(CATP) Đây không phải lần đầu ban ngành chức năng mở các cuộc ra quân quy mô nhằm xử lý triệt để vấn nạn xe “mù”, xe “mờ” và xe tự chế lộng hành, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, để xử lý triệt đến vấn nạn giao thông (GT) này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an TPHCM (CATP), rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Dẹp xe “mù”, “mờ” cũng quyết liệt như chống nạn đua xe
Dẹp xe “mù”, “mờ” cũng giống như công tác phòng chống tệ nạn đua xe, để công tác xử lý đạt hiệu quả, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả xã hội, không chỉ riêng với bất kỳ cá nhân hay đơn vị quản lý nào. Tuy vậy, thời gian qua, việc xử lý triệt để cả hai vấn nạn là xe “cà tàng” hay tụ tập đua xe vẫn còn “loay hoay”, khiến lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) dù có phải căng mình xử lý mỗi ngày nhưng tình trạng… đâu vẫn hoàn đó!
Để có thể xử lý tận gốc tình trạng xe “mù”, xe “mờ”,
xe tự chế cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều đơn vị, ban ngành, không chỉ riêng với CSGT
Bên cạnh đó, các quy định xử lý hiện nay chỉ tập trung vào các lỗi vi phạm hành chính xảy ra trên các phương tiện (PT). Cụ thể, mỗi lần xử lý số PT này, CSGT thường chỉ lập biên bản các lỗi: xe không kính chiếu hậu và đèn tín hiệu, chở hàng cồng kềnh… Dù các mức phạt khá cao nhưng có một thực tế xảy ra là người vi phạm sau khi bị xử phạt thường có tâm lý xem nhẹ, bỏ PT không đóng phạt vì số tiền bỏ ra mua chiếc xe “cà tàng” mới còn rẻ hơn việc thực hiện nghiêm quy trình đóng phạt.
Điều này cho thấy các chế tài liên quan tới việc theo dõi, xử lý nghiêm công tác chấp hành luật của người vi phạm chưa chặt chẽ. Lực lượng chức năng vẫn chưa đủ phương tiện lẫn thẩm quyền để theo dõi, giám sát trực tiếp, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý cụ thể nếu chủ PT xem nhẹ luật. Điều này dẫn đến nguyên nhân dù CATP nỗ lực đẩy mạnh công tác xử lý thì những chiếc xe tự chế, xe thô sơ, xe “mù”, xe “mờ” vẫn còn đất sống. Có theo chân lực lượng chức năng trong quá trình xử lý các PT này mới hiểu được cái khó của CSGT, từ việc xử lý đến công tác tuyên truyền để người vi phạm thực sự hiểu được cái sai cũng như sự nguy hiểm do chính mình gây ra.
CSGT TP.Thủ Đức kiểm tra, xử lý một trường hợp xe chở gạo không đáp ứng được tiêu chuẩn giao thông
Lấy ví dụ về 1 doanh nghiệp kinh doanh nước đá trên địa bàn, với đặc thù mặt hàng buôn bán dễ gây hư hỏng, rỉ sét khiến các chủ cơ sở thường mua những loại xe máy “cà tàng” để phục vụ mục đích cá nhân là giảm tối thiểu chi phí đầu tư. Từ đó dẫn đến thực trạng xe “cà tàng” xuất hiện ngày càng nhiều trên đường. Nếu chính quyền địa phương tại khu vực quán triệt ngay từ ban đầu với chủ cơ sở kinh doanh phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng có nhiệm vụ xử phạt thì chắc chắn dù có muốn “rẻ” để thêm “lời” thì chủ cơ sở này cũng không được phép xem nhẹ pháp luật (PL).
Giá xe "cà tàng" rẻ nên người vi phạm chấp nhận bỏ xe nếu bị CSGT xử phạt
Từ việc bất chấp PL, sự vào cuộc chưa quyết liệt của nhiều hệ thống, đoàn thể, Mặt trận khiến các yêu cầu được đặt ra khó lòng thực hiện như kỳ vọng, khiến vấn nạn GT trên đã trở thành mối nguy thường trực cho người đi đường. Nhiều chuyên gia về lĩnh vực đô thị, GT trong quá trình trả lời PV Báo CATP đều cùng chung nhận định, nếu chỉ để CSGT ra đường và xử lý đơn thuần thì có kéo dài thêm 10 năm nữa tình trạng này vẫn chẳng thay đổi.
“Nhiều người khi “cõng” trên lưng số hàng “khủng”, gây nguy hiểm cho người dân khi bị “tuýt còi” đều rơm rớm nước mắt biện minh vì cuộc sống khó khăn, chiếc xe là công cụ mưu sinh, nên dù biết vi phạm vẫn phải làm liều. Có anh em trẻ mới vào nghề sau khi xử lý xong cũng rơi nước mắt vì nhìn thấy bóng dáng gia đình mình trong đó. Điều này cho thấy muốn xóa trắng được xe “mù”, xe “mờ” ngoài sự quyết liệt cần có thì công tác tuyên truyền, định hướng cho người dân, học sinh là quan trọng tới mức nào”, một cán bộ CSGT TP.Thủ Đức tâm sự.
Chuyển đổi phương tiện hợp lý
Tình trạng những chiếc xe “cà tàng” được độ, chế để có thể cõng trên lưng số hàng “khủng” xuất phát từ nhu cầu vận chuyển hàng lớn của người dân, đáp ứng được nhu cầu đưa hàng vào từng con hẻm chật chội và từ năm 2009, UBND TPHCM đã có chính sách hỗ trợ người lái xe thô sơ chuyển đổi phương tiện, tìm việc làm mới, nhưng vẫn chưa giải quyết được dứt điểm tình trạng này.
Để xử lý thấu tình đạt lý bất kỳ trường hợp vi phạm nào, CSGT phải phân tích cặn kẽ cho người dân hiểu, chấp hành
Từng có thời gian Nhà nước tổ chức thí điểm cấp phép lưu thông cho các PT được độ chế nhằm đáp ứng nhu cầu chở hàng, phù hợp đặc thù ở các đô thị lớn như TPHCM. Tuy vậy, việc cấp phép này sau đó đã phải tạm dừng do phần lớn PT không đáp ứng được những quy chuẩn do cơ quan kiểm định đưa ra. Quan sát trực quan, không khó để nhận ra những PT vi phạm lưu thông trên phố, nhất là khu vực chợ đầu mối, bến xe... Từ đó, mong muốn TP sớm có PT chở hàng hợp quy, giải quyết bài toán mưu sinh cho người dân cũng bị dừng lại.
Quay lại câu chuyện chính quy hóa, thay đổi PT thu gom rác bằng xe ba gác, xe lôi, xe kéo thô sơ sang các PT hiện đại, thời gian trước được triển khai tại TPHCM từng vấp phải sự phản ứng của một bộ phận người dân, tuy vậy TP vẫn kiên định chủ trương đúng đắn này. Cho đến hiện tại, hàng chục ngàn PT thu gom rác thô sơ ở TP đã được kéo giảm xuống, chỉ còn khoảng 1.500 xe. Từ vấn đề này, nhiều chuyên gia đô thị cho rằng việc các cơ quan khoa học trong nước, những đơn vị kiểm định vận tải cần sớm ngồi lại cùng nhau để thống nhất đưa ra tiêu chuẩn chung, phù hợp cho các PT vận chuyển hàng hóa cỡ nhỏ tùy theo điều kiện địa lý thực tế ở các TP lớn.
Vì thiếu sự vào cuộc đồng bộ nên dù CSGT có phải căng mình xử lý mỗi ngày thì tình trạng xe "cà tàng" lộng hành đâu vẫn hoàn đó
Tiếp đến, với việc xem xét lại kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ chủ xe chuyển đổi PT hoặc đổi nghề nghiệp mưu sinh, cần thực hiện hài hòa, không làm theo kiểu “khuôn mẫu” gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu vận chuyển hàng hóa chính đáng trong xã hội, đe dọa kế sinh nhai của một bộ phận người lao động và sự an toàn của đa số người dân giữa thời điểm chờ quy chuẩn an toàn cụ thể cho PT chở hàng 3-4 bánh.
Các đơn vị kiểm định vận tải cần sớm thống nhất đưa ra tiêu chuẩn chung, phù hợp cho các PT vận chuyển hàng hóa cỡ nhỏ tùy theo điều kiện địa lý thực tế ở các TP lớn
Ngoài ra, biện pháp tình thế được Sở Giao thông vận tải TPHCM đưa ra về kế hoạch thiết lập tuyến vành đai cấm xe thô sơ vào nội đô và một số tuyến đường từ năm 2021 được cho là phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, về lâu dài nếu TP tiếp tục không xử lý quyết liệt, chính quyền địa phương, các đơn vị, đoàn thể còn “ngó lơ” thì chừng đó, tình trạng không đảm bảo TTATGT liên quan tới các PT này vẫn còn thường trực rình rập trên từng tuyến phố, gây nguy hiểm cho người tham gia lưu thông.
Đức Nam - Huỳnh Văn - An Tĩnh