Những điểm nghẽn đi cùng năm tháng
Giờ cao điểm, nhiều tuyến đường tại phía Nam TPHCM như: Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Linh (quận 7), Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) luôn trong tình trạng quá tải. Chỉ trong vòng vài năm, trục đường Nguyễn Hữu Thọ nối huyện Nhà Bè với quận 7 mọc lên vô số chung cư cao tầng. Cùng với đó, khi một tòa căn hộ mọc lên thì kéo theo cả trăm chiếc ôtô lớn, nhỏ đi theo như một quy luật tất yếu.
Cứ giờ cao điểm sáng hoặc chiều, khu vực cầu Kênh Tẻ nối quận 7 với quận 4 để dẫn vào quận 1 như "chiếc áo quá chật" khi đoạn này bị thắt lại, các phương tiện mệt mỏi "bò” qua cầu từng mét một. Thường xuyên di chuyển qua đường Nguyễn Hữu Thọ, chị Trần Thị Thảo Vân (32 tuổi, ngụ quận 7) cho biết: "Vào buổi sáng, đường Nguyễn Hữu Thọ ùn tắc từ 7 giờ - 10 giờ, còn buổi chiều thường sẽ kẹt xe từ 17 giờ - 19 giờ 30". Gần về chiều, hàng trăm phương tiện xếp hàng dài, nhích từng chút một qua nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ để về huyện Nhà Bè.
Con đường Nguyễn Hữu Thọ phía huyện Nhà Bè mười năm trước còn vắng, nhưng nay là hàng chục chung cư mọc lên. Phương tiện giao thông từ đó cũng đông lên theo cấp số nhân, lũy tiến mà đường Nguyễn Hữu Thọ lại không "nở ra được". Quy hoạch đô thị bị chậm lại so với mức độ phát triển dân số nên hạ tầng không thể đáp ứng được. Chuyện kẹt xe từ đó mà phát sinh.
Giao lộ Trường Chinh - Tân Sơn Nhì
"Nút cổ chai" cuối đường Vạn Kiếp, P3, Q.Bình Thạnh
Đường Trường Chinh đoạn qua Q.Tân Bình "nổi tiếng" kẹt xe trong nhiều năm qua vì đường quá hẹp, lưu lượng lại rất đông. Từ đường Cộng Hòa đến nút giao thông An Sương có 10 làn xe lưu thông, thì đoạn đường Trường Chinh - Âu Cơ - Tân Kỳ - Tân Quý dài 700 mét, mặt đường bị "bóp lại" chỉ còn dành cho 4 làn xe lưu thông. Không chỉ người từ An Sương về ngã tư Bảy Hiền ngán ngẩm qua đoạn đường này mà chiều ngược lại từ trung tâm TP ra cũng mệt mỏi không kém. Dòng xe phải xếp hàng chờ dưới ánh nắng gay gắt, khói bụi và tiếng động cơ nổ rền hàng chục phút mới qua được quãng đường ngắn.
Từ 6 giờ 30 sáng, đoạn đường Trường Chinh hướng từ cầu Tham Lương về ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình) nhiều năm qua là nỗi khiếp đảm với mọi người. Từ các con đường nhánh như: Bàu Cát, Hoàng Hoa Thám, Tân Sơn Nhì... đều đổ ra trục chính này, ai nấy nhễ nhại mồ hôi chen lấn vật vã. Thế nhưng dự án mở rộng đường thì cứ loay hoay hết năm này qua năm khác. Dù lực lượng cảnh sát giao thông túc trực thường xuyên từ sáng sớm, song mặt đường thì quá hẹp, mật độ xe cộ lại quá lớn khiến những nỗ lực này chỉ đáp ứng phần nào so với nhu cầu thông thường.
Thường xuyên đi qua đoạn đường này, luật sư Nguyễn Thị Sinh (Đoàn Luật sư TPHCM) ngán ngẩm: "Cứ vào giờ cao điểm sáng và chiều thì đoạn "nút thắt cổ chai" góc Trường Chinh - Tân Sơn Nhì là vô cùng khó khăn. Mỗi khi có công việc, tôi chỉ còn cách đi thật sớm, phải ra khỏi nhà từ trước 6 giờ sáng mới mong thoát kẹt xe!".
Năm 2010, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 TPHCM đã trình 2 dự án có tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, gồm dự án mở rộng nút giao thông Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý - Cộng Hòa và dự án nút giao thông Trường Chinh - Âu Cơ để giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực trên. Thế nhưng, đến nay dự án này vẫn chưa được đưa vào kế hoạch cấp vốn đầu tư. Trong khi đó, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết đang có kế hoạch đền bù giải tỏa đoạn Trường Chinh có lộ giới 35m trên để xây dựng nhà ga metro Bà Quẹo của tuyến metro số 2 Bến Thành (Q.1) - Tham Lương (Q.12), nên người dân chỉ còn biết... chờ!
