Muôn nẻo vi phạm
Tối 05/02 vừa qua, tài xế T.Q.T (30 tuổi, quê Trà Vinh) lái xe tải mang biển số 84C-055.83 chạy trên cao tốc TPHCM - Trung Lương, hướng Tiền Giang về TPHCM. Khi đến địa phận huyện Bến Lức (Long An), xe tải bất ngờ va chạm với xe máy mang BS: 54K4-0215 do ông T.H.V (61 tuổi, quê Cà Mau) cầm lái, chạy ngược chiều trên cao tốc. Cú va chạm khiến người đàn ông văng xa 10m, tử vong tại chỗ. Giao thông hướng miền Tây về TPHCM ùn tắc kéo dài. Đơn vị quản lý đường cao tốc và Cục CSGT đã đến xử lý hiện trường, làm rõ nguyên nhân tai nạn.
Dù đã được cảnh báo, nhưng tình trạng người đi xe máy ngược chiều vẫn xảy ra không chỉ trên cao tốc mà còn nhan nhản trên nhiều tuyến đường từ trung tâm ra ngoại thành tại TPHCM. Mỗi ngày, cạnh bờ kè đường Hoàng Sa (P11, Q3), nhiều bác tài xe máy, xe ôm công nghệ vẫn thản nhiên chạy ngược chiều với tốc độ cao, gieo rắc vô số nguy hiểm cho người đi đúng làn đường theo quy định.
Tương tự, tại đầu cầu Điện Biên Phủ (P15, Q.Bình Thạnh), nhiều nhóm xe máy bất chấp nguy hiểm, đi ngược chiều từ hướng bờ kè đường Trường Sa để lên phía đường Điện Biên Phủ. Trên đường Bạch Đằng (P14, Q.Bình Thạnh) chỉ trong vài phút, chúng tôi đã ghi nhận hàng loạt xe máy đi ngược chiều cho nhanh, trong đó có cả thanh niên, phụ nữ... Trên khắp các tuyến đường, hành vi vi phạm này vẫn diễn ra thường xuyên, mỗi ngày.
Chạy ngược chiều cạnh bờ kè đường Hoàng Sa (P11, Q3)
Chị Nguyễn Thu Thủy (40 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) chia sẻ: "Ngày nào đi làm tôi cũng chứng kiến việc đi ngược chiều. Có trường hợp đã vi phạm mà còn phóng như bay, va quẹt cả vào người đi đúng hướng. Khi có chốt CSGT, họ lập tức quay đầu xe, chạy đúng làn đường quy định, nhưng khi nhà chức trách rút đi thì tình hình vẫn y như cũ. Ý thức này quá kém!".
Ngoài cố tình chạy ngược chiều, trên nhiều tuyến đường, tình trạng chạy xe máy trên vỉa hè vẫn diễn ra thường nhật. Tại giao lộ Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu (Q3), nhiều xe máy ung dung chạy trên vỉa hè để quẹo phải vào đường Võ Thị Sáu, hướng từ ngã tư Phú Nhuận vào trung tâm Q3. Tới ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai (Q3), một chiếc xe máy leo lên vỉa hè, lập tức nhiều xe máy khác cũng "phi" lên. Cách đó không xa, góc đường Cách Mạng Tháng Tám hướng về ngã 6 Phù Đổng (P.Bến Thành, Q1) là nút giao của 6 con đường gồm: Nguyễn Thị Nghĩa, Phạm Hồng Thái, Lý Tự Trọng, Cách mạng Tháng 8, Lê Thị Riêng và Nguyễn Trãi, cũng có nhiều xe máy leo lên vỉa hè để chạy... cho nhanh. Điều này gây nguy hiểm cho người đi bộ, hư hỏng vỉa hè, vi phạm luật giao thông, gây mất mỹ quan đô thị.
