Khi trời mưa lớn nước dâng cao chảy như thác, người dân không phân biệt được đâu là đường, đâu là cống, nên trở thành chiếc “bẫy” chết người.
Cái chết thương tâm
Vào thời gian trên, tại địa bàn quận 9 diễn ra cơn mưa lớn kéo dài. Một số tuyến đường trong các khu dân cư tại phường Tân Phú bị ngập, nước chảy siết. Lúc này, một người dân nhìn thấy bà Phạm Thị Bé Tư (SN 1968, quê Bến Tre; hành nghề bán cá khô dạo) điều khiển xe đạp đang đi trên đường 154 thì bị dòng nước cuốn trôi. Mặc dù người dân gần đó tri hô ứng cứu, nhưng do nước chảy quá mạnh, bà Tư bị cuốn vào đoạn cống ngầm trôi đi mất.
Nơi trời mưa to nước tràn lên mặt đường làm bà Tư gặp nạn
Nhận tin báo, Công an phường Tân Phú đến hiện trường phối hợp với người dân tìm kiếm nạn nhân. Đến 20 giờ 30 cùng ngày, lực lượng chức năng phát hiện thi thể người xấu số dưới mương, cách nơi bị nước cuốn khoảng 500m.
Tiếp xúc với phóng viên Báo CATP, nhiều người dân phường Tân Phú rất bức xúc về hệ thống cống nổi tồn tại trên địa bàn đã quá lâu, nhưng không có cơ quan chức năng nào lắp đặt rào chắn. Do địa bàn đồi dốc, các mương nước, cống rãnh bình thường thì khô cạn, nhưng mỗi khi mưa lớn, nước từ các nơi dồn về vùng trũng, hệ thống cống thoát nước nổi và mặt đường ngập tràn lan, khiến người dân không thể phân biệt được đâu là đường, đâu là cống.
Một cống thoát nước nằm cạnh đường đi nhưng không có nắp đậy ở phường Tân Phú, quận 9
Tại hiện trường vào sáng 6-7, sau khi tai nạn xảy ra, chính quyền địa phương mới cho kéo dây giăng tạm thời để cảnh báo khu vực nguy hiểm. Được bà con hướng dẫn, phóng viên đi khảo sát nhiều khu vực thuộc khu phố 2, phường Tân Phú, nhận thấy hệ thống cống thoát nước ở khu vực này rất nguy hiểm, có đoạn sâu từ 2 đến 3 mét nhưng không có rào chắn.
Người dân cho hay, toàn bộ khu vực này khi trời mưa to, nước sẽ tràn ngập và chảy siết. Đặc biệt ngay khu dân cư, có nhiều trẻ em vui chơi, nhưng các nắp cống lại mở ra lộ thiên, có nơi che chắn nhưng chỉ qua loa, sơ sài, không đảm bảo an toàn.
Cống thoát nước nổi và mặt đường ngang bằng nhau, không có rào chắn rất nguy hiểm (P.Tân Phú, quận 9)
Những "cái bẫy" chết người
Tiếp tục quan sát khu vực vùng ven phía Đông của thành phố, nơi có nhiều cống rãnh, địa hình đồi dốc, chúng tôi nhận thấy hệ thống cống thoát nước ở đây hết sức nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người dân lúc nào không hay. Không những chỉ ở các phường Tân Phú, Long Bình, Hiệp Phú (quận 9) có hệ thống cống nổi thiếu an toàn, tại địa bàn quận Thủ Đức cũng có nhiều đoạn đường còn nguy hiểm hơn.
Điển hình như đoạn trước Khu chế xuất Linh Trung, hệ thống cống dọc theo Quốc lộ 1A, một số nơi không có nắp đậy, cỏ mọc um tùm, người đi đường khó có thể phân biệt đó là hệ thống cống thoát nước hay là bờ.
Báo động nhất là tại các khu phố 3, 5 và 6 của P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức. Trong khu dân cư nơi đây có hệ thống cống nổi chằng chịt, sâu hoắm. Có đoạn giữa cống và nền đường ngang bằng nhau nhưng không có rào chắn hay vật cản gì để người đi đường nhận biết.
Đường số 9 và 10 (khu phố 3, phường Trường Thọ) nhỏ hẹp nhưng mật độ dân cư đông, trẻ em thường chọn những nơi có bóng mát để vui chơi, song cạnh đó là cống thoát nước sâu, rất nguy hiểm.
Người dân để ghế đá sinh hoạt ngay cạnh cống nổi sâu ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức
Bà Nguyễn Thị Ngân lo lắng: “Do hệ thống cống không có rào chắn nên việc trông giữ con em rất khó khăn, chỉ cần người lớn lơ đãng thì hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến đề nghị chính quyền địa phương lắp đặt rào chắn an toàn, nhưng không được quan tâm”.
Vòng sang đường Đặng Văn Bi (P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức), chúng tôi chứng kiến ngay trước cổng Xí nghiệp kho vận của Công ty cổ phần sữa Vinamilk, một cái cống nằm giữa công ty và nhà dân nhưng không được rào chắn, giữa mặt đường và thành cống bằng phẳng, trông rất nguy hiểm.
Hiện nay đang vào mùa mưa, những cơn mưa lớn, kéo dài sẽ có lượng nước rất lớn dồn về các hệ thống cống thoát nước nổi. Đề nghị chính quyền các địa phương sớm rà soát, lắp đặt nắp cống đầy đủ, rào chắn đúng quy chuẩn, đừng để tai nạn thương tâm tiếp tục xảy ra.