(CAO) Sáng 29-3, Sở Giao thông Vận tải TPHCM phối hợp Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức Hội thảo về giải pháp “Giảm ùn tắc giao thông (UTGT), tai nạn giao thông (TNGT) giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn TPHCM.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, tính hết ngày 15-3-2016, số lượng phương tiện giao thông của TPHCM lên đến 7.537.109 xe (gồm: 574.064 ô tô, 6.963.045 xe mô tô), tăng 6.77% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 1,1% trong vòng 3 tháng đầu năm 2016, chưa kể hàng triệu phương tiện các tỉnh khác đến thành phố làm việc, học tập...
Tình trạng kẹt xe ngày càng báo động
Tính đến hết năm 2015, TP có 4.869 tuyến đường có bề rộng từ 5m trở lên, với tổng chiều dài 4.044km, diện tích mặt đường khoảng 76,69m2. Mật độ đường giao thông chỉ mới đạt 1,9km/km2, diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị là 8,2%. Giao thông đường bộ gần như là phương thức duy nhất giải quyết nhu cầu giao thông đô thị TP nhưng nhiều tuyến đường vẫn chưa được hoàn thiện. TPHCM có 14.3km đường sắt với 26 vị trí đường ngang và thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm như QL13, Tô Ngọc Vân, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi...
Điều kiện khai thác trên các tuyến đường thuỷ nội địa và năng lực vận tải đường thuỷ chưa phát huy hiệu quả do ảnh hưởng giới hạn tĩnh không thông thuyền của các cầu hiện hữu trên các tuyến sống. Tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông tại sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa được thực hiện đúng quy hoạch, chỉ có một lối ra duy nhất trên đường trường Sơn nên xảy ra quá tải hệ thống giao thông xung quanh khu vực sân bay.
|
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Nguyễn Ngọc Đông cho biết:
“Nằm trong chiến lược đảm bảo trật tự ATGT đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, TPHCM triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu UTGT, TNGT. Số vụ TNGT, số người chết và bị thương giảm đáng kể. Tuy nhiên, việc giảm UTGT, TNGT đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, vấn đề quan trọng là việc quy hoạch. Tiếp đến là đầu tư xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như đường sắt trên cao, tàu điệm ngầm, nâng cao chất lượng phục vụ vận tải”.
|
|
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM trình bày:
“Trước mắt, Sở tập trung khai thác tốt nhất cơ sở hạ tầng hiện nay vì nó là giải pháp tốn ít chi phí nhất và có thể triển khai làm được ngay. Tiếp đó là phát triển vận tải hành khách công cộng, phát triển hệ thống vận tải giao thông đường thủy nội địa, xây dựng cơ chế chính sách, bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm...”
|
Quang cảnh hội thảo
|
Đề xuất giải phám kéo giảm UTGT, TNGT, Phó GS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Đại học Bách khoa TPHCM cho biết:
“Việc ùn tắc giao thông và TNGT đang trong tình trạng báo động. Nguyên nhân chính là do người sử dụng phương tiện giao thông không chấp hành quy định như: rẽ tùy tiện, vượt tùy tiện, không nhường nhau… Xe máy cũng là nguyên nhân hàng đầu bởi đặc tính cơ động của nó. Người điều khiển xe máy thấy ùn tắc là quay đầu, leo lề... Các loại xe du lịch, xe buýt, xe khách… bị ép thời gian nên càng đi nhanh, dẫn đến vi phạm giao thông dẫn đến ùn tắc giao thông.
Để kéo giảm UTGT, TNGT cần phải tăng thuế lưu hành các loại xe, trừ xe vận tải hành khách công cộng. Bên cạnh đó là tăng mạnh mức xử phạt vi phạm hành chính từ 3-5 lần so với mức hiện nay. Dần dần sẽ hình thành thói quen trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân”.
|
|
TS Huỳnh Thế Du, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng:
Để tập trung đột phá trong việc giảm ùn tắc giao thông, TPHCM cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng thay vì xây thêm đường như hiện nay. Tăng số lượng xe buýt gấp 2-3 lần trong 5-10 năm tới. Hạn chế việc sử dụng các phương tiện cá nhân bằng các chính sách làm gia tăng chi phí sử dụng, không cho đỗ xe trên đường hay sử dụng một số tuyến đường nhất định…”.
|