Trên nhiều tuyến đường tại trung tâm như: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lý Tự Trọng (Q1), Pastuer, Nguyễn Đình Chiểu (Q3)... dù địa phương đã phải lắp các cọc rào để ngăn chặn nạn xe máy chạy bừa bãi trên vỉa hè, song có người vẫn cố tình chạy "được đoạn nào thì hay đoạn ấy". Đến khi vướng cọc rào, họ lại cho xe xuống lòng đường chạy tiếp mặc những ánh nhìn khó chịu của người tham gia giao thông.
Xe máy "quá đát" trên đường Thích Quảng Đức (Q.Phú Nhuận)
Ngoài ra, không khó để bắt gặp những chiếc xe máy chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy hiểm cho những người đang lưu thông khác. Trưa cuối tháng 5, chúng tôi ghi nhận trên đường Phan Đăng Lưu, Phan Xích Long, Thích Quảng Đức... (Q.Phú Nhuận) có rất nhiều xe ba gác máy chở hàng cồng kềnh là sắt thép phục vụ các công trình xây dựng nhà ở. Nhiều chiếc xe máy đã trở thành "pháo đài bay" trên đường. Hàng hóa chất cao đến mức khó có thể nhìn thấy người lái từ phía sau. Cảnh tượng hãi hùng này thường xảy ra tại các quận ven như: Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh... Ngoài xe máy trực tiếp chở hàng, "đội quân" xe máy gắn thêm rờ-moóc phía say hay ba gác máy cũng là nỗi ám ảnh thường trực của người dân khi lưu thông trên đường. Các tay lái trẻ phóng như điên trên đường, va quẹt đủ loại phương tiện. Khi bị CSGT thổi phạt thì xin xỏ đủ điều, mong được bỏ qua vì chỉ là người làm công. Trong khi đó, giá trị chiếc xe máy tồi tàn đôi khi chỉ có vài triệu đồng.
Cần tăng mức phạt
Luật sư Nguyễn Thị Sinh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, quy định xử phạt vi phạm hành chính lỗi đi ngược chiều với ôtô, xe máy được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) là phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "cấm đi ngược chiều", bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. Phạt tiền từ 4.000.000 - 5.000.000 đồng đối với hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "cấm đi ngược chiều" nếu gây ra tai nạn giao thông. Ngoài ra, còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2 - 4 tháng.
Dù đã có mức chế tài nặng với hành vi đi ngược chiều (trong cả 2 trường hợp không gây ra tai nạn và cả gây ra tai nạn), nhưng tình trạng muốn đi cho nhanh vẫn diễn ra nhan nhản, nhất là trong giờ cao điểm chiều tối. Nhiều trường hợp khi bị thổi phạt đã nại ra hàng loạt lý do chống chế như: "Nhà gần đây", "khỏi mất công đi vòng"... gây khó khăn trong việc xử phạt của nhà chức trách.
Với hành vi đi xe máy trên vỉa hè, điểm g khoản 3 Điều 6 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, xe máy đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; điều khiển xe đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà) bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng.
Mức phạt đối xe máy chở hàng cồng kềnh theo điểm k khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng. Ngoài bị xử phạt hành chính, người vi phạm còn có thể bị tước bằng lái xe từ 2 - 4 tháng, căn cứ theo quy định tại khoản 2 điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm. Hiện nay, người vi phạm có thể tra cứu và nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến thông qua cổng dịch vụ công quốc gia theo địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-thanh-toan-vi-pham-giao-thong.html.
Tuy nhiên, mức phạt hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe người vi phạm nên tình trạng chạy ngược chiều, "cướp" vỉa hè để chạy xe máy và chở hàng cồng kềnh vẫn diễn ra mỗi ngày. Theo chúng tôi, trong các Nghị định sắp tới, cơ quan chức năng cần tăng mức xử phạt, chế tài thật cao để tránh tình trạng "nhờn luật". Vì đây là các lỗi hành vi có thể gây ra nguy hiểm, tai nạn giao thông, thậm chí là chết người. Ở một đất nước hay một đô thị hiện đại thì mức phạt "đánh" vào kinh tế phải thật cao để không tái diễn tình trạng vi phạm. Quan trọng hơn cả là ý thức tham gia giao thông của từng người trên đường.