Trong những năm tháng đấu tranh quyết liệt, giải quyết vấn đề Fulro tại vùng đất Lâm Đồng – Nam Tây Nguyên, tính mạng của ông và đồng đội nhiều khi ‘ngàn cân treo sợi tóc’.
Từ người lính mang quân hàm Trung sỹ, sau hơn 35 năm công tác, đến nay, ông giữ trọng trách Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, cấp bậc Thiếu tướng. Đó là cả quá trình nỗ lực phấn đấu, vươn lên không ngừng của người chiến sỹ CAND Việt Nam.
Gian nan cuộc chiến chống Fulro
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn (SN 1959) là con thứ hai trong gia đình có 7 chị em, cha là cán bộ huyện, thường xuyên công tác vắng nhà, mẹ làm nông. Từ nhỏ, ngoài giờ học, ông cùng mẹ cáng đáng công việc của gia đình.
Năm 1981, kết thúc khóa học tại Trường hạ sĩ quan ANND (nay là Trường Cao đẳng ANND) tại Hà Nội, 100 sinh viên được chọn điều động vào 3 tỉnh Tây Nguyên; ông Sơn khi đó cùng hơn 30 sinh viên khác được phân công vào Lâm Đồng.
“Do yêu cầu của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), các anh được tăng cường cho các tỉnh Tây Nguyên để giải quyết vấn đề Fulro”, cán bộ Tổ chức và nhà trường khi đó nêu rõ nhiệm vụ cho các sinh viên mới ra trường.
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn (Ảnh Tiến Dũng)
Tại Tây Nguyên sau năm 1975, số tàn quân chế độ cũ trốn trình diện, học tập cải tạo, kết hợp số binh lính người Thượng (từ họ gọi chung các sắc tộc Tây Nguyên: K’Ho, Ê-đê, Ba Na, Ja Rai, M’Nông...) theo Fulro, kích động, lôi kéo đồng bào chạy vào rừng, thành lập lực lượng chống phá cách mạng.
Tại Lâm Đồng, chúng lôi kéo được hơn 3.000 người, biên chế thành 2 sư đoàn, 8 trung đoàn, 1 tiểu đoàn trinh sát, lập ra Quân khu 4 Fulro, thường xuyên bắt, giết cán bộ cơ sở, tấn công trụ sở bộ đội, chính quyền...
Đầu năm 1981, Fulro tiếp tục lôi kéo thanh niên vào rừng tham gia Fulro, đưa qua Campuchia huấn luyện; có buôn làng gần như không còn phụ nữ, thanh niên. Bên cạnh tổ chức Fulro, chúng còn lập hệ thống mạng lưới cơ sở nằm vùng trong dân, ráo riết đẩy mạnh các hoạt động vũ trang chống phá chính quyền với nhiều hình thức như: phục kích, tập kích, đột ấp, rải truyền đơn, ám sát, cướp bóc, khống chế quần chúng… gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản.
Lực lượng Fulro tại Tây Nguyên, trong đó Lâm Đồng là nơi tập trung nhiều tên chỉ huy đầu não đã gây nhiều khó khăn, phức tạp về tình hình an ninh chính trị, gây tâm lý hoang mang cả vùng Tây Nguyên.
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị chỉ đạo các lực lượng vũ trang Tây Nguyên quyết tâm bám trụ vững chắc với bà con dân tộc, không để kẻ địch kích động, lôi kéo thanh niên vào rừng; các cