Đường Vành đai 3 TPHCM: Từ giấc mơ đến hiện thực

Thứ Sáu, 23/09/2022 09:47

|

(CATP) Ngày mai (24-9-2022), Dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) thuộc Dự án đường Vành đai 3 - TPHCM sẽ chính thức khởi công.

Tầm vóc liên kết vùng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kết nối giữa các tỉnh, thành phố cùng hệ thống cảng, kho hàng... cũng như quy mô to lớn của đường Vành đai 3 - TPHCM hơn 10 năm qua là giấc mơ của 20 triệu người dân TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã dần trở thành hiện thực. Ngày mai (24-9-2022), Dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) thuộc Dự án đường Vành đai 3 - TPHCM sẽ chính thức khởi công.

Cầu Nhơn Trạch kết nối đôi bờ

Ngày 22-9, nguồn tin của Chuyên đề Công an TPHCM, Dự án đường Vành đai 3 - TPHCM, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch dài 8,7km, với tổng mức đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng sẽ chính thức khởi công vào ngày mai. Nguồn vốn phục vụ dự án gồm vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án có 2 gói thầu, gồm: Xây dựng cầu Nhơn Trạch và phần đường. Trong đó, gói thầu cầu Nhơn Trạch có thời gian thi công là 35 tháng, gói thầu đường thi công trong 30 tháng.

Trong tâm trạng vui mừng, phấn khởi, ông Trần Văn Thắng (ngụ Q.Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: "Đúng là giấc mơ bấy lâu nay đã thành hiện thực. Cây cầu Nhơn Trạch nối liền hai bờ sông Đồng Nai, bên kia là Đồng Nai, bên này là TPHCM, rút ngắn thời gian qua phà Cát Lái, vô cùng thuận tiện cho người dân. Quê tôi ở ngay bên Nhơn Trạch (Đồng Nai) mà mỗi lần về thăm nhà tốn không ít thời gian chờ đợi qua phà. Cầu Nhơn Trạch khởi công mang ý nghĩa rất lớn đối với người dân".

Về giải phóng mặt bằng (GPMB), đến nay, toàn tuyến đã có gần 3km mặt bằng được bàn giao. Trong đó, TPHCM bàn giao được 1,7km, còn 0,2km phải bàn giao. Đồng Nai mới bàn giao được 1,1km, còn 5,2km phải bàn giao. Để đảm bảo tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án kiến nghị, các địa phương, đặc biệt là tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh việc bàn giao mặt bằng, ưu tiên bàn giao sớm phần mặt bằng giáp sông Đồng Nai để thi công cầu Nhơn Trạch.

Theo ông Võ Tấn Đức (Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai), Dự án đường Vành đai 3 - TPHCM, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch đi qua 2 xã Long Tân và Phú Thạnh (H.Nhơn Trạch, Đồng Nai). Để thực hiện dự án, tỉnh thu hồi gần 50 héc-ta đất của gần 470 hộ dân. Trong đó, có hơn 220 hộ được bố trí tái định cư. Tỉnh Đồng Nai đã giao các sở, ngành tham mưu để hoàn thành thủ tục lập, thẩm định, duyệt phương án bồi thường trong tháng 10-2022, nhằm sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án.

Phối cảnh cầu Nhơn Trạch, dự kiến khởi công xây dựng vào ngày 24-9-2022

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, triển khai Dự án đường Vành đai 3 - TPHCM là thể hiện trách nhiệm, sự nỗ lực của từng cá nhân; các báo cáo, ý kiến phát biểu của từng đại biểu, đặc biệt các chuyên gia ở Hội đồng cố vấn cho dự án là rất quan trọng. Về thủ tục pháp lý, sau hơn 10 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án, đến nay dự án mới chính thức triển khai. Điều quan trọng nhất là TPHCM đã khẳng định trách nhiệm chính trị của mình giống như một sự cam kết trước Quốc hội, Trung ương, Chính phủ và Nhân dân.

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, bài học kinh nghiệm từ thực tế, dù nhiều dự án đã có đất và chủ trương, nhưng vẫn thực hiện không kịp tiến độ vì nhiều lý do. Về mặt bằng để thi công, phải tính toán làm sao để người sử dụng đất yên tâm khi bàn giao đất, đồng thuận hoặc tương đối đồng thuận việc giao mặt bằng thi công, hạn chế tối đa cưỡng chế.

