(CAO) Theo phản ánh của công ty TNHH SXTMDV Yên Khánh (trụ sở tại quận 1, TP.HCM, đơn vị đang khai thác thu phí tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương), trong thời gian vừa qua đã xuất hiện nhiều vé thu phí sử dụng đường bộ giả (giống với loại vé công ty Yên Khánh đang sử dụng để thu phí khi lưu thông trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương).
Loại vé giả này được các lái xe dùng thanh toán với công ty vận tải, rồi từ đó doanh nghiệp khấu trừ thuế vào chi phí sản xuất gây thất thoát thu ngân sách nhà nước đồng thời ảnh hưởng đến uy tín của các công ty.
Cụ thể, khoảng cuối tháng 8-2015, qua đường dây nóng của công ty Yên Khánh, một số đơn vị kinh doanh vận tải phản ánh về việc phát hiện vé thu phí đường bộ có dấu hiệu giả mạo nên đã yêu cầu công ty Yên Khánh cùng làm rõ vụ việc.
Trong các buổi làm việc, nhiều đơn vị vận tải đã cung cấp cho đại diện công ty Yên Khánh một số vé thu phí nghi ngờ bị làm giả, nguồn gốc vé do các nhân viên là lái xe của công ty vận tải tập hợp lại để lập chứng từ thanh toán phí cầu đường hàng tháng; sau đó các công ty vận tải sẽ được khấu trừ số tiền này trong chi phí sản xuất.
Điều đáng nói, số tiền mỗi tháng các lái xe thanh toán lên đến hàng trăm triệu đồng. Như công ty TNHH TM KT (đóng tại quận Bình Tân), mỗi tháng chi trả từ 600-700 triệu đồng (công ty sử dụng xe đầu kéo container), công ty TNHH GTV (quận Bình Thạnh) thì chi ra gần 500 triệu đồng cho thanh toán vé thu phí. Qua kiểm tra kế toán công ty thấy các thông tin trên vé (số seri) trùng nhau nên đã yêu cầu giải trình. Các lái xe này xác nhận đã thực hiện lộ trình lưu thông trên trên quốc lộ 1A thay vì đi cao tốc TP. HCM - Trung Lương; nhưng mua vé thu phí giả để nộp về công ty.
Vé thu phí thật do công ty Yên Khánh phát hành
Lái xe còn cung cấp thêm thông tin vé giả đã có từ lâu và muốn mua bao nhiêu cũng được; giá mỗi vé giả cho xe container loại 40 feet chỉ khoảng 40 ngàn đồng/vé, thậm chí rẻ hơn nếu mua số lượng nhiều, trong khi nếu thanh toán bằng vé giả tài xế bỏ túi hơn 300 ngàn đồng/vé
Bằng mắt thường, các vé thu phí giả khác với vé do công ty Yên Khánh đang sử dụng các đặc điểm: vé giả có màu giấy và chữ in đậm hơn so với vé thật; các thông tin in nổi trên vé không trùng khớp với đầu mục. Khi phát hành, công ty Yên Khánh đã ký hơp đồng in ấn với công ty TNHH MTV in Bến Thành, công ty này phải tuân thủ đúng mẫu mã đã duyệt và thực hiện nghiêm túc chế độ bảo mật thông tin.
Đồng thời, công ty Yên Khánh đã đăng ký với cơ quan thuế tỉnh Long An theo quy định về: số seri, mã làn lưu hành,…và rất nhiều thông tin khác để đảm bảo đúng quy định. Nên sau khi rà soát lại quy trình, công ty Yên Khánh khẳng định vé do các ông ty vận tải đã cung cấp để phản ánh không thuộc vé do Yên Khánh phát hành.
Đại diện Yên Khánh cho biết thêm: “Theo quy trình phát hành vé thu phí, khi phương tiện bắt đầu đi vào đường cao tốc, sẽ được phát một thẻ lưu thông. Khi ra khỏi tuyến đường, sau khi thực hiện cân trọng tải, nhân viên trạm mới tiến hành thu phí và in vé phí sử dụng đường bộ.
Vé thu phí này là bằng chứng lưu thông của phương tiện trên tuyến đường đó. Do đó, khi xuất hiện vé giả đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công ty Yên Khánh không chỉ về uy tín mà cả về kinh tế, bên cạnh đó các doanh nghiệp có xe lưu thông phải đưa vào chi phí khoản thanh toán các vé giả này; đồng thời thu ngân sách nhà nước cũng bị ảnh hưởng bởi tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương là tuyến huyết mạch để lưu thông về các tỉnh miền Tây”.
Một trạm thu phí trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương
Theo công văn phúc đáp của Công an quận Bình Thạnh, sau khi nhận được đơm tố cáo của công ty Yên Khánh, cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh, điều tra. Được biết, toàn bộ bốn vé thu phí (công ty Yên Khánh nộp cho cơ quan điều tra file ảnh) đã bị công ty GTV tiêu huỷ nên không có cơ sở giám định để xác định vé giả hay thật.
Tài xế HCA đã bị cho nghỉ việc, công ty GTV không ký hợp đồng thử việc, không có hồ sơ cá nhân, không biết lái xe hiện đang ở đâu nên không thể truy tìm được người cung cấp vé giả.
Công ty GTV đã huỷ bốn vé ghi giả, không đưa vào quyết toán nên chưa chứng minh mức độ hiệt hại do sử dụng vé giả.
Rõ ràng từ tường trình của tài xế, từ lâu đã hình thành được dây sử dụng vé thu phí giả để trục lợi. Có cầu ắt có cung, các đường dây cung cấp vé thu phí giả sẽ nở rộ cả về số lượng quy mô hoạt động sang các đường các tốc khác trên cả nước nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương là con đường huyết mạch nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây