Khu tái định cư Bến Lức ở quận 8: Điện nước sơ sài, đường sá xuống cấp

Thứ Hai, 24/10/2022 08:43  | Thu Hiền

|

(CATP) Sau 19 năm triển khai, Khu tái định cư Bến Lức (P7Q8, TPHCM) vẫn trong cảnh điện, nước còn sơ sài, đường sá xuống cấp, lầy lội, không khí ô nhiễm, nhiều nền đất trở nên hoang hóa, bị sử dụng để làm nơi đổ rác, tập kết phế liệu. Đơn thư kiến nghị được cư dân gửi đến nhiều nơi, nhưng hiện trạng không chuyển biến. Nhiều người ngán ngẩm, đành phải bán nhà, đất, dọn đến nơi khác sinh sống.

Bảng thông tin về dự án đã ố vàng, gỉ sét nham nhở, treo ở một góc đường cho biết Dự án Khu tái định cư Bến Lức được phê duyệt, triển khai thực hiện từ năm 2003, phục vụ tái định cư tại chỗ và các trường hợp có đất bị thu hồi trong Dự án xây dựng Trung tâm thương mại Bình Điền. Khu dân cư có diện tích hơn 24 héc-ta, gồm: khu nhà ở, công trình công cộng, trường phổ thông, trạm y tế, khu thương mại dịch vụ, thể dục - thể thao và công viên. Thế nhưng đến nay, trường học lẫn nhà trẻ, công viên chưa được xây dựng, mạng lưới điện thì sơ sài, đường đầy "ổ voi", "ổ gà” với cảnh mưa lầy, nắng bụi.

Khu nhà ở có 652 nhà liên kế vườn, 22 nhà biệt thự và 392 căn hộ chung cư, nhưng thực tế chỉ lác đác một số nóc nhà. Số dân địa phương được bố trí tái định cư còn ở lại đây rất ít. Nguyên nhân vì đa số hộ gia đình nghèo cần nhà để ở, dành tiền buôn bán mưu sinh và nuôi con ăn học. Nhưng theo thiết kế của Dự án Khu tái định cư Bến Lức, nhà xây mới phải đủ ba tấm rưỡi, nếu xây cấp 4 hoặc thấp tầng hơn thì không được cấp phép. Với số tiền đền bù có hạn, nhiều gia đình không đủ khả năng xây dựng, đành bán nền, dọn đi nơi khác sinh sống. Còn số ít thì cố gắng xây, nhưng giữa chừng bị hết kinh phí, bỏ công trình hoang phế, mọc đầy rêu cỏ.

Đường vào Khu tái định cư Bến Lức đã xuống cấp

Trong khi đó, những người mua nền cũng chẳng thiết tha xây nhà vì cơ sở hạ tầng quá tệ. Hệ thống điện mới kéo được vài chục cột, trụ điện; còn đèn đường đã gắn nhưng không hoạt động. Đường nội bộ trải đá mi sơ sài, mưa nắng bao năm cuốn trôi hết, trơ lại nền đất sình lầy, chi chít "ổ voi", "ổ gà”. Do cống thoát nước đã bị đất, đá bịt kín nên dù mưa lớn hay nhỏ thì khu vực này cũng ngập nước. Người dân phải mang ủng lội sình để đi ra đường cái. Rác thải dồn đống một góc, cả tuần không được thu gom, bốc mùi hôi nồng nặc.

Anh Trà (cư dân ở Đường số 5, Khu tái định cư Bến Lức) ngao ngán chỉ những vườn chuối xanh um trồng trên khu đất bỏ hoang. Ước tính mỗi nền 100m2 trị giá khoảng 3-4 tỷ đồng, nhưng vì đường sá lầy lội, điện nước sơ sài, các công trình tiện ích khác vẫn còn "nằm trên giấy" nên chủ đất không đầu tư xây dựng. Thấy đất bỏ hoang, những người buôn bán ở Chợ đầu mối Bình Điền chạy xe vô đây vứt rác. Người dân phải trồng chuối cho có mảng cây xanh nhằm ngăn bớt bụi bặm, đồng thời hạn chế việc đổ rác bừa bãi. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lén vất rác trái phép, quanh các gốc chuối có rất nhiều bịch nylon.

Hàng trăm nền nhà được người dân trồng chuối tạm thời
Cơ sở kinh doanh phế liệu gây ô nhiễm

Do dân cư tại Khu tái định cư Bến Lức thưa thớt, một số cơ sở từ nơi khác đến thuê đất làm nhà xưởng, hoạt động gây ô nhiễm trầm trọng. Đầu Đường số 5 có một xưởng mộc rộng hàng trăm mét vuông, không che chắn. Mỗi khi cắt, xẻ gỗ, tiếng ồn chói tai cùng mạt cưa bay đến các hộ dân xung quanh, khiến nhà nào cũng phải đóng kín cửa. Đối diện xưởng gỗ là đại lý nhựa, chuyên thu gom bao bì, thùng xốp cũ về tái chế, bốc mùi hôi nồng nặc. Xưởng này cũng không rào chắn, đổ phế liệu tràn ra đường đi.

Nguyện vọng của người dân tại Khu tái định cư Bến Lức là chính quyền cùng chủ đầu tư dự án sớm tháo gỡ vướng mắc, xúc tiến thực hiện các công trình công cộng. Trong đó, quan trọng nhất là hoàn thiện cơ sở hạ tầng để cư dân yên tâm xây nhà, ổn định đời sống.

Bình luận (0)

Lên đầu trang