KHỞI CÔNG RỒI... ĐỂ ĐÓ
Để giải quyết một điểm "thắt cổ chai" trên đường Lê Trọng Tấn và chia tải cho đường Trường Chinh, tháng 7-2017, TPHCM khởi công xây dựng cầu Bưng mới bắc qua kênh Tham Lương thuộc địa bàn 2 quận Tân Phú và Bình Tân. Cầu có tổng chiều dài 560m, trong đó phần cầu dài 212m; đường dẫn và đường dân sinh hai bên cầu 630m, đáp ứng 6 làn xe. Việc xây dựng cầu sẽ mở rộng đường Lê Trọng Tấn phía Q.Bình Tân từ 7m lên 30 - 40m và đường phía Q.Tân Phú được mở rộng từ 30 - 35m. Dự án có tổng mức đầu tư 514,5 tỷ đồng, trong đó 108 tỷ đồng đền bù giải tỏa do Khu quản lý Giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành sau 20 tháng thi công nhưng đến nay, công trình này bị bỏ ngang giữa chừng.
Sau hơn 5 năm kể từ ngày động thổ, cầu Thủ Thiêm 2 đang phải ngừng thi công
Hiện tại, phần xây dựng cầu Bưng ở phía Q.Bình Tân mới hoàn thiện một số hạng mục như: dầm cầu, đường dẫn và mố cầu, còn phần cầu phía Q.Tân Phú vẫn chưa hoàn thành, nhiều "lô cốt" dựng lên gây cản trở giao thông. Trên công trường ngổn ngang bê-tông nằm phơi mình giữa nắng mưa, sắt thép, vật liệu xây dựng bị gỉ sét, công nhân xây dựng không còn, công trường trở nên im lìm vắng vẻ.
Đường Lê Trọng Tấn là một trong các cửa ngõ vào trung tâm thành phố, lại nằm gần khu công nghiệp Tân Bình nên vào giờ cao điểm, lượng công nhân, viên chức, học sinh - sinh viên ùn ùn đổ đi làm, đi học nhưng bị nhiều "lô cốt" cầu Bưng cản trở khiến giao thông tắc nghẽn liên tục, nhiều lúc hỗn loạn. Dự án cầu Bưng chậm là do chưa thống nhất về tính pháp lý và đơn giá áp bồi thường, hỗ trợ, trong đó có việc bồi thường, hỗ trợ cho 2 doanh nghiệp trong khu Công nghiệp Tân Bình, thuộc diện giải tỏa một phần là Công ty TNHH Hwata Việt Nam và Công ty Cổ phần bánh Givral chưa được giải quyết.
Được khởi công từ đầu năm 2018, theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT giữa thành phố và Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO), cầu Tân Kỳ - Tân Quý, dài 83m, rộng 16m, đoạn dẫn dàn 225m bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát (Q.Bình Tân) có vốn đầu tư 312 tỷ đồng, sau đó nâng lên 668 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2018 hoàn thành. Thế nhưng hết thời hạn trên, cây cầu này chỉ hoàn thành 70% khối lượng công việc rồi tiếp tục "trùm mền" từ đó đến nay và chưa biết khi nào hoàn thành.
Hoàn thành tới 70% khối lượng công trình, nhưng cầu Bưng bắc qua kênh Tham Lương phải chịu cảnh "đắp chiếu"
Gần 2 năm nay, công trình cầu Tân Kỳ - Tân Quý gần như bỏ hoang, không còn máy móc thiết bị và công nhân xây dựng. Văn phòng làm việc của công trình đóng cửa im ỉm, rào chắn xung quanh công trình bị rỉ sét, xiêu vẹo, tờ rơi, quảng cáo dán chằng chịt trông lem luốc. Gạch đá, bê-tông, phơi nắng mưa ngả màu bạc phếch; sắt thép bị rỉ sét nằm ngổn ngang. Do công trình xây dựng dang dở, người dân buộc phải đi qua 2 cầu sắt bắc tạm hai bên. Cầu được xây dựng tạm bợ, ọp ẹp nhưng phải gồng gánh lượng xe cộ nườm nượp qua lại khiến giao thông thường xuyên ùn ứ.
Để giải quyết nạn kẹt xe, khoảng 20 năm trước, TPHCM có chủ trương xây dựng cầu Long Kiểng mới (huyện Nhà Bè), nhưng phải đến tháng 8-2018 chủ trương này mới được thực hiện. Cầu Long Kiểng mới dài 318m, rộng 15m, đường dẫn hai đầu dài 661m, tổng vốn đầu tư 557 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành vào tháng 11-2019. Dự kiến là vậy, nhưng sau khi thi công xong 7 trụ cầu, đến nay đã quá hạn hơn một năm, cây cầu này phải chịu cảnh "trùm mềm".
Mấy tháng nay, trên công trường không một bóng công nhân và máy móc thi công. Xung quanh, nhiều đoạn rào chắn nằm xiêu vẹo bị dán đầy tờ rơi quảng cáo, mố cầu và các đường dẫn bị xây dựng dang dở, đất đá, vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang, hàng ngày, bà con vẫn phải nơm nớp đi qua chiếc cầu cũ ọp ẹp, "thắt cổ chai". Anh Nguyễn Quang Vinh, ngụ xã Phước Kiểng bức xúc: "Lúc cầu Long Kiểng khởi công, bà con ai cũng vui mừng phấn khởi vì sắp có cầu mới, nhưng hơn một năm nay, công trình này đình trệ khiến ai nấy hụt hẫng. Mỗi khi có chiếc xe lớn chạy qua là chiếc cầu rung lên bần bật, kẹt xe triền miên, học sinh trễ giờ học, người lớn trễ giờ làm rất khổ sở".
Đặt mục tiêu hoàn thành vào tháng 4-2018, nhưng đến nay đã quá hạn hơn 2 năm, cầu Nam Lý có vốn đầu tư 857 tỷ đồng, mới thi công được 39% khối lượng công trình và chịu cảnh "trơ gan cùng tuế nguyệt". Lúc xây dựng, cầu Nam Lý kỳ vọng gỡ nút thắt cho cầu Cống đập Rạch Chiếc - vốn nhỏ hẹp và xuống cấp, giúp kết nối giao thông các quận 2, 9, Thủ Đức. Nhiều năm nay, công trường cầu Nam Lý im lìm, nhà thầu rút thiết bị máy móc và nhân công đi, hiện trường còn lại là những khối trụ bê tông và nhịp cầu xây dựng dang dở, sắt thép lộ thiên bị hoen rỉ, rất xấu xí. Nhiều hạng mục đang xuống cấp do bị bỏ hoang nhiều năm. Dưới chân cầu, nhiều "lô cốt" nằm chình ình giữa đường, xung quanh là các rào chắn bị rỉ sét, xiêu vẹo, gây cản trở giao thông nghiêm trọng. Vật liệu xây dựng, gạch đá, rác rưởi nằm ngổn ngang, trông nhếch nhác, luộm thuộm, nắng bụi, mưa sình.
Cách đó không xa, cầu Tăng Long bắc qua rạch Trau Trảu trên đường Lã Xuân Oai cũng đang thi công dang dở. Theo thiết kế, cầu dài 231m, tổng chiều dài toàn tuyến 790m, đáp ứng 4 làn xe và có lề bộ hành hai bên. Dưới cầu có đường chui, đường dân sinh. Cầu mới đáp ứng đầy đủ giao thông đường thủy lẫn đường bộ. Cầu thi công được hơn 30% tổng khối lượng công trình thì ngưng khiến giao thông qua cầu Tăng Long ùn tắc như cơm bữa.
