Giao thông trên Quốc lộ 1A, đoạn qua TPHCM: Nhích từng chút!

Thứ Bảy, 02/07/2022 15:18

|

(CATP) Quốc lộ 1A (QL1A) đi qua địa bàn TPHCM dài hơn 46km nối Bình Dương - Long An, do đặc thù đi qua địa bàn TPHCM không có đường tránh nên tuyến này phải xuyên tâm qua TP.Thủ Đức, các quận: 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, huyện Bình Chánh… có nhiều khu dân cư, hàng ngày xe cộ vẫn phải đi chung đường với phương tiện di chuyển hướng Bắc - Nam. Vì thế, tình trạng ùn tắc, quá tải, kẹt xe liên miên là điều thường xuyên xảy ra.

Phương tiện nối nhau ùn tắc

Không chỉ xảy ra kẹt xe vào các ngày cuối tuần hay dịp lễ Tết, thời gian gần đây tuyến QL1A đoạn qua TPHCM còn thường xuyên xảy ra tình trạng này vào những khung giờ bình thường. Đặc biệt, đoạn từ Ngã tư Đại học Nông lâm chạy dài tới nút giao thông (GT) An Sương - An Lạc là tuyến đường huyết mạch để các phương tiện vận tải di chuyển từ TPHCM đi các tỉnh Đông Nam bộ và miền Trung, miền Tây, miền Bắc. Tuy nhiên, do mật độ xe cộ lưu thông trên tuyến này rất cao, trong khi mặt đường chỉ có hai làn dành cho xe cơ giới nên mỗi khi có phương tiện xảy ra sự cố là toàn tuyến lại tắc! Không dừng lại đó, trên tuyến này còn có nhiều điểm giao cắt nên thường xảy ra ùn tắc nghiêm trọng. Có hôm, các phương tiện vận tải muốn đi qua TPHCM phải nối nhau nhích từng chút một và kéo dài nhiều ki-lô-mét.

Có mặt trên QL1A vào những ngày cuối tháng 6-2022, chúng tôi ghi nhận tuyến QL này đi qua địa bàn TPHCM chỉ có 2 làn dành cho xe cơ giới và 2 làn dành cho xe thô sơ mỗi chiều. Do đặc thù đoạn này có rất nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp (KCN), các doanh nghiệp vừa và nhỏ… tận dụng tuyến đường làm mặt tiền nên lượng phương tiện tham gia GT ra vào thường xuyên. Không dừng lại đó, QL1A là con đường độc đạo vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ nên tình trạng ùn tắc trên tuyến này chạy qua địa bàn TPHCM thường xuyên xảy ra.

Ôtô lấn làn, đi vào đường xe thô sơ trên Quốc lộ 1A rất nguy hiểm

Theo ghi nhận của chúng tôi, ùn tắc GT nghiêm trọng nhất là từ cầu vượt Linh Trung kéo dài tới nút GT An Lạc (Q.Bình Tân) và kéo dài đến huyện Bình Chánh, giáp ranh tỉnh Long An. Đoạn đường dài khoảng 22,6km nhưng lâu nay vốn là tuyến đường “đen” ở cửa ngõ phía Tây thành phố với hàng loạt điểm ùn tắc liền kề. Ngoài ra, đoạn này thường xuyên xuống cấp trầm trọng, luôn gây nguy hiểm, tiềm ẩn tai nạn cho người tham gia GT.

Ba giờ chiều một ngày cuối tháng 6, chúng tôi ghi nhận tại nhiều đoạn trên QL1A, lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa các loại từ hướng miền Tây về TPHCM tăng đột biến, hàng ngàn ôtô tải chở hàng lưu thông qua TPHCM ùn tắc nghiêm trọng. Ở chiều ngược lại, lưu lượng phương tiện hướng từ Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu… đổ về các tỉnh miền Tây, nhất là các loại ôtô tải hạng nặng cũng tăng lên rất nhiều, khiến GT qua địa bàn TPHCM ùn ứ nghiêm trọng nhiều ki-lô-mét.

Đoạn ùn tắc nghiêm trọng nhất là từ vòng xoay An Lạc về hướng các tỉnh miền Tây đến nút giao Bình Thuận (khu vực cầu vượt Nguyễn Văn Linh trên QL1A) dài khoảng 2,5km nhưng có tới ba điểm thường xuyên ùn tắc: một là ngay vòng xoay An Lạc, hai là khu vực ngã ba Dương Đình Cúc - QL1A và ba là ngã tư giao giữa QL1A - Nguyễn Hữu Trí - Hoàng Đạo Thúy. Đây là hai điểm nằm “cân đối” hai bên lên xuống cầu Bình Điền trên QL1A nên khi kẹt thì các loại ôtô tải thường phải nối nhau kéo dài gần 2km, nằm “vắt” ngang qua mặt cầu.

Trong khi đó, ở phía cầu Bình Điền hướng vào nội thành, cả chiều lên lẫn xuống cầu, mặt đường đều lỗ chỗ “ổ gà”, vũng nước ứ đọng. Đặc biệt là đoạn từ giao lộ Huỳnh Bá Chánh đến ngã ba Dương Đình Cúc kéo sát đến chân cầu Bình Điền, mặt đường ở cả hai chiều đi - về đều lún sụt, hư hỏng nặng và luôn ngập do nước mưa hoặc triều cường. Do nơi này nằm ngay khu vực Hãng phân Bình Điền có biểu tượng chiếc đầu trâu, nên người dân gọi luôn đây là “vũng trâu đằm” quanh năm suốt tháng.

Xe máy và ôtô phải nhích từng chút một trên Quốc lộ 1A

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các điểm giao cắt trên QL1A luôn có lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), trật tự giao thông (TTGT) và cảnh sát cơ động (CSCĐ) có mặt ở những điểm nóng như cầu vượt Bình Phước, Ngã tư Ga, vòng xoay An Lạc… điều tiết GT, nhưng do lượng phương tiện quá đông nên có lúc hướng đi từ miền Tây về TPHCM ùn ứ kéo dài nhiều ki-lô-mét. Một chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ tại vòng xoay An Lạc cho biết, nguyên nhân dẫn đến ùn ứ là do các phương tiện tham gia GT tăng cao và có nhiều điểm giao cắt hẹp trên QL1A tạo nên nút thắt cổ chai.

Thông thường tình trạng ùn tắc kéo dài trùng với thời điểm công nhân (CN) đi làm từ 6 giờ 30 sáng đến 10 giờ trưa và từ 3 giờ chiều kéo dài đến 7-8 giờ tối. Vào những thời điểm này, không chỉ một vài nút GT ùn tắc mà thường kéo dài thông suốt toàn tuyến. Theo đó, các phương tiện phải nối nhau nhích từng chút một trên QL1A.

Tắc ở các điểm giao cắt

Anh Nguyễn Văn Công - hành nghề xe ôm trước KCN Vĩnh Lộc - cho biết, tình trạng ùn tắc GT trước cổng KCN diễn ra thường xuyên, đặc biệt vào lúc sáng sớm hay chiều muộn. Do tuyến này đang được nâng cấp, sửa chữa, lắp đặt ống thoát nước nên các loại xe hai bánh cũng như các phương tiện khác phải đi vào đường ôtô cũng góp phần làm cho tình trạng ùn tắc thêm nghiêm trọng. Không dừng lại đó, chỉ cần một tai nạn nhỏ xảy ra trên đường cũng dẫn đến tình trạng trên. “Mới sáng sớm mà áo tôi đã ướt đẫm mồ hôi. Giờ kẹt xe trên đường vừa hít khói xe vừa lo trễ giờ làm, khổ sở vô cùng”, một thanh niên than vãn.

Đứng tại nút ngã tư KCN Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân), chúng tôi chứng kiến dòng phương tiện xếp thành hàng dài 2 - 3km gồm xe đạp, xe máy (XM), ôtô các loại phải đứng chôn chân kéo dài. Nhiều người sợ trễ giờ đi đón con đã bê cả xe máy qua dải phân cách để mong thoát kẹt. Tại cổng KCN Vĩnh Lộc có cả ngàn CN trễ giờ làm do kẹt xe, GT qua đây hỗn loạn. Một số người phải bê xe qua dải phân cách cố tìm đường thoát trước dòng người phía trước, nhưng cũng chỉ chạy được một đoạn ngắn rồi phải dừng lại.

Xe hai bánh phải lách qua đầu xe container để vượt lên

Trong khi đó, tại nút giao Gò Mây, Q.Bình Tân, TPHCM nằm trên QL1A ở điểm giao giữa đường Nguyễn Thị Tú - Lê Trọng Tấn với QL1A cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đây là hai tuyến đường kết nối vào hai KCN lớn là KCN Tân Bình và Vĩnh Lộc, nơi có mật độ xe qua lại lớn nên mỗi khi dừng đèn đỏ, dòng xe bị ùn lại, khi có cầu vượt sẽ tách được dòng xe gặp nhau ở nút giao nên giảm ùn tắc.

Bà Hoàng Thị Xính - bán giải khát ven đường - cho biết, mấy hôm trước đèn tín hiệu tại giao lộ QL1A - Nguyễn Thị Tú - Lê Trọng Tấn (thuộc ngã tư Gò Mây) không hoạt động, dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng kéo dài đến vòng xoay An Sương, Q12, cả ngàn phương tiện chen chúc trên đường. Càng về giờ cao điểm, lượng phương tiện đổ về đây càng đông khiến GT “tê liệt” hơn 5km. Xe tải, ôtô xếp thành hàng trên QL, không thể nhúc nhích; trong khi đó, làn đường dành cho XM cũng kẹt cứng! Một số XM cố thoát khỏi cảnh kẹt xe đã luồn lách qua các ô tô, quay đầu, leo lên vỉa hè nhưng cũng đành “chôn chân”!

Quốc lộ 1A đi qua địa bàn TPHCM kéo dài chưa đầy 50km nhưng khi qua địa phận TPHCM, tuyến này có tới hơn 30 điểm giao cắt đường ngang, hầu hết đều là nơi có đông phương tiện qua lại, chính vì thế ngay cả các phương tiện không dừng đỗ trên địa bàn TPHCM nhưng khi đi qua đây vẫn tốn nhiều thời gian. Theo số liệu khảo sát của một số doanh nghiệp, mỗi ngày có khoảng 55.000 ôtô (chưa kể xe máy, ba gác) lưu thông trên QL1A, nghĩa là mỗi phút có khoảng 30 phương tiện đi qua đây.

Nhiều CSGT của Đội Phú Lâm và An Sương chốt trực trên đường phân luồng, điều tiết GT cho biết, tình trạng GT ùn tắc thường xuyên xảy ra và kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Lưu lượng phương tiện từ các tỉnh miền Tây đi TPHCM và chiều ngược lại vào giờ cao điểm luôn tăng đột biến đã dẫn đến tình trạng ùn tắc trên. Không dừng lại ở đó, chỉ cần một tai nạn GT nhỏ, cả tuyến QL sẽ tắc nghẽn. Lực lượng CSGT đã phối hợp với Thanh tra GT có mặt tại hiện trường điều tiết GT. Do lượng phương tiện khá đông nên các tài xế phải đậu xe hàng ki-lô-mét, di chuyển khá chậm.

Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM, tuyến QL1 đi qua TPHCM (đoạn từ cầu Bình Phước đến Ngã tư An Sương - An Lạc) là một trong những "điểm nóng" về ùn tắc GT. Riêng đoạn từ vòng xoay An Lạc đến nút giao Bình Thuận dài khoảng 2,5km nhưng có tới ba điểm ùn tắc. Đây là 1/37 điểm GT còn tình trạng ùn tắc của thành phố, cần theo dõi liên tục. Riêng đoạn từ cầu vượt Bình Phước đến Ngã tư Ga thường xuyên ngập nước mỗi khi mưa lớn cũng ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện.

Bình luận (0)

Lên đầu trang