Bộ GTVT vẫn “nợ” quy định về hoạt động taxi công nghệ

Thứ Ba, 22/10/2019 10:45

|

(CAO) Dù taxi công nghệ đã hoạt động thí điểm được gần 4 năm nhưng đến nay Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vẫn còn “nợ” quy định về quản lý hoạt động kinh doanh của loại hình vận tải này.

Ngày 21-10, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, trong đó, nội dung liên quan việc thí điểm taxi công nghệ thu hút dư luận quan tâm.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, ngày 7-1-2016, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành Quyết định số 24 thí điểm taxi công nghệ tại 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh. Đến nay, đã gần 4 năm nhưng Bộ GTVT vẫn chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của loại hình taxi này.

Dù taxi công nghệ đã hoạt động thí điểm gần 4 năm nay nhưng Bộ GTVT vẫn còn "nợ" quy định quản lý loại hình này 

Ủy ban Dân nguyện nhận định sự chậm trễ này dẫn đến xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh giữa nhiều hãng taxi, taxi công nghệ hoạt động cả ở các địa phương không được thí điểm, gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước và ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

"Đây là vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, kiến nghị Bộ GTVT khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi trong năm 2019", bà Nguyễn Thanh Hải nêu.

Trong khi đó, Bộ GTVT cho biết đang sửa đổi, bổ sung Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, có nội dung liên quan đến taxi công nghệ. Trên thực tế, Bộ GTVT đã nhiều lần phải sửa chữa dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2019 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Trình bày lý do ba năm qua chưa ban hành được nghị định thay thế Nghị định 86 năm 2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ bổ sung một số quy định để đảm bảo công bằng giữa Grab và taxi truyền thống.

Trong báo cáo về việc thực hiện lời hứa sau chất vấn của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể gửi tới Quốc hội để phục vụ kỳ họp 8 của Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng nêu một trong các lý do là đối với việc quản lý xe ô tô dưới 9 chỗ hoạt động vận tải hành khách có ứng dụng phần mềm để điều hành hoạt động vận tải sẽ được quản lý như xe taxi hay hợp đồng vận tải điện tử, đến nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau.

Tính đến thời điểm tháng 6-2019, có khoảng 70.000 xe ô tô ứng dụng hợp đồng điện tử. Theo Bộ trưởng, do loại hình xe taxi có nhiều điểm tương đồng, cần có quy định chung để quản lý như nhau. Do vậy, để quản lý chặt chẽ đối với xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) sử dụng hợp đồng điện tử, đảm bảo công bằng đối với xe taxi, Bộ GTVT đã đề xuất bổ sung một số quy định.

Có 8 quy định được bổ sung được nêu tại báo cáo. Trước hết là quy định xe sử dụng hợp đồng vận chuyển hành khách điện tử phải báo cáo thông tin về hợp đồng trước khi vận chuyển; phải có thiết bị để truy cập vào nội dung của hợp đồng và truy cập để xem danh sách hành khách; giao diện của người thuê vận tải phải hiện diện thương mại của đơn vị kinh doanh vận tải và các phương tiện kinh doanh thuộc đơn vị để người thuê vận tải thực hiện lựa chọn, đàm phán về hành trình, thời gian và giá trị hợp đồng.

Cơ quan quản lý cũng đề xuất quy định trong thời gian 1 tháng, xe ôtô kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi, xe ôtô sử dụng hợp đồng vận chuyển hành khách dưới 9 chỗ phải có thời gian hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu tối thiểu 70% tổng thời gian hoạt động trong tháng; xác định thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

Chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ. Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng vận chuyển điện tử phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông.

Về phương tiện, xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng vận chuyển điện tử có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất). Quy định này nhằm đảm bảo cân bằng với điều kiện về niên hạn so với xe taxi.

Xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” trên kính phía trước và kính phía sau xe theo quy định; kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 06 x 20 cm; cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” phải được làm bằng vật liệu phản quang”.

Trước đó, bà Nguyễn Thanh Hải cũng cho biết có 1.650 bức thư tay của người dân kiến nghị gửi tới Quốc hội, phản ánh taxi công nghệ hoạt động ở các địa phương không được thí điểm, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang