Vé máy bay Tết "tăng tốc"

Thứ Tư, 09/11/2022 09:09  | An Hoà

|

(CATP) Mặc dù còn hơn hai tháng mới đến Tết Nguyên đán 2023 nhưng giá vé máy bay đang tăng theo từng ngày. Trong khoảng thời gian từ ngày 16-01 đến 27-01 (nhằm ngày 25 tháng chạp đến 6 tháng giêng) là dịp bùng nổ, "cháy vé” khi hàng triệu người săn lùng vé Tết suốt thời gian qua. Dù chưa có thời gian nghỉ Tết cố định nhưng do tâm lý sợ hết vé khiến nhiều hành khách đứng ngồi không yên.

Đến hẹn lại lên

Tuyến bay TPHCM - Hà Nội ngày 20-01-2013 (nhằm ngày 29 tháng chạp) hứa hẹn cao điểm mùa Tết Nguyên đán này. Riêng Vietnam Airlines (VNE) khai thác hơn 30 chuyến bay, chuyến sớm nhất bắt đầu từ 5 giờ sáng và chuyến muộn nhất là 11 giờ đêm cùng ngày. Giá vé phổ thông linh hoạt hiện nay là 3,526 triệu đồng, giá vé hạng thương gia là 9,442 triệu đồng, đã bao gồm thuế phí. Tuyến bay này chủ yếu khai thác bằng máy bay Boeing B787. Trong khi đó, hãng Pacific Airlines (do hãng VNE liên doanh) cũng có giá vé đồng chuyến, nhưng sử dụng dòng máy bay Airbus A320.

Là một trong những chặng bay đông nhất nước, tuyến TPHCM - Bình Định ngày 18-01-2023 (nhằm ngày 27 tháng chạp) giá vé được niêm yết trên app của VNE là 2,446 triệu đồng/người/lượt, đã bao gồm thuế phí trong khi hạng thương gia là 4,673 triệu đồng/người/lượt.

Chúng tôi thử đặt chuyến trưa, khởi hành lúc 11 giờ 25 phút của hãng Pacific Airlines (do hãng VNE liên doanh) cũng có giá vé đồng chuyến là 2,446 triệu đồng. Trên app của các ngân hàng có dịch vụ mua vé máy bay thì trên tuyến này có hơn 10 chuyến bay một ngày bao gồm: Vietjet (VJ), VNE, Bamboo Airways và "tân binh" Vietravel Airlines (VU), giá vé dao động chỉ 1,7 đến 1,8 triệu đồng nhưng cộng thuế phí thì mỗi vé dao động từ 2,4 đến 2,5 triệu đồng/người/lượt. Riêng vé VJ và VU chỉ được xách tay 7kg, nếu thêm kg thì phải tốn phí. Trong khi đó, vé của VNE được gửi miễn phí 23kg, được xách tay 7kg. Ở chiều ngược lại, Bình Định - TPHCM ngày 27-01-2023 (nhằm mồng 6 tháng giêng), hiện vé của VNE y hệt như thời điểm trước Tết.

Với chặng TPHCM - Thanh Hóa dịp trước Tết, giá vé thấp nhất của VNE là 3,5 triệu đồng/vé một chiều nhưng đã "hết vé” hạng phổ thông từ ngày 17-01 đến 19-01-2023, chỉ còn hạng thương gia 5,6 triệu đồng/vé. Tương tự, giá vé bay VJ và Bamboo Airways từ 2,8 đến 3,2 triệu đồng/vé. Nếu mua hành trình khứ hồi, ít nhất tốn 5 đến 7 triệu đồng. Theo các đại lý, nhiều đường bay có lượng khách lớn gồm: Hà Nội - TPHCM, TPHCM - Đà Nẵng, TPHCM - Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Huế, chủ yếu là khách về quê, thăm thân nhân.

Sân bay Nội Bài (Hà Nội) luôn đông đúc

Theo Cục Hàng không Việt Nam, đến nay các hãng bay trong nước đã xây dựng kế hoạch bay Tết, với dự kiến sẽ khai thác 25.613 chuyến bay và dự kiến tăng thêm 32% (từ 25.613 chuyến lên 33.691 chuyến). Các chuyến bay trung bình/ngày tăng 261 chuyến/ngày (từ 826 lên 1.087 chuyến). Ghế cung ứng tăng 1,6 triệu ghế, tương đương 33% (từ 5,1 triệu lên 6,7 triệu ghế). Trung bình, ghế cung ứng tăng 53.900 ghế/ngày (từ 163.000 lên 216.900 ghế).

Chị Trần Thị Thu Sương (40 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) bức xúc: "Thời buổi khó khăn, kinh tế lạm phát, nhưng giá vé máy bay Tết năm nay không giảm đồng nào mà còn cao hơn năm ngoái những 20%. Năm ngoái, tôi đi về miền Trung giá vé chừng 2,2 triệu đồng nhưng nay đã gần 2,5 triệu đồng/người/lượt. Nếu cả nhà đi bốn người thì mất khoảng 20 triệu đồng".

Đúng như nữ hành khách này nhận xét, giá vé máy bay Tết năm nay tuy bán sớm từ tháng 9, tháng 10 nhưng giá rất "chát". Dù mua sớm vài tháng nhưng cũng không có giá vé rẻ mà chỉ đồng giá (phổ thông linh hoạt). Một số người chủ động nguồn tiền thì "nhắm mắt mua luôn" cho xong chuyện, thế nhưng nhiều người vẫn còn chần chừ vì chưa biết Tết này có tiền thưởng hay không do doanh nghiệp mà mình đang làm việc đang gặp nhiều khó khăn.

Sợ nhất trễ chuyến

Năm nào câu chuyện vé máy bay Tết tăng giá, mua sớm kẻo hết... cũng khiến hàng triệu người lo lắng. Bên cạnh đó, chuyện vật vã ở sân bay do máy bay delay (trễ chuyến) luôn là sự ám ảnh đối với nhiều hành khách. Cảnh tượng người già, trẻ em lê lết ở khu vực chờ ra cửa máy bay, ngồi bệt trên sàn nhà trong khi ghế ngồi thì đã kín chắc chắn sẽ lặp lại khi các sân bay sẽ tái diễn điệp khúc quá tải vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.

Hình ảnh người dân vật vờ mới về đến nhà sẽ không còn là cảnh lạ trong mùa Tết. Điều này rất cần các hãng bay khai thác tuyến bay đúng giờ, hạn chế tình trạng trễ chuyến mới có thể chuyên chở hàng triệu hành khách từ TPHCM ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc, Tây nguyên và miền Tây. Nhà chức trách như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam lúc này cần có động thái và chế tài với các hãng bay, tránh chuyện "mất bò mới lo làm chuồng".

Hy vọng chuyến bay không bị delay

Nhớ lại mùa Tết năm ngoái, vào ngày 29 Tết, anh Nguyễn Thanh Vũ (42 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TPHCM) cùng vợ dắt díu hai con nhỏ về quê Quảng Nam ăn Tết mà ai cũng còn "ớn lạnh". Vì không có tiền mua vé máy bay của các hãng lớn, anh Vũ mua vé cho bốn người của một hãng máy bay giá rẻ. Từ sáng sớm, cả nhà anh Vũ đã dậy chuẩn bị ra sân bay để về nhà sum họp với ông bà. Tại sân bay, cả nhà anh vạ vật trên ghế chờ để bay chuyến lúc 15 giờ.

Tuy nhiên, máy bay delay, cả nhà anh Vũ và hàng trăm người khác đợi đến 17 giờ rồi 19 giờ thì mới được lên máy bay. Về đến quê nhà ở miền Trung khi tối mịt, cả nhà anh Vũ thảng thốt và quá mệt mỏi, riêng mấy đứa nhỏ muốn xỉu vì cả buổi lê lết. Riêng tiền ăn bữa chiều tối trước khi lên máy bay còn mất thêm vài trăm nghìn đồng và quan trọng hơn cả là thời gian chờ đợi mỏi mòn trong khi người thân thì mong ngóng từng phút.

Hiện nay, chế tài với các chuyến bay trễ giờ còn quá thấp. Ví dụ, trễ chuyến từ 2 giờ trở lên, hãng bay chỉ cần bồi thường... một chai nước suối, từ 4 giờ trở lên thì là một bữa ăn nhẹ. Trong khi đó, thiệt hại về thời gian, công việc, công sức... của hành khách thì tổn thất hơn rất nhiều. Do đó, nếu nhà chức trách không quyết liệt chấn chỉnh các hãng hay trễ chuyến thì hành khách còn thiệt thòi khi mà hãng bay luôn biện bạch: "Vì máy bay đến giờ" hay "sự cố kỹ thuật"...

Mùa bay Tết hàng năm, các sân bay từ lớn đến nhỏ trong cả nước đều quá tải vì hạ tầng chưa đồng bộ, chưa theo kịp lượng du khách quá lớn khi có nhiều hãng cùng khai thác. Hiện nay trừ ba sân bay lớn như: Tân Sơn Nhất (TPHCM), Nội Bài (TP.Hà Nội), Đà Nẵng đều làm thủ tục trực tuyến (checkin online) trên mạng trước một ngày khởi hành thì các sân bay còn lại như: Cam Ranh (Khánh Hòa), Liên Khương (Lâm Đồng), Phù Cát (Bình Định)... chỉ còn biết chờ đợi. Những điều này gây ra sự bất tiện vô cùng cho "thượng đế” khi phải xếp hàng dài dằng dặc, lỉnh kỉnh đồ đạc cùng trẻ em chờ đến lượt để được làm thủ tục. Bên cạnh đó, một số sân bay còn không có máy pos để hành khách tự làm thủ tục, tự in vé cho nhanh.

Giá dịch vụ tăng cao

Ngoài ám ảnh trễ chuyến, xếp hàng đợi làm thủ tục, nhiều "thượng đế” vẫn ngán ngẩm với giá cả thức ăn, đồ uống tại các sân bay. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, có nhà hàng bán tô cháo bò bằm, lèo tèo ít cháo có giá 84 nghìn đồng, trong khi các món khác đều dao động trên dưới 100 nghìn đồng..

Tại sân bay Phù Cát (Bình Định) đang được kiến nghị Bộ Giao thông vận tải "lên hạng" là cảng hàng không quốc tế, dù là một địa phương tại miền Trung nhưng giá cũng không thua kém gì so với các sân bay lớn như Nội Bài hay Tân Sơn Nhất. Giá một tô phở, tô bún cũng 70 nghìn đồng là quá cao so với thu nhập của người dân địa phương.

Tại sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), giá cả niêm yết rõ ràng, cơm chiên giá 65 nghìn đồng, bánh mì dao động từ 45 đến 75 nghìn đồng, combo phở và dừa tươi là 110 nghìn đồng...

Ai cũng có tâm lý mùa Tết nên chấp nhận giá cao của thực phẩm tại các sân bay song một chai nước suối, một ổ bánh mì giá 50 đến 60 nghìn đồng không phải là "dễ chịu" với người thu nhập thấp. Trong khi đó, khẩu hiệu của ngành hàng không là mọi người đều được bay. Điều nghịch lý lâu nay vẫn diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm tại các sân bay, rất mong cơ quan chức năng quan tâm, xử lý cho người dân được nhờ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang