc. Tuổi 18 dù vẫn còn ham chơi, nhưng cũng như bao cô gái khác của làng, B. phải tính chuyện bắt chồng. Được người thân mai mối, B. bằng lòng lấy V., một trai làng hơn cô 11 tuổi, hiền lành cục mịch, chăm chỉ lao động.
Cưới về, vợ chồng họ sớm có con bế con bồng. Anh V. vẫn hàng ngày lên nương rẫy, cần mẫn lao động; còn B. quán xuyến việc nhà, thỉnh thoảng theo chồng lên rẫy thu hoạch củ mì. Do lấy chồng sớm nên ở tuổi 20, B. vẫn không thôi mơ mộng, có lẽ vì anh V. ít có cử chỉ lãng mạn, thân mật dành cho người vợ trẻ.
Thanh niên đồng bào J,Rai tham gia lễ hội (ảnh minh họa)
Thế rồi một ngày, anh chàng T. (quê ở Yên Bái) chuyển đến ở cùng vợ chồng người anh trai, là hàng xóm của vợ chồng B. Hàng ngày giáp mặt nhau lại cùng trang lứa, B. và T. đã nảy sinh tình cảm. Sau lần trao số điện thoại cho nhau, họ thường hay nhắn tin tỏ bày. Biết rõ lệ làng phạt tội ngoại tình rất nặng, nhưng trước những lời đường mật của chàng trai chưa vợ, B. say như điếu đổ và họ thường lén lút hẹn hò.
Giữa tháng 9-2013, gia đình bố đẻ của B. tổ chức liên hoan mừng nhà mới, mời họ hàng, vợ chồng V. và cả T. đến dự. Nửa đêm hôm đó tiệc tàn, V. uống say nên vào phòng nghỉ trước. Sẵn men rượu lại say men tình, B. không chút ngại ngần, rủ người tình xuống sàn “tâm sự”. Tỉnh giấc không thấy vợ, V. trở dậy đi tìm. Choáng váng trước cảnh bị “cắm sừng” bày ra trước mắt, anh liền gọi mọi người đến chứng kiến.
Ngay sáng hôm sau, cuộc họp khá căng thẳng giữa những người liên quan diễn ra tại nhà rông của làng, cả già làng, phó trưởng thôn, tổ hòa giải và đông người dân làng Krông đều tham dự. T. và B. đã cúi đầu nhận lỗi. Theo luật tục, anh V. có quyền đưa ra án phạt nên đã yêu cầu tình địch lẫn B. phải đền danh dự tổng cộng 100 triệu đồng, phía chị B. chịu 40 triệu.
Do B. đang ở cùng gia đình, nên người thân cũng phải đền tiền. Vì mới làm nhà, không còn tiền mặt nên phía B. phải đền số tài sản họ có, gồm: 1 xe Air Blade, 1 xe Sirius và con trâu lớn để cúng Yàng, tạ lỗi với dòng họ nhà chồng, sau đó làm tiệc chiêu đãi cả làng. Dù mức phạt khá cao nhưng những người vướng tội ngoại tình phải tuân theo, nếu không sẽ bị tịch thu nhà cửa và đuổi khỏi làng.
Nộp phạt xong, bố đẻ của B. uất ức sinh bệnh, phải đi cấp cứu. Về phía T., do mới vào làm thuê cho gia đình anh trai, không có tiền nộp phạt nên phải viết giấy nhận nợ, cam kết trong vòng 3 tháng trả đủ số tiền phạt.
Anh V. sau đó tuyên bố bỏ vợ, khăn gói quay trở về nhà cha mẹ ruột (người J,Rai theo chế độ mẫu hệ, đàn ông phải ở rể). Buồn phiền vì chuyện vợ không chung thủy nên suốt ngày anh V. chìm trong men rượu. Chị B. bị người làng dè bỉu nên bỏ vào rừng.
Được khoảng 2 tuần, vì nhớ vợ con, anh V. vào rừng tìm, đón về, hứa sẽ quên đi tất cả lỗi lầm do vợ gây nên. Để được làng đồng ý, gia đình anh phải mổ trâu bò làm thịt, mở rượu ghè mừng đám cưới mới theo phong tục. Anh V. cũng bắt T. viết cam kết không được dan díu với vợ mình nữa.
Sau đó, để tránh những lời đàm tiếu, anh V. đưa vợ con vào rẫy ở, hiếm khi trở về làng. T. được cán bộ địa phương, già làng tác động phải nộp phạt một nửa số tiền. Thấy con gái, con rể sum họp, tu chí lo làm ăn, nuôi dạy con cái, cha mẹ B. đã tha thứ, quên đi chuyện cũ.