"Nên thực hiện bồi thường, tái định cư trước rồi mới GPMB sau. Làm đường thì dễ đồng thuận, nhưng thực tế ảnh hưởng tới từng người dân. Chuyện giá cả đền bù có thể thống nhất được, nhưng tình cảm khi rời bỏ một mảnh đất thì không đơn giản. Phải làm tốt công tác tư tưởng kết hợp với những biện pháp khác để người dân đồng thuận. Đó cũng là một sự hy sinh của người dân"- Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận định.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị cố gắng đừng để người dân bị thiệt thòi. Phải nắm rõ về hoàn cảnh, nhu cầu, cuộc sống để tính toán chuyện tái định cư và nếu tái định cư trước thì càng tốt. Cần làm tốt công tác phối hợp nội bộ và phối hợp giữa TPHCM với 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Đây cũng là trách nhiệm mà Quốc hội giao cho TPHCM để điều tiết vấn đề này.

Tháng 10-2022 sẽ hỗ trợ tái định cư

Liên quan đến quy hoạch, Bí thư Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo, mỗi khâu, mỗi việc phải thực hiện một cách khoa học, có phân công cụ thể, xác định trách nhiệm, kiểm tra, giám sát. Thành ủy TPHCM sẽ có văn bản chỉ đạo, đưa ra quyết tâm chính trị và phân công thực hiện; đồng thời đề nghị các chuyên gia trong Hội đồng cố vấn cho dự án bám sát để hạn chế tối đa phát sinh rủi ro ngoài ý muốn. Nếu có phát sinh thì cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền, tránh làm tới làm lui, để ngày hoàn công dứt khoát có niềm vui trọn vẹn cho nhân dân. TPHCM cố gắng quyết tâm cao nhất để hoàn thành dự án đúng theo quy định thời gian mà Quốc hội và Trung ương giao.

Áp lực giao thông rất lớn tại đường ra vào cảng và phà Cát Lái hiện nay

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận nhiệm vụ trước Bí thư Thành ủy, với Thành ủy TPHCM và hứa sẽ cùng các tổ chức, cá nhân liên quan nỗ lực để thực hiện thắng lợi dự án này, như sự kỳ vọng của nhân dân và mong mỏi của các cấp lãnh đạo. UBND TPHCM củng cố tổ công tác liên ngành, liên địa phương, đưa các tổ chức vừa thành lập đi vào hoạt động. Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các quận, huyện và TP.Thủ Đức, các phường, xã liên quan thành lập tổ chức để triển khai dự án trên địa bàn mình, đặc biệt là công tác tuyên truyền, GPMB; tiếp thu ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường về thành lập Ban GPMB.

Theo Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TPHCM, thành phố đang cùng với các địa phương khẩn trương phối hợp triển khai nhanh các đầu việc. Cụ thể, đã hoàn thành dự thảo nghị quyết triển khai dự án, bàn giao hồ sơ cho các địa phương thực hiện những đầu việc liên quan, đo vẽ, kiểm kê, thống kê ranh dự án, hoàn thiện việc tổ chức bộ máy điều hành của các địa phương.

Mục tiêu đặt ra theo yêu cầu của Chính phủ là làm sao khởi công thực hiện toàn bộ dự án sớm hơn vài tháng, dự kiến tháng 6-2023 thay vì cuối năm 2023. Đến tháng 10-2022, bàn giao ranh dự án để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đến cuối năm 2023, bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng. Tất cả công việc phải được các địa phương triển khai, bảo đảm thi công đồng bộ, đặt mục tiêu thông xe toàn tuyến, hoàn thành cơ bản phần đường cao tốc vào tháng 10-2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.

Phà Cát Lái trên sông Đồng Nai, nối TP.Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch

Những giải pháp cấp thiết

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, UBND TPHCM cùng UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã thống nhất đưa ra 6 giải pháp để thực hiện dự án một cách thuận lợi. Cụ thể, cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

UBND TPHCM và UBND các tỉnh tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế ranh GPMB (khi thiết kế cơ sở và dự án thành phần xây dựng chưa phê duyệt), làm cơ sở để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Hồ sơ thiết kế ranh GPMB sẽ được cập nhật, đảm bảo phù hợp dự án đầu tư được duyệt. Trên cơ sở hồ sơ thiết kế ranh GPMB được phê duyệt, các địa phương xác định nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức thực hiện các bước tiếp theo. Cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc.

Về công tác GPMB, lập dự án khả thi, Bộ GTVT đồng tình với ý kiến của chính quyền TPHCM và khẳng định là thực hiện được. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, vấn đề khó nhất của dự án là công tác GPMB, cần làm nhanh nhưng phải chắc chắn. Thời điểm khởi công phải có 70% mặt bằng cho Ban Quản lý dự án triển khai thi công. Đường Vành đai 3 - TPHCM có tổng chiều dài là 76,34km gồm: 47,51km qua TP.Thủ Đức, các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (TPHCM), 11,26km qua H.Nhơn Trạch (Đồng Nai), khoảng 10,76km qua các thành phố Dĩ An, Thủ Dầu Một, Thuận An (Bình Dương), khoảng 6,8km qua H.Bến Lức (Long An).

Bình luận (0)

Lên đầu trang