(CAO) Cuối tháng 10-2017, Sở Giao thông vận tải TP.HCM (GTVT) đã tổ chức lễ thông xe nhánh cầu vượt thứ hai tại nút giao ngã sáu Gò Vấp (từ đường Phạm Ngũ Lao đến đường Nguyễn Oanh).
Trước đó, một nhánh cầu vượt khác cùng dự án cũng đã được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2017. Theo thiết kế, hai nhánh cầu vượt có tổng chiều dài hơn 514 m, bề rộng 6m, gồm 13 nhịp, kết cấu dầm hộp thép liên hợp bản mặt cầu bê tông cốt théo, tổng giá trị hợp đồng khoảng 123 tỷ đồng.
Người dân lưu thông qua khu vực cầu vượt ngã sáu Gò Vấp trông chờ vào việc hỏi đường và bảng chỉ dẫn bằng bìa giấy
Theo đánh giá của Sở GTVT, việc thông xe cầu vượt này đã kéo giảm đến 80% tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực, đồng thời giải quyết 1/37 điểm ùn tắc của TP.HCM. Tuy nhiên, sau gần nửa năm đưa vào sử dụng, nhiều người dân vô cùng thắc mắc, chủ đầu tư có thể làm cầu vượt hàng trăm tỷ nhưng vì sao đến nay vẫn không có biển báo hướng dẫn các hướng đi khi lưu thông lên cầu vượt.
Cụ thể từ hướng đường Phạm Ngũ Lão (đi Nguyễn Oanh), chúng tôi quan sát, từ đầu đường này đến chân cầu vượt không hề lắp các bảng hướng dẫn các hướng đi nên khi các phương lưu thông đến khi đến chân cầu vượt thì xuất hiện ba lối ra (một lối lên thằng cầu, hai lối còn lại cặp theo bên hông cầu vượt) dẫn đến tình trạng nhiều người không biết nên đi theo lối nào.
Anh Nguyễn Minh Khoa, hành nghề sửa xe gần cầu vượt cho biết: “Mỗi ngày, có hơn chục lượt người hỏi đường khi đến cầu vượt là chuyện bình thường. Chẳng hạn, nhiều người dân muốn đi hướng Quang Trung – Tô Ký nhưng lỡ đi lên cầu vượt đành phải quay đầu xe rất xa, đồng thời sẽ tạo ùn ứ tại ngã năm đường Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị – Lê Thị Hồng”.
Cầu vượt ngã sáu Gò Vấp
Cũng tại gần ba lỗi ra nói trên, để hướng dẫn người dân đi đúng đường, một tiệm điện thoại di động đã dùng bìa giấy làm bảng hướng dẫn, với nội dung khá chi tiết: “Dưới cầu quẹo trái đi Quang Trung, Q12, Lê Văn Thộ, Lê Đức Thọ, Chợ Cầu, Tô Ký, Hóc Môn. Lên cầu đi thẳng đi Nguyễn Oanh, Phan Văn Trị, Nguyễn Văn Lượng, Ngã tư Ga, Q.12”.
Tại một hướng đi khác của cầu vượt này cũng xảy ra tình trạng thiếu biển báo tương tự. Đó là hướng đi từ quận Nguyễn Oanh về Nguyễn Kiệm. Dù ít rườm ra hơn, nhưng người dân lưu thông đến đây vẫn gặp hai lối (một dẫn thằng lên cầu vượt, một cặp bên phải).
Chị Hồng Phượng (ngụ quận Gò Vấp) cho hay: “Nếu người nào thường xuyên qua đây thì không quá khó để tìm hướng đi. Tuy nhiên, rất nhiều người dân ở tỉnh có công việc đi qua đây thì rất dễ bị nhầm đường, đó là chưa nói đến tâm lý “sợ” cầu vượt vì không biết nó dẫn đến đâu? Nên họ thường chọn lối đi phí dưới vì suy nghĩ có đi sai vẫn quay đầu dễ hơn. Người nhà tôi cũng từng đi nhầm vì cầu vượt này thiếu bảng chỉ dẫn dù nhỏ nhưng rất cần thiết”.
Tại các vị trí gần cầu vượt ngã sáu Gò Vấp đều không có biển hướng dẫn
Rất mong các cơ quan chức năng sớm rà soát, gắn thêm các biển báo hướng dẫn các lối đi để người dân lưu thông đúng hướng giống như các cầu vượt khác của TP.