Các điểm giao cắt đường bộ và đường sắt: Đánh cược tính mạng khi vượt rào chắn

Thứ Sáu, 29/03/2024 09:38

|

(CATP) 46 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trên cả nước, làm 21 người chết, 25 người bị thương chỉ trong quý I năm 2024, khiến ai cũng giật mình. Điều gì đang xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ?

Xem thường luật, xem thường tính mạng

Nguyên tắc "cứng" đối với giao thông (GT) đường sắt, chính là tất cả người và phương tiện GT trên tuyến đường bộ băng qua đều phải nhường, đồng thời tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn chạy tàu. Tai nạn kinh hoàng khi tàu hỏa húc phải người hoặc xe cố tình vượt rào chắn băng qua đường sắt sẽ không khó hình dung. Vậy nhưng vẫn còn một số cá nhân thiếu ý thức chấp hành pháp luật, điều khiển phương tiện GT theo kiểu "điếc không sợ súng", bất chấp cảnh báo và gác chắn đang dần hạ xuống, vượt qua đường sắt chỉ để nhanh vài giây nhưng phải trả giá bằng tính mạng của mình. Thương vong nặng nề dĩ nhiên rơi vào phần lớn người và phương tiện GT đường bộ. Dẫu vậy, hậu quả gây ra với ngành đường sắt, nền kinh tế và hành khách trên nhiều chuyến tàu khác nhau cũng không hề nhỏ. Đầu máy, toa xe hư hỏng, tuyến đường sắt duy nhất bị tê liệt nhiều tiếng đồng hồ, hàng chục đoàn tàu khách lẫn tàu hàng phải "đứng hình" chôn chân tại chỗ.

Đứng chờ tại điểm giao cắt khi có tàu sắp đi qua cũng là thử thách tính kiên nhẫn. Ở các đô thị lớn, lượng người và phương tiện ùn ứ rất đông, nên khi gác chắn đã được kéo lên cũng mất thêm vài chục giây mới qua khỏi đường sắt. Vào cao điểm lễ, Tết, nhiều chuyến tàu tăng cường được vận hành, khiến cho những lần gác chắn phải đóng, mở cũng tăng theo. Nhưng không phải vì thấy lâu nên "xé rào", vội vã băng ngang qua đường sắt để tránh chờ tàu. Với đoàn tàu hàng chục toa, đang di chuyển tốc độ cao, chỉ cần một va chạm cũng có thể dẫn đến tai nạn thảm khốc. Những chiếc xe ben vốn to, nặng là vậy, song vẫn bị tàu hất văng vài chục mét và hy vọng sống sót của tài xế rất thấp.

Một đoàn tàu chưa qua khỏi đường dân sinh, người dân đã vội vã lao qua đường

Tại điểm giao nhau giữa đường sắt và đường bộ trên những tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân ở TPHCM, hầu hết người đi đường tuân thủ hiệu lệnh dừng lại. Nhưng vẫn có một số trường hợp phớt lờ cảnh báo, thậm chí bóp còi hối thúc người phía trước tránh đường để tăng ga vọt qua. Có không ít vụ việc chống đối, tấn công nhân viên trực rào chắn xảy ra, vì họ không đồng ý yêu cầu vô lý mở gác chắn, khi tàu chưa qua khỏi.

Trị bệnh "liều"

Liều lĩnh vượt đường ngang khi cấm vượt, suy cho cùng là hành vi xem thường pháp luật và sự an nguy của cộng đồng. Xử lý nghiêm bằng cách trích xuất camera phạt nguội mới mong cải thiện tình hình, thay đổi nhận thức của người tham gia GT, bảo vệ sự an toàn của chính họ.

Tại thành phố lớn như TPHCM, thường vào giờ cao điểm, lực lượng chức năng phải đảm nhiệm điều tiết GT ở nhiều nơi, nên đã trưng dụng cả đội ngũ dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố hỗ trợ nhân viên tại các điểm có gác chắn. Điều này lý giải phần nào nguyên nhân ở đô thị rất ít khi xảy ra TNGT đường sắt, còn ở những tỉnh có đường sắt đi qua, chủ yếu trông chờ vào ý thức tự giác của người dân.

Những đoàn tàu đi, đến ga Sài Gòn

Hệ thống cảnh báo từ xa và gác chắn tự động ở các đường dân sinh đã có, song không thể thay thế tinh thần thượng tôn pháp luật, những ai mang tính mạng của mình và người khác đánh cược với thần chết sẽ không có cơ hội sửa sai. Với những chiếc xe chở người, cần kịp thời can ngăn tài xế trước khi quá muộn. Tác động tâm lý từ hành khách sẽ khiến lái xe biết dừng lại, quan tâm đến sự an toàn cho cộng đồng.

Hành lang an toàn đường sắt cũng phải được giữ gìn, không bị chiếm dụng. TP Hà Nội kiên quyết dẹp quán "cà phê đường tàu", đã giảm đáng kể tai nạn từ sở thích "selfie" tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngành đường sắt đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu "đường hoa" song song đường sắt. Việc làm xứng đáng nhận được sự ủng hộ, nhưng cũng cần nhắc nhở các "tín đồ” sống ảo, chỉ được ngắm từ xa hoặc ngồi trên tàu, tuyệt đối không tập trung đến gần đường hoa để "tự sướng".

Cần lên án và xử lý nghiêm minh hành vi trộm cắp thiết bị trên đường ray, uy hiếp an toàn chạy tàu. Mỗi bu lông, tà vẹt đều là bộ phận quan trọng bảo đảm cho những chuyến tàu vận hành trơn tru, bất khả xâm phạm. Tình trạng trẻ em ném đá vào tàu đang chạy tuy có giảm nhưng chưa chấm dứt triệt để. Người lớn cần nhắc nhở con em nhằm tránh những sự cố nguy hiểm. TNGT đường bộ đôi khi còn có nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn, song với TNGT đường sắt hầu hết là do cố ý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang