Ở gia đình, họ là những người vợ, người mẹ dịu hiền, chăm chỉ và cần mẫn, đầy trách nhiệm. Nhưng khi đứng trước nhiệm vụ được giao (nhất là khi đối diện những thành phần tội phạm), họ trở thành những “bông bồng thép” với bản lĩnh nghiệp vụ và tố chất vô cùng tinh nhạy…
Họ mà chúng tôi muốn nói đến ở đây chính là những người phụ nữ trong màu áo Công an nhân dân đang ngày đêm góp sức giữ gìn an ninh trật tự và bình yên cho thành phố (TP). Nhân kỷ niệm 113 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2023), chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc 2 “bông hồng” đang khoe sắc giữa “rừng hoa xinh tươi” của lực lượng Công an (CA) TPHCM.
Chuyện về nữ trinh sát dạn dày kinh nghiệm
Công tác truy nã tội phạm là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và nguy hiểm, có những lúc người tham gia phải đối mặt giữa sự sống và cái chết bởi những kẻ mang trên mình lệnh truy nã (LTN) thường là những đối tượng vô cùng liều lĩnh. Sau khi gây án, bọn chúng thường lẩn trốn ở vùng sâu, vùng xa, sau đó tìm cách thay tên đổi họ, tạo cho mình vỏ bọc lương thiện hòng che đậy thân phận với cơ quan chức năng. Có nhiều đối tượng thường phòng thân bằng “hàng nóng” để khi bị CA vây bắt sẵn sàng chống trả. Chính vì vậy, những cán bộ chiến sĩ (CBCS) tham gia truy nã không chỉ có lòng nhiệt huyết với nghề, mà còn phải dũng cảm, mưu trí... mới có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với Đại úy Phạm Thị Thơ - thành viên tổ truy nã - Đội CHSH CAQ5 cũng thế.
Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Thơ ước mơ sau này sẽ trở thành chiến sĩ CA để giữ gìn bình yên cho xã hội. Với năng lực và quyết tâm của mình, cuối cùng Thơ cũng đã đạt được ước mơ. Được phân công về tập sự tại CAQ5, Thơ nhanh chóng chứng tỏ bản lĩnh của mình khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thấy cô gái có thân hình mảnh khảnh nhưng giỏi về nghiệp vụ, BCH CAQ5 đánh giá cao năng lực của Thơ, đồng thời bố trí cô về tổ truy nã tội phạm thuộc Đội CHSH CA quận.
Nhiều lần cùng các đồng nghiệp nam vây bắt những đối tượng nguy hiểm, Thơ vẫn chứng tỏ được bản lĩnh nghiệp vụ và kinh nghiệm của mình. Đặc biệt, tận dụng ưu thế là nữ, nhiều đối tượng truy nã được Thơ cùng đồng đội đưa về quy án mà không cần tốn nhiều công sức, mồ hôi.
Đại úy Phạm Thị Thơ cùng đồng nghiệp nam bàn phương án truy bắt đối tượng truy nã
Nhiều lần cùng đồng đội truy bắt các đối tượng, Thơ luôn trăn trở bởi “Con người, ai sinh ra cũng không bao giờ muốn mình phải vào chốn lao tù. Cho dù là tội phạm nguy hiểm nhất, khi bị bắt giữ cũng đều tỏ ra hối tiếc cho những việc mình đã gây ra”. Với góc nhìn đa chiều, sâu lắng của một người phụ nữ, mỗi trường hợp thi hành nhiệm vụ, Thơ thường quan sát đến những thông tin phía sau và gia đình của họ. Đại úy Thơ kể lại câu chuyện trong lần truy bắt đối tượng truy nã Phạm Thị Mỹ H. ở Q12. Đó là một ngày cuối tháng 3-2022, khi nhận được thông tin về H., Thơ đã cùng đồng nghiệp lên xe trực chỉ nơi ở của H., đó là một căn nhà trọ ọp ẹp nằm trong khu lao động.
Trong một lần theo người quen đến một sòng bạc, dù trong túi chỉ có 300 ngàn đồng nhưng vì ham vui, H. đã phạm tội “đánh bạc”. Nhìn người phụ nữ tuổi trung niên bỏ lại hai đứa con 8 và 4 tuổi cho mẹ già trong căn phòng trọ chật chội, Thơ và đồng đội thoáng ngậm ngùi. Đưa đương sự lên xe về trại tạm giam, sau đó Thơ và Tuấn Anh (một đồng nghiệp nam) quay lại căn phòng trọ ấy, cả hai đã bỏ tiền túi giúp hai đứa trẻ con của H. “Người lớn có tội chứ không phải trẻ con anh à. Xác định như vậy nên tụi em giúp được phần nào thì cố gắng thôi” - Đại úy Thơ bộc bạch. Biết được tấm lòng và sự bao dung, nghĩa tình của các chiến sĩ CA trẻ, H. xúc động hứa sẽ cải tạo thật tốt để đáp lại tấm chân tình của họ.
Là cảnh sát truy nã tội phạm, Thơ và đồng đội luôn đặt nhiệm vụ lên hàng đầu. Dù bất cứ thời điểm nào, mỗi khi nhận được tin báo về đối tượng đang bị truy nã là cả tổ sẽ lập tức lên đường. Không những vậy, với tinh thần xung kích của người chiến sĩ Công an nhân dân và nhiệt huyết của tuổi trẻ, Đại úy Phạm Thị Thơ đều cố gắng phấn đấu, tham gia làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú. Từ khi nhận nhiệm vụ đến nay, tổ truy nã của Thơ đã giải quyết 39 hồ sơ với 23 đối tượng có LTN, trong đó có hơn 10 đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Mới đây nhất, sau khi Cơ quan CSĐT làm rõ vai trò của các đối tượng trong vụ “người làm công câu kết người ngoài làm nội ứng cướp số tài sản trị giá hàng tỷ đồng tại một biệt thư trên đường Trần Bình Trọng, Q5” gây xôn xao dư luận thời gian qua, các thành viên của tổ lại lên đường, đưa cả nhóm đối tượng trong vụ án trên về chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cho dù đã truy bắt thành công nhiều đối tượng truy nã, được nhiều đồng nghiệp nam quý trọng, tuy nhiên khi trở về với gia đình, Thơ là một người mẹ dịu hiền và là người vợ đảm đang. Vượt lên những khó khăn vất vả, với lòng yêu ngành, yêu nghề, luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, Đại úy Phạm Thị Thơ xứng đáng được ví như một bông hoa tươi của lực lượng CATP.
Người đội phó cần mẫn
Ngày đầu tháng ba, tôi có dịp gặp Đại úy Trần Thị Thanh Xuân, một trong những bông hoa xinh đẹp của Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Nhà Bè, TPHCM.
Là Phó Đội trưởng, Đại úy Xuân luôn có tinh thần học hỏi, nghiên cứu nâng cao trình độ, năng lực phục vụ yêu cầu công tác. Chị năng nổ, nhiệt tình, say mê với công tác chuyên môn, đặc biệt là làm tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo đơn vị cụ thể hóa các nội dung công tác và chủ động đề xuất các giải pháp phù hợp đem lại hiệu quả cao.
Trong vai trò chỉ huy Đội, chị Xuân phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân đi đôi với kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ. Không vì bản thân là nữ mà ngại khó, ngại khổ hay đòi hỏi sự ưu tiên, chị luôn chủ động tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ trong công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính, khám nghiệm hiện trường, điều tra giải quyết tai nạn giao thông… Trên quan điểm muốn trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cùng cán bộ, chiến sĩ để nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn làm cơ sở để chỉ đạo, điều hành công tác, đồng thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Trong hoạt động phong trào, đồng chí Xuân thực hiện rất tốt việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với “Cuộc vận động xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về lực lượng Công an nhân dân.
Trong giai đoạn khó khăn, cả TPHCM gồng mình chống dịch, chị đã tham gia hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân địa phương trong thời gian phòng, chống dịch Covid19; góp phần mua sắm, trao tặng 50 bộ dụng cụ học tập cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích học tập cao trên địa bàn huyện Nhà Bè. Tham gia tổ chức chương trình “Giọt máu hồng tình nguyện”; thăm hỏi và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng; tham gia chương trình thăm hỏi, khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho gia đình Thương binh liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Nhà Bè; tổ chức hoạt động “Tiếp sức đến trường” trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia năm 2022 trên địa bàn huyện: tặng nước suối, khăn lạnh cho học sinh và phụ huynh học sinh tham gia kỳ thi, qua đó kết hợp phát cẩm nang tuyên truyền về an toàn giao thông…
Nữ Đại uý Trần Thị Thanh Xuân
Khi được hỏi điều gì đã giúp Đại úy Xuân vượt qua những khó khăn trong công việc và cuộc sống, chị cho biết bản thân có chồng công tác trong cùng lực lượng nên dễ thấu hiểu được sự vất vả của người phụ nữ công tác trong ngành Công an, nhất là lực lượng Cảnh sát giao thông phải thường trực chiến đấu, đồng thời cũng rất may mắn khi được gia đình ủng hộ, khích lệ tinh thần và tạo điều kiện tốt nhất để an tâm công tác. Về bản thân mình, Đại úy Xuân luôn tự nhắc nhở mình không ngừng nỗ lực, rèn luyện và thường xuyên tự soi, tự sửa theo tiêu chí 5K “Kiến thức, Kinh nghiệm, Kỷ luật, Kiên trì, Khéo léo”.
Chị thân tình chia sẻ: “Còn nhớ vào tháng 7/2022, khi TPHCM có quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 09/7/2021 đến ngày 01/10/2021 thành phố mới bước vào trạng thái bình thường mới. Trong thời gian đó việc cách ly rất nghiêm ngặt, “gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố”. Thời gian đó, tôi ở luôn tại đơn vị và xung phong thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch, trong đó có việc kiểm soát người và phương tiện lưu thông qua chốt. Tôi tự cách ly với gia đình vì ý thức được bản thân thuộc nhóm nguy cơ cao dễ mắc Covid-19. Chồng tôi công tác trong cùng lực lượng nên cũng như tôi, xa nhà cả tháng trời. Mặc dù vậy, hai vợ chồng tôi vẫn an tâm công tác vì luôn may mắn được gia đình ủng hộ và tạo điều kiện, nhất là trong việc chăm sóc cô con gái nhỏ mới hơn 2 tuổi”, chị Xuân cười tươi cho biết.
Với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ, cùng với sự giúp đỡ, động viên, hỗ trợ của Ban Chỉ huy Công an huyện Nhà Bè cũng như tập thể Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện, trong suốt thời gian công tác tại đây, Đại úy Trần Thị Thanh Xuân đã được trao tặng 1 bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, 6 giấy khen của Giám đốc Công an TPHCM, 2 giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè. Ngoài ra, trong công tác Đoàn, Hội, chị còn nhận được giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, giấy khen của Chủ tịch Hội LHPN huyện Nhà Bè, giấy khen của Huyện đoàn Nhà Bè…