Quận Bình Thạnh trước đây có nhiều điểm "thắt cổ chai", nhưng đến nay kẹt xe nghiêm trọng nhất chỉ còn điểm cuối đường Vạn Kiếp nối từ đường Phan Đăng Lưu thông ra khu Miếu Nổi (P3) và đường Phan Xích Long (P2 và P7, quận Phú Nhuận). Tại điểm giao cắt này vẫn còn một số căn nhà nhô ra mặt đường, khiến con đường đẹp bị biến dạng, cong veo và tất nhiên là gián tiếp gây kẹt xe.
Nhiều gia đình sống hai bên đường Bùi Đình Túy cho biết, trước kia chưa tháo dỡ nhà cửa, mở rộng mặt bằng, khúc đường này kẹt xe như cơm bữa. Chỉ một đoạn ngắn chừng 200 mét nhưng nhiều khi phải mất cả giờ, người lưu thông mới qua khỏi nút thắt. Nay hai bên đường mới giải tỏa, dọn dẹp mặt bằng đã thấy thông thoáng, tình trạng kẹt xe giảm nhiều. Đây chính là điển hình của câu chuyện về sự đồng lòng của chính quyền và người dân, cùng hiến đất mở rộng đường nhằm giảm ùn tắc, bớt kẹt xe.
Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây hay kẹt xe
"Nút cổ chai" đường Bùi Đình Túy, Q.Bình Thạnh đã được khơi thông
Các cửa ngõ chờ khơi thông
Ngoài nạn kẹt xe kinh hoàng ở nhiều tuyến đường, tại các cửa ngõ vào thành phố, tình hình giao thông cũng không khá hơn. Dễ dàng nhận thấy nhất là cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đi qua TPHCM và Đồng Nai, khai thác giai đoạn 1 năm 2015 với tổng mức đầu tư 20.600 tỷ đồng.
Những năm gần đây, tuyến cao tốc này không chỉ quá tải vào các dịp lễ, Tết do lượng xe tăng cao mà ngày thường cũng rất tệ hại. Nguyên nhân chính là các phương tiện đi từ các hướng: Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt... đều "tập hợp" vào đây, gây ra tình trạng ùn tắc liên miên.
Chuyện kẹt xe tại điểm cuối cao tốc xảy ra mỗi ngày, có khi kẹt cả vài giờ đồng hồ, các phương tiện chỉ biết nhích từng mét. Trên hệ thống báo kẹt xe của các bác tài liên tục xuất hiện tín hiệu màu đỏ (kẹt xe dài). Với tài xế giỏi địa bàn thì họ còn rành rẽ chọn hướng đi qua vòng xoay Liên Phường, hay rẽ vào đường Đỗ Xuân Hợp (P.Phước Long B, TP.Thủ Đức), còn không thì chỉ biết ngậm ngùi chờ nhích từng centimet.
Tại điểm cuối đường dẫn cao tốc là ngã tư An Phú (TP.Thủ Đức) hiện quá nhỏ so với nhu cầu hằng ngày khi lượng ôtô quá lớn đổ về. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ mở rộng tuyến cao tốc này từ 4 lên 8 làn xe đoạn dài gần 24km, từ nút giao An Phú đến vị trí giao dự kiến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Đồng Nai). Phần còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây, dài 31km giữ nguyên 4 làn như hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay do thiếu cầu vượt, hầm chui nên chuyện kẹt xe đã trở thành cực hình đối với cánh tài xế mỗi khi phải di chuyển trên cao tốc hướng từ Đồng Nai về TPHCM.
Tương tự, QL1A đoạn qua Bình Chánh nhỏ hẹp nên ôtô, xe máy đang phải chạy hỗn hợp, chưa thể lắp dải phân cách. Đoạn quốc lộ này cũng là tuyến huyết mạch ở cửa ngõ phía Tây TPHCM, mật độ xe cao và đang liên tục gia tăng nên thường xuyên ùn tắc, nhất là các dịp lễ, Tết. Từ hướng miền Tây về TPHCM, dù có đại lộ Nguyễn Văn Linh "chia lửa" nhưng con đường này cũng thường xuyên ùn tắc vì xe conteiner, xe tải...
Dự án mở rộng QL1A từ đoạn nút giao Tân Kiên đến nút giao Bình Thuận (huyện Bình Chánh), dài 2,5km, mở rộng lên 120m. Trong đó, sẽ xây dựng 10 làn xe và làm vỉa hè hai bên, để lại một phần đất dự trữ. Dự án có tổng mức đầu tư 3.353 tỷ đồng. TPHCM đang cân đối vốn để sớm triển khai dự án, giúp tháo điểm nghẽn ùn tắc cho tuyến huyết mạch ở cửa ngõ phía Tây.
Trong khi đợi rót vốn để mở rộng, ngay lúc này cơ quan chức năng cần sớm xây dựng các nút giao thông, cầu vượt, hầm chui tại các tuyến đường nội đô và điểm nghẽn của cao tốc với sự đồng thuận của người dân. Song song đó là việc mở rộng cao tốc, quốc lộ, và tháo gỡ các "nút thắt cổ chai" cố hữu. Có như thế, đường sá tại thành phố mới không "lỡ hẹn" với sự phát triển tăng vọt của các dòng xe lăn bánh và thúc đẩy kinh tế phát triển đi lên.