Ngoài 2 chiếc cầu trên, tại quận 9 còn có cầu Long Đại bắc qua sông Tắc (nhánh sông Đồng Nai) khởi công từ tháng 3-2017, tổng mức đầu tư 353 tỷ do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Q.9 làm chủ đầu tư cũng bị "trùm mềm" và chưa biết ngày nào xong khiến người dân bức xúc.
TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đổi từ hình thức đầu tư xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý (Q.Bình Tân) từ BOT sang dùng vốn ngân sách
CẦN SỚM TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN
Là một trong những công trình giao thông trọng điểm và là điểm nhấn kiến trúc khu trung tâm TPHCM, cầu Thủ Thiêm 2 có tổng chiều dài 1.465m, phần cầu dài 885,7m, gồm 6 làn xe, thiết kế dây văng với trụ tháp chính mang kiến trúc cầu Rồng cao 113m do Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trước ngày 30-4-2020. Thế nhưng sau hơn 5 năm kể từ ngày động thổ, cầu Thủ Thiêm 2 đã hoàn thành tới 70% khối lượng công trình thì bị "đứng hình" giữa dòng sông.
Nhiều tháng nay, công trình này không một bóng một kỹ sư, công nhân làm việc. Cần cẩu, máy móc cũng im phăng phắc. Trên cầu, vật liệu xây dựng, sắt thép, giàn giáo... chất đống ngổn ngang. Hai trụ tháp dây văng ở giữa sông Sài Gòn cũng dừng lắp ráp, các "lô cốt" án ngữ dưới chân cầu khiến giao thông ở khu vực này thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Được biết, hầu hết các dự án xây dựng cầu chậm tiến độ là do vướng công tác giải phóng mặt bằng, vốn và các cơ chế liên quan.
Ngày 22-5-2020, phát biểu tại buổi giám sát tiến độ triển khai dự án xây dựng cầu Bưng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị Sở TN-MT chủ động rà soát, làm rõ tính pháp lý để xử lý, vì đây là thẩm quyền của thành phố. Áp giá như thế nào, Sở TN-MT bàn chính thức với các đơn vị liên quan và có văn bản tham mưu UBND TP xử lý. Sở cần đi thực tế nắm bắt tình hình để xử lý công việc, chứ không chỉ quản lý trên hồ sơ như xưa nay, khẩn trương tháo gỡ cho dự án trước kỳ họp HĐND sắp tới. Các sở ngành liên quan và quận Tân Phú cần tích cực, chủ động rà soát các qui định pháp luật để tham mưu xây dựng phương án bồi thường như thế nào để dự án sớm triển khai.
Cầu Nam Lý hiện vẫn đang bị "trùm mền"
Ngoài việc vướng công tác giải phóng mặt bằng, dự án càu Tân Kỳ - Tân Quý còn không phù hợp thực hiện theo hình thức BOT. Việc dừng dự án đồng nghĩa với IDICO sẽ không kéo dài thêm thời gian thu phí giao thông ở trạm thu phí An Sương - An Lạc. Để có cơ sở tiếp tục triển khai dự án, mới đây, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đổi từ hình thức BOT sang dùng vốn ngân sách. Thành phố sẽ tự cân đối ngân sách để làm dự án; thanh quyết toán các hạng mục nhà đầu tư đã thi công và ký biên bản thanh lý để chấm dứt phụ lục hợp đồng BOT trước thời hạn.
Để tháo gỡ vướng mắc cho cầu Thủ Thiêm 2, mới đây Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, UBND TPHCM cùng với Tổng Công ty Ba Son và Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) đang thống nhất hướng xử lý, vừa bàn thảo, vừa kiểm đếm, đo vẽ và cắm ranh dự án. Ngay khi có kết quả thì có thể lập tức giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư.
Người dân thành phố rất mong các cơ quan ban ngành sớm nối lại việc thi công những chiếc cầu bị xây dựng dang dở, góp phần giảm ùn tắc giao thông, thuận lợi cho việc đi lại.