(CATP) Không chỉ thi công ì ạch, đường sá xuống cấp, đường Phạm Văn Bạch còn bị lấn chiếm vô tội vạ để kinh doanh, họp chợ tự phát dẫn đến ùn tắc, trở thành một trong những "điểm nóng" kẹt xe bên hông sân bay Tân Sơn Nhất.
Ùn tắc giao thông triền miên
Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch có vai trò rất quan trọng trong kết nối Q.Gò Vấp và Q.Tân Bình nên vào năm 2005, UBND TPHCM ban hành quyết định phê duyệt dự án nâng cấp mở rộng đường Phạm Văn Bạch, thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2005 - 2007, vốn đầu tư là 273,2 tỷ đồng. Dự án có 5 nhánh chính gồm: nhánh 1 (đường Tân Sơn, Q.Gò Vấp) dài hơn 2,2km, nhánh 2 (đường Phạm Văn Bạch) dài hơn 3,2km, nhánh 3, 4 và 5 là các đường nối nhánh 1 và nhánh 2, xây dựng mới 2 cầu tại kênh Hy Vọng. Khi hoàn thành, dự án được kỳ vọng giải quyết nạn kẹt xe khu vực bên hông sân bay Tân Sơn Nhất, chia sẻ áp lực giao thông và rút ngắn thời gian đi lại giữa hai quận Tân Bình, Gò Vấp.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công, dự án gặp không ít khó khăn, nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Ban đầu, dự án được thực hiện theo hình thức nhà nước và người dân cùng làm. Theo đó, các hộ có diện tích nhà bị giải tỏa một phần sẽ đóng góp công sức cùng với thành phố mở đường bằng cách giảm 50% đơn giá đền bù về đất. Đến năm 2012, giá đền bù có tăng thêm nhưng không theo kịp giá nhà đất trên thị trường nên nhiều người từ chối phương án nhà nước và người dân cùng làm.
Chợ tự phát nhóm họp khiến đường Phạm Văn Bạch bị ùn tắc thường xuyên
Năm 2012, UBND TPHCM điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2005 - 2014, tăng vốn thêm hơn 400 tỷ đồng (lên 680 tỷ đồng). Trong đó, tiền đền bù, giải tỏa từ 195,5 tỷ đồng lên 468,2 tỷ đồng, chi phí xây lắp tăng từ 66 tỷ đồng lên 143 tỷ đồng... Tuy nhiên, việc tăng vốn này chưa thể giải quyết dứt điểm các vướng mắc. Sau đó, chủ đầu tư tiếp tục đề nghị hoàn thành dự án vào năm 2018. Sau 3 lần điều chỉnh, đến nay dự án đã thi công được hơn 70%, phần còn lại vẫn còn dang dở.
Thi công "da beo", lấn chiếm tràn lan
Ghi nhận tại đường Phạm Văn Bạch cho thấy đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Trần Thái Tông mới làm được một nửa, nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường cũ kỹ, lồi lõm, dặm vá qua loa, nhiều "ổ gà”, "ổ trâu", hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện nên hễ mưa lớn là ngập. Vỉa hè dọc hàng rào sân bay Tân Sơn Nhất chưa được thi công, đất đá nhộm nhoạm, nhiều chỗ bị lấn chiếm để buôn bán. Nửa còn lại thi công dang dở, mặt đường chưa được trải nhựa. Ven đường, hàng chục cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng, quán cà phê, chim, cá cảnh, hàng rong, xe đẩy... ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để bày đủ loại bàn ghế, cửa, tủ kiếng, tủ inox..., khiến đường bị "bóp nghẹt", gây tắc nghẽn giao thông, nhất là vào giờ cao điểm.
Cột điện nằm chình ình giữa đường
Đoạn từ đường Trần Thái Tông đến đường Huỳnh Văn Nghệ đã thi công 80% khối lượng phải tạm dừng cho đến nay do còn vướng 42 hộ (trong tổng số 580 hộ dân) chưa bàn giao mặt bằng. Nhiều hộ dân ở P15, Q.Tân Bình liên tục khiếu nại về tim tuyến đường và không đồng tình với việc giảm 50% đơn giá bồi thường theo phương án đã phê duyệt. Đoạn đường này được thi công kiểu "da beo", chỗ làm, chỗ chưa, nhà cửa lố nhố không đồng đều. Tại những chỗ chưa làm bị nhiều cửa hàng chiếm dụng để bày hàng hóa ra đường. Trên đường còn có hơn chục cột điện chưa được di dời, gây cản trở giao thông.
Từ đường Huỳnh Văn Nghệ đến đường Tân Sơn đã thi công xong, nhưng xuất hiện một chợ tự phát nhóm họp nhộn nhịp ngày hai buổi. Dọc đoạn này, những chiếc xe lôi, xe tự chế, xe ba gác chở rau, củ, quả dừng đậu nghênh ngang, bát nháo. Anh Trần Ngọc Linh, tài xế xe công nghệ thường xuyên lưu thông qua đường Phạm Văn Bạch, ngao ngán:"Chính quyền địa phương nhiều lần ra quân dẹp nạn lấn chiếm lòng lề đường, nhưng dẹp xong thì họ tái lấn chiếm trở lại".
Vừa qua, UBND TPHCM giao Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, cùng những bên liên quan rà soát cơ sở pháp lý, xem xét kiến nghị của các hộ dân để có cơ sở giải quyết theo quy định.