Xí nghiệp in Nguyễn Minh Hoàng - 48 năm vẹn tròn sứ mệnh

Chủ Nhật, 22/09/2024 12:49

|

(CATP) Để có những ấn phẩm báo chí đến tay bạn đọc, bên cạnh sự nỗ lực của các tòa soạn, từ đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật… không thể không nhắc đến bộ phận in ấn, phát hành, đại lý phân phối… Công việc của họ tuy âm thầm, lặng lẽ nhưng chẳng kém phần gian nan, vất vả.

Những "con ong" cần mẫn

Khoảng 23 giờ đêm, chúng tôi xuất phát từ tòa soạn Báo CATP đến Xí nghiệp in (XNI) Nguyễn Minh Hoàng (510 Trường Chinh, P13, Q.Tân Bình, TPHCM). Trái ngược với không khí tĩnh lặng ở tòa soạn là nhịp độ làm việc hối hả ở nhà in. Tiếng xe cộ chuyển báo ra vào rộn rã, tiếng máy in vang lên xình xịch, hàng trăm ngàn tờ báo bắt đầu được xuất bản trên băng chuyền; tiếng gọi nhau í ới của hàng chục công nhân đứng máy, xếp, lồng báo... Không ai bảo ai, họ cứ thế lặng lẽ làm việc như những con ong cần mẫn.

Để có những tờ báo thành phẩm, công nhân XNI phải có mặt từ 16 giờ chiều để chuẩn bị giấy in, vệ sinh máy móc, lau máng mực, chùi bộ phận cao su, băng kẽm. Do thường xuyên tiếp xúc với dầu nhớt, mực in, bụi bặm nên chân tay, mặt mũi ai nấy đều lấm lem đen sì. Từ 17 - 20 giờ, XNI bắt đầu cho in các tờ quảng cáo. Thời gian này, bộ phận kỹ thuật của XNI chờ các tòa soạn truyền bài về để sửa lỗi chính tả, canh chỉnh bài vở, thiết kế, dàn trang. Để tránh những sai sót không đáng có, bộ phận kỹ thuật của XNI phải kiểm tra nhiều lần, thấy sạch sẽ trơn tru mới cho in đại trà.

Thiếu tá Nguyễn Thị Kim Chi - Phó Giám đốc Xí nghiệp in Nguyễn Minh Hoàng đang kiểm tra hoạt động in ấn

Quệt giọt mồ hôi trên trán, anh Phạm Quang Trung, Trưởng máy 1, XNI Nguyễn Minh Hoàng - người có 15 năm trong nghề kể: "Khó nhất ở bộ phận in ấn là công đoạn pha màu, canh mực, bấm bài, "tút" trang đầu tiên của tờ báo. Đối với những tờ báo in 2 màu mực như CATP, Người Lao Động, Phụ Nữ... việc pha màu không khó, nhưng đối với những ấn phẩm như tạp chí, sách ảnh với nhiều màu sắc, việc pha màu rất công phu. Mình phải kiểm tra kỹ lưỡng, canh chỉnh từng ly từng tý một làm sao cho màu sắc trong máy in trùng khớp với màu trên bản kẽm để không bị nhòe, không loang lỗ mới cho in".

Từ 21 giờ trở đi, nhất là vào các ngày Chủ nhật, thứ 2, 3, 5, các tờ báo in trùng nhau, số lượng phát hành nhiều nên anh chị em XNI làm việc rất vất vả. Người ta lấy báo gấp, máy in với tốc độ cao mới kịp ra sản phẩm cho các tòa soạn. Nếu các tòa soạn truyền file đến sớm, nhà in sẽ cho chạy cỡ 40.000 tờ/giờ. Hôm nào truyền file chậm hoặc do trục trặc kỹ thuật, thay bài, đợi tin..., có khi 23 giờ mới truyền thì anh em sẽ cho máy chạy hết công suất 45.000 tờ/giờ. Lúc cao độ, in ấn nhiều báo, phải vận hành nhiều máy, anh em phải lao động cật lực, mồ hôi nhễ nhại.

Anh Vương Thiếu Hùng, Trưởng bộ phận sản xuất báo XNI Nguyễn Minh Hoàng chia sẻ: "Về cơ bản, công việc in ấn không khó, nhưng do thường xuyên làm ca đêm, xa vợ con, gia đình, trái với đồng hồ sinh học, sinh hoạt cá nhân nên lúc đầu khá vất vả. Làm đêm suốt, mình phải biết cách sắp xếp công việc gia đình. Ban ngày có chuyện gì trục trặc, không bố trí ngủ nghỉ đủ giờ thì ban đêm làm rất mệt. Đối với chị em có gia đình, con cái, tụi nhỏ thường chờ mẹ về mới chịu ngủ thì họ phải bố trí công việc để về sớm hơn một chút. Tội nhất là mấy bạn chưa lập gia đình. Do làm đêm suốt, không có thời gian dành cho người yêu, quen được cô nào chỉ dăm bữa nữa tháng là chia tay, nghe cũng tội". Anh Hùng nói đùa rằng, ai có người yêu, vào đây làm ít hôm thì người yêu bỏ, ai chưa có thì ế luôn. Thức đêm, thức hôm, nhiều anh em "chịu nhiệt" không nổi, làm ít bữa nửa tháng là chạy mất dép...

Tuy không vận hành, chuyển báo nặng nhọc như mấy anh em thợ máy, nhưng công việc lồng các trang quảng cáo vào nội dung chính của tờ báo lại đòi hỏi người công nhân phải khéo léo, cần mẫn, nhanh nhẹn. Chị Huỳnh Thị Ngọc Loan (SN 1977) có 16 năm làm công tác lồng báo cho hay, hồi đầu mới vô làm, chị chưa quen việc, chân tay cứ lóng ngóng nên gặp không ít khó khăn. Khó nhất là khâu "vỗ báo". Một bó báo đang lộn xộn, so le, phải "vỗ" làm sao cho các tờ ngay ngắn, thẳng thớm. Thông thường, người mới vô làm chỉ "vỗ" được 50 tờ báo/lần, làm quen thì "vỗ" khoảng 100 tờ/lần. Công việc "vỗ báo" ít di chuyển nên rất đau lưng và buồn ngủ. Lồng báo là khâu sau cùng nên chị em thường làm về muộn hơn so với các anh em bên bộ phận in ấn, nhiều hôm về tới nhà thì trời đã tờ mờ sáng.

Quy trình in ấn tại Xí nghiệp in Nguyễn Minh Hoàng

Tuy vất vả, nhưng vì yêu công việc, nhiều người chẳng quản khó khăn, đường sá xa xôi gắn bó với nghề. Mặc dù ở tận huyện Định Quán (Đồng Nai), nhưng nhiều năm nay, hai anh em Tạ Quang Cường, Tạ Quang Minh ngày nào cũng vượt 80 cây số cả đi lẫn về để có mặt đều đặn ở xí nghiệp. Hôm nào trời tạnh ráo thì còn đỡ, gặp lúc trời mưa gió, đường "ổ gà”, "ổ trâu" tối thui, xăng dầu hạn chế, việc đi lại rất khó khăn. Lúc trước đi làm, hai anh em phải kèm theo ống bơm, miếng vá, cờ lê, mỏ lết... để lỡ có bị nổ lốp xe còn có cái để vá, lơ mơ là dắt bộ lè lưỡi. Chị Loan chia sẻ, gắn bó với nghề này, anh chị em có yêu nghề mới làm được.

Đứng vững trong thời đại số

XNI Nguyễn Minh Hoàng được thành lập vào năm 1976 trực thuộc Công an TPHCM. Ngày 31/12/2010, Bộ trưởng Bộ Công an có Quyết định số 5402/QĐ-BCA về chuyển đổi hình thức hoạt động và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của XNI Nguyễn Minh Hoàng thành đơn vị sự nghiệp công lập có thu trong CAND, trực thuộc Công an TPHCM.

Năm 2018, XNI được sáp nhập vào Phòng Hậu cần - Công an TPHCM và chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ huy Phòng Hậu cần theo Quyết định số 42/QĐ-CATP-TCCB ngày 28/8/2018 của Giám đốc Công an TPHCM triển khai tổ chức bộ máy của Phòng Hậu cần - Công an TPHCM.

Trong 48 năm hình thành và phát triển, XNI Nguyễn Minh Hoàng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ in ấn tài liệu, biểu mẫu phục vụ yêu cầu công tác, chiến đấu của các đơn vị trong lực lượng CAND, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, XNI còn tham gia thị trường và trở thành đối tác tin cậy của nhiều tờ báo, tạp chí, các nhà xuất bản, các công ty, đơn vị, sở, ban, ngành trên địa bàn TPHCM và các tỉnh, thành lân cận; từng thực hiện những dự án, hợp đồng in có quy mô lớn và cũng là đơn vị được Thành ủy, UBND TPHCM giao nhiệm vụ in ấn tài liệu phục vụ bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trong nhiều nhiệm kỳ qua.

Với cơ sở vật chất hiện có, trang thiết bị, máy móc hiện đại cùng với đội ngũ cán bộ, công nhân viên giỏi tay nghề, XNI có đủ năng lực và kinh nghiệm để bảo đảm công tác in ấn tất cả các loại sản phẩm trên giấy phục vụ công tác của ngành Công an và tham gia thị trường; khẳng định được thương hiệu trong lĩnh vực in ấn, mang lại niềm tin cho khách hàng, đối tác và các chủ đầu tư.

Nhân viên nhà in kiểm tra bản mẫu trước khi in hàng loạt

Hiện nay đa số đọc giả chuyển từ đọc báo giấy sang báo mạng, báo giấy sụt giảm đã kéo theo công tác in ấn cũng không còn như xưa. Mạng xã hội bùng nổ, công nghệ thông tin phát triển mạnh làm cho sản lượng in sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là in báo; các nhà in thiếu hàng nên đua nhau hạ giá thành dẫn đến cạnh tranh gay gắt, do đó ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của đơn vị, thu nhập người lao động sụt giảm nên việc tuyển nhân sự ngành in cực kỳ khó khăn.

Trung tá Trịnh Văn Bền - Giám đốc XNI Nguyễn Minh Hoàng cho biết, trước thực trạng việc in ấn bị giảm sút, lãnh đạo XNI Nguyễn Minh Hoàng đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ cho công nhân. Ngoài lương sản phẩm, XNI còn hỗ trợ thêm tiền trách nhiệm, thi đua. Bên cạnh đó, lãnh đạo XNI luôn nỗ lực tìm kiếm nguồn hàng bên ngoài, thậm chí có những đơn hàng không có lời, nhưng vẫn đưa về để cho anh em có công ăn việc làm. Vừa rồi lãnh đạo nhà in mới tìm được đơn hàng in sách giáo khoa, giúp anh em có thêm công ăn việc làm ổn định.

Để vượt qua "cơn bão mạng xã hội", XNI Nguyễn Minh Hoàng đã có những giải pháp tháo gỡ những khó khăn. Đối với in báo cố gắng bảo đảm chất lượng in, giá thành để duy trì các đầu báo hiện có và khai thác thêm một số đầu báo khác. Đối với in tờ rời tập trung khai thác nguồn hàng in, thông qua việc tham gia đấu thầu các gói thầu in của các sở, ban, ngành, bệnh viện để tăng sản lượng in. Đặc biệt chú trọng chuyển hướng dần sang đầu tư in nhanh và in bao bì.

Trong quá trình hoạt động, XNI Nguyễn Minh Hoàng luôn thực hiện hoàn thành xuất nhiệm vụ do Bộ Công an và Công an TPHCM giao. Doanh thu năm sau cao hơn năm trước và luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm đề ra, thu nhập của người lao động được bảo đảm, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.

Với những nỗ lực không ngừng, XNI Nguyễn Minh Hoàng được Công an TPHCM công nhận danh hiệu thi đua "Tập thể lao động xuất sắc" nhiều năm liền và được tặng thưởng nhiều Bằng khen của UBND TPHCM và Bộ Công an.

Bình luận (0)

Lên đầu trang