Nhiều doanh nghiệp vận tải ở TP.HCM chở quá tải để hạ giá cước

Thứ Sáu, 22/03/2019 19:26

|

(CAO) Các doanh nghiệp vận tải kiến nghị TP.HCM cần sớm quy hoạch bãi đậu giành cho xe container, tăng cường xử lý tình trạng dồn hàng dẫn đến chở quá tải để hạ giá và công khai thông tin những tài xế vi phạm pháp luật như sử dụng rượu bia, ma túy…

Chiều 22-3, Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP.HCM tổ chức hội nghị đối thoại với Sở Giao thông Vận tải TP.HCM và các cơ quan chức năng. Theo đó, trong năm 2018 tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp vận tải trong nước lâm vào tình trạng thua lỗ, phải giảm quy mô hoạt động.

Các doanh nghiệp vận tải bức xúc trước tình trạng chở quá tải, thiếu bãi đỗ xe

Nguyên nhân của tình trạng này được cho xuất phát từ việc một số doanh nghiệp cố tình dồn hàng, chở quá tải để hạ giá cước khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính không thể nào cạnh tranh nổi. Nhiều doanh nghiệp tỏ ra rất bức xúc trước tình trạng sang container, dồn tải xảy ra tràn lan ở phía ngoài cảng Cát Lái hoặc các tuyến đường dọc khu vực Q.2, Q.9… nhưng việc xử lý chưa triệt để.

Cùng với đó, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư trang bị xe với mục đích để chở hàng nội bộ. Tuy nhiên, do việc kiểm soát chưa nghiêm ngặt nên các doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên nhận chở hàng bên ngoài.

Những xe này không cần phải xin giấy phép kinh doanh vận tải, không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh như cấp phù hiệu, quản lý… tạo nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khiến các doanh nghiệp trong nước vốn đã khó khăn càng thêm khốn đốn.

Không chỉ kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp vận tải còn tỏ ra bất an trước việc dồn hết trách nhiệm quản lý tài xế khi bị phát hiện sử dụng rượu bia, ma túy… Đại diện công ty vận tải Long Phú cho biết việc tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng tài xế sử dụng rượu bia, các chất kích thích là cần thiết và nên làm thường xuyên.

Nhiều doanh nghiệp tỏ ra bức xúc khi "trăm dâu" đổ hết lên đầu... doanh nghiệp

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải dù kiểm tra sức khỏe tài xế 6 tháng/ lần nhưng khi kiểm tra xong tài xế sử dụng ma túy thì doanh nghiệp không thể nào biết được. Do đó, việc bắt các doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm do tài xế gây ra chưa thật sự thỏa đáng.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Văn Quản – Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết không doanh nghiệp vận tải nào có chủ trương giao một khối tài sản lớn lên tới hàng tỷ đồng vào tay những người nghiện cả. Việc phát hiện các tài xế vi phạm nếu chỉ một mình doanh nghiệp làm rất khó.

Ông Quản đề nghị cơ quan chức năng cần công khai thông tin những tài xế vi phạm pháp luật giao thông hoặc sử dụng rượu bia, ma túy lên trang thông tin của Cục đường Bộ để tránh tình trạng tài xế bị phát hiện, xử lý ở doanh nghiệp này liền nghỉ việc chạy sang làm cho một doanh nghiệp khác mà người chủ sử dụng lao động không hề hay biết.

Cùng với đó, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn TP.HCM hiện đang gặp khó khăn rất lớn trong việc tìm bãi đậu xe container. Là đầu mối giao thông lớn của cả nước, mỗi ngày TP.HCM có hàng ngàn xe ra vào các cảng biển lớn như Cái Lái, Hiệp Phước… nhưng lại không có bãi đậu giành cho xe container. Một số doanh nghiệp phải đi thuê chỗ đậu xe ở những bãi đất trống bên ngoài tốn chi phí lên đến 1,5 triệu đồng/đầu xe. Không có chỗ đậu nên các tài xế phải cho xe đậu vật vạ bên đường hoặc bãi đất trống vừa không đảm bảo an toàn lại mất mỹ quan.

Nhiều người cho rằng TP.HCM cần phải sớm có quy hoạch về Logistics

Ông Đinh Nam Dinh – Phó Chủ tịch hiệp hội ô tô Việt Nam, đồng thời cũng là chủ một doanh nghiệp vận tải bức xúc trước tình trạng nhiều trạm thu phí BOT chiếm dụng vốn của các doanh nghiệp vận tải khi bắt phải đóng tiền trước vào thẻ trước. Không những vậy, chứng từ muốn đưa vào khấu trừ thuế phải hợp pháp và hợp lệ. Nhưng chứng từ tại các trạm thu phí BOT không dừng hiện nay không hợp lệ nên các doanh nghiệp không thể hoàn thuế. Trong khi khai thác chứng từ để đưa vào chi phí doanh nghiệp chiếm 8 -12%.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải phát triển, bà Phạm Thị Thúy Vân – Phó Giám đốc Makettting Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng quan trọng nhất là phải nhanh chóng có quy hoạch về logistics cho TP.HCM. “Năm 2018, cảng Cái Mép có 2,6 triệu Teus cần vận chuyển về TP.HCM nhưng hiện 80% vẫn phải đi đường thủy bằn sà lan. Thiếu quy hoạch các kho bãi logistics cộng với phí BOT quá cao khiến vận tải đường bộ bị mất lợi thế cạnh tranh”, bà Vân nói.

Ghi nhận những phản ánh của các doanh nghiệp vận tải hàng hóa TP.HCM, ông Trần Quang Lâm – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết thời gian qua TP đã rất quyết tâm xử lý tình trạng xe chở quá tải. Chỉ riêng trong năm 2018, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã phát hiện và xử lý 2.028 vụ việc vi phạm chở hàng quá tải trọng với số tiền xử phạt hơn 32 tỷ đồng.

Riêng các trạm cân đã phát hiện và xử lý 1.951 trường hợp vi phạm về chở hàng quá tải với số tiền xử phạt hơn 25,6 tỷ đồng. Cùng với đó, TP đang hoàn thiện đề án chiến lược phát triển logistics gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, có vấn đề quy hoạch lại bến bãi giành cho vận tải hàng hóa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang