Đảm bảo thông suốt
Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 02-9 năm nay rơi vào dịp cuối tuần nên người dân thường về quê, đi du lịch, nghỉ ngơi hoặc gặp gỡ bạn bè, người thân... và hay tổ chức ăn uống kèm theo rượu, bia. Anh Nguyễn Quang Thanh (ngụ Q.Bình Thạnh, TPHCM) cho biết: "Được nghỉ nhiều ngày nên tôi tranh thủ về quê thăm gia đình. Chắc sẽ tổ chức ăn uống và có bia, rượu, nhưng tôi chọn phương án đi đâu sẽ bắt xe ôm, taxi hoặc nhờ người không uống rượu, bia chở giúp cho an toàn". Tuy nhiên, cũng theo giãi bày của anh Thanh, nhiều lần uống rượu, bia vào không làm chủ được bản thân, tự lái xe, mất kiểm soát và không làm chủ tốc độ, nên rất cần người thân, gia đình, bạn bè, kiên quyết không cho điều khiển tay lái ra đường sau khi đã uống rượu, bia.
Kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện
Theo Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (CSGTĐB-ĐS) CATP, thời gian này cần huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và đề ra những giải pháp hiệu quả trong công tác bảo đảm TTATGT, giúp người dân lưu thông dịp lễ an toàn, thuận lợi nhất. Theo đó, CSGT TPHCM nói chung, các đơn vị đội, trạm thuộc phòng nói riêng sẽ đồng loạt ra quân, bố trí lực lượng đảm bảo TTATGT trên các tuyến đường, đặc biệt chú ý các tuyến cửa ngõ TPHCM. Bên cạnh đó, các đơn vị đội, trạm tăng cường bố trí các tổ tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về GT, trong đó chú trọng xử lý những hành vi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) như: vi phạm quy định về nồng độ cồn (NĐC), tốc độ, chở hàng quá khổ, quá tải, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu GT...
Trong những ngày nghỉ lễ và dịp cuối tuần, CSGT phối hợp với các lực lượng khác của CATP tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an ninh trật tự hoặc điều khiển phương tiện tham gia GT mà trong máu và hơi thở có NĐC. Tuy nhiên, để kéo giảm tối đa TNGT liên quan đến sử dụng rượu, bia, vấn đề mấu chốt chính là ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia GT của người điều khiển phương tiện. Hãy cùng thực hiện thông điệp "Không lái xe sau khi uống rượu bia" vì tính mạng, sức khỏe của chính mình và mọi người.
Bên cạnh đó, CSGT bố trí lực lượng trực quan sát hệ thống camera lắp đặt trên các tuyến đường và nắm thông tin trên các nhóm phản ứng nhanh tại các khu vực trên địa bàn thành phố, từ đó kịp thời kết nối với các lực lượng liên quan để giải quyết nhanh các sự cố về GT, giúp người dân di chuyển thuận lợi. Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị đội, trạm đảm trách địa bàn tăng cường bố trí lực lượng điều tiết GT, chủ động phân luồng, tránh để phương tiện tập trung đông di chuyển theo một hướng. Cảnh sát giao thông - CATP khuyến cáo người dân khi tham gia GT trong dịp lễ 2-9 cần nâng cao ý thức tự giác trong chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT, đặc biệt là sau khi đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện tham gia GT để bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và người khác.
Tập trung kiểm tra nồng độ cồn, ma túy đối với tài xế xe khách
Nhằm đảm bảo TTATGT trong và sau các ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, Phòng CSGTĐB-ĐS CATP đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ phụ trách các tuyến đường có bến xe (BX) khách, xe buýt chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của công an (CA) các quận huyện, TP.Thủ Đức và các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra NĐC, ma túy (MT) đối với đội ngũ lái xe khách trong và ngoài khu vực BX. Tại BX miền Đông (Q.Bình Thạnh), Đội CSGT Hàng Xanh phối hợp với Công an P26, Đội CSGT Q.Bình Thạnh và Trung tâm y tế P26Q.Bình Thạnh cùng Ban giám đốc BX miền Đông kiểm tra NĐC, MT các tài xế (TX) lái xe khách trước khi xuất bến.
Mới đây, qua kiểm tra ngẫu nhiên NĐC 14 trường hợp, trong đó kết hợp kiểm tra MT 3 trường hợp, lực lượng chức năng không phát hiện vi phạm. Việc kiểm tra NĐC, MT đối với các TX xe khách khi xuất bến được sự đồng tình, ủng hộ của chính các TX, doanh nghiệp kinh doanh vận tải và hành khách trên xe nhằm đảm bảo TTATGT. Được biết, cao điểm công tác kiểm tra MT, NĐC đối với TX xe khách được thực hiện từ nay đến hết ngày 04-9-2022, đây là một trong những hoạt động của cao điểm đảm bảo TTATGT trước, trong và sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 02-9 của lực lượng CSGT - CATP nhằm giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn.
Không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia
Tai nạn giao thông không chỉ gây thiệt hại về tài sản, mà hơn hết là những cái chết thương tâm và thương tật vĩnh viễn cho người tham gia GT, để lại nỗi đau đớn, ám ảnh dai dẳng đối với nhiều người, nhiều gia đình và xã hội. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn TPHCM xảy ra 44 vụ TNGT do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, làm 12 người chết, 37 người bị thương.
Một số vụ TNGT nghiêm trọng trên địa bàn TPHCM mà nguyên nhân do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia có thể kể đến như: Lúc 16 giờ 15 ngày 02-4-2022, L.T.Đ.K (SN 2002, ngụ TP.Thủ Đức) điều khiển môtô lưu thông trên đường Bình Quới, hướng từ Bến Đò về ngã tư Thanh Đa trong trạng thái say xỉn; khi đến trước nhà số 1129 Bình Quới, P28Q.Bình Thạnh thì xảy ra va chạm với ông N.V.H (SN 1966, trú Q.Bình Thạnh) đang đi bộ qua đường, làm ông H. chết tại chỗ; vụ TNGT xảy ra lúc 0 giờ 45 ngày 12-2-2022, N.C.L (SN 1996, quê Đồng Tháp) điều khiển môtô lưu thông trên đường Võ Chí Công hướng từ vòng xoay Phú Hữu về vòng xoay Mỹ Thủy trong tình trạng say xỉn. Đến trụ đèn số 5/7 đường Võ Chí Công, P.Bình Trưng Đông, TP.Thủ Đức, L. tự va vào dải phân cách bê - tông bên trái, chấn thương sọ não và vùng mặt.
Trước đó, 22 giờ 35 ngày 03-01-2022 tại nhịp 1 cầu Bình Triệu 2, Quốc lộ 13, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, V.Q.D (SN 1981, ngụ huyện Hóc Môn) điều khiển xe môtô lưu thông hướng từ đường Phạm Văn Đồng về Nguyễn Xí. Do say xỉn, D. không làm chủ được tay lái đã tự va vào thành cầu, dẫn đến chấn thương sọ não..