Đảm bảo an toàn bay tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

Thứ Sáu, 29/04/2022 14:03

|

(CATP) Ngày 28-4, tại TPHCM diễn ra Hội nghị “Đảm bảo an toàn hoạt động bay tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (HKQTTSN)”.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), Tổng công ty Cảng HKVN, Cảng vụ hàng không miền Nam (HKMN); đại diện các hãng bay, các đơn vị công an (CA), quân đội của tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Về phía Công an TPHCM (CATP) có Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Phó giám đốc CATP, lãnh đạo các phòng nghiệp vụ cùng Ban chỉ huy CA các quận, huyện và TP. Thủ Đức.

XẢY RA NHIỀU VỤ VIỆC UY HIẾP AN TOÀN BAY

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2021 đến nay tại Cảng HKQTTSN ghi nhận 49 trường hợp vi phạm an toàn hoạt động bay (trong đó nhiều nhất là tình trạng chiếu đèn lazer và các vật thể bay - drone hay flycam - vào buồng lái máy bay đang hoạt động với 34 trường hợp, thường xuyên xảy ra tại P.Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức).

Ngoài ra, các khu vực (KV) ghi nhận vi phạm an toàn bay (ATB) được xác định chủ yếu tại những KV tiếp cận hạ cánh đầu đường CHC25 của Cảng vụ HKQTTSN, kéo dài khoảng 15km từ các quận Gò Vấp, Bình Thạnh và TP.Thủ Đức đến TP.Dĩ An (Bình Dương) và một số trường hợp ghi nhận tại một số huyện thuộc tỉnh Đồng Nai.

Một trường hợp tia lazer uy hiếp an toàn bay

Theo ông Võ Hoàng Thịnh, Trưởng phòng An toàn và kiểm soát chất lượng - Cảng HKQTTSN, trong 4 tháng đầu năm 2022 đã xảy ra một số vụ việc uy hiếp ATB, mới đây nhất: lúc 14 giờ 10 ngày 13-4, chuyến bay VN 321 KIX-SGN khi đang ở độ cao 350fts thì trục cạnh 5 bị va chạm với bóng bay trong quá trình hạ cánh; trước đó, đầu tháng 4, tổ lái chuyến bay VietJet chặng DAD-SGN trong lúc vào giai đoạn tiếp cận cuối để hạ cánh thì bị chiếu đèn laser từ 1 tòa nhà gần bên sông phía đông nam của sân bay Tân Sơn Nhất, thuộc P.Tam Phú, TP.Thủ Đức. Tổ lái đã báo cáo nhà chức trách và quay lại clip vị trí chiếu đèn laser vào buồng lái.

Những vụ việc này đều được Cảng HKQTTSN thông báo ngay cho Cảng vụ HKMN phối hợp làm việc với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý.

Ông Võ Hoàng Thịnh, Trưởng phòng An toàn và kiểm soát chất lượng - Cảng HKQTTSN phát biểu tại hội nghị.

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, XỬ PHẠT NGHIÊM

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Phó giám đốc CATP - xác định: “An ninh hàng không (ANHK) là một bộ phận của công tác bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó bảo đảm ATB là nội dung quan trọng cốt lõi, trụ cột của công tác bảo đảm ANHK.

Lịch sử ngành hàng không (HK) thế giới cho thấy các vụ tai nạn HK đã để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, uy tín ngành HK, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, thị trường vận tải, tài chính, thậm chí dẫn đến sự phá sản của hãng HK.

Tổng kết cho thấy các vụ tai nạn thường xảy ra ở giai đoạn máy bay bắt đầu cất hoặc hạ cánh. Công tác bảo đảm ANHK là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, không phải chỉ riêng của ngành HK”.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Phó Giám đốc Công an TPHCM - phát biểu tại hội nghị.

Để giải quyết rốt ráo các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo ATB, CATP đã ký kết nhiều quy chế phối hợp với Tổng công ty Cảng HKVN (AVC), với Tổng công ty quản lý bay miền Nam về đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động bay; đưa công trình Cảng HKQTTSN, Đài kiểm soát không lưu và Đài ra-đa Tân Sơn Nhất vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; xây dựng phương án và tổ chức lực lượng Cảnh sát vũ trang bảo vệ Cảng HKQTTSN từ tháng 1-2021.

Ngoài công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý những hành vi uy hiếp ATB, CATP cùng các đơn vị liên quan cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp ký cam kết chấp hành quy định pháp luật về đảm bảo ATB.

Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn HK trong bối cảnh tình hình mới, CATP kiến nghị Cục HK tham mưu cho Ủy ban HK Quốc gia có văn bản gửi các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố có liên quan để tăng cường các biện pháp quản lý thiết bị bay không người lái, việc sử dụng đèn chiếu lazer, đèn công suất cao trên địa bàn (tập trung vào các địa phương nằm trong KV bảo vệ nghiêm ngặt, bảo đảm hoạt động bay), trong đó quy định rõ việc được phép sử dụng và không được phép sử dụng các thiết bị trên trong trường hợp nào.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị nào được cấp phép sử dụng thiết bị bay không người lái (drone, flycam), đèn chiếu lazer, đèn công suất cao...

NHỮNG BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT ĐANG ÁP DỤNG

Sau khi tiếp nhận thông tin phát hiện vật thể bay: flycam, tàu bay mô hình..., Cảng HKQTTSN sẽ thông báo ngay cho Cảng vụ HK miền Nam, Công ty quản lý bay miền Nam, Sư đoàn Không quân (F370) và Bộ Tư lệnh Thành phố để phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý.

Ngoài ra, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn HK, định kỳ hàng năm Cảng HKQTTSN còn phối hợp với các Quận Đoàn: Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Cảng vụ HKMN, các đơn vị PVMĐ VIAGS TS, SAGS, Công ty quản lý bay miền Nam và các hãng HK Jetstar Pacific, Vietjet Air, Vietnam Airlines... tổ chức các buổi tuyên truyền cho thanh thiếu niên, cư dân sinh sống ở những KV gần Cảng HKQTTSN biết, hiểu rõ tác hại và ảnh hưởng của các trường hợp thả vật thể bay như flycam, drone, tàu bay mô hình... vào không trung, làm tăng nguy cơ va chạm với máy bay trong quá trình cất - hạ cánh, từ đó nâng cao nhận thức về HK, chấp hành tốt quy định pháp luật, đảm bảo an toàn cho hoạt động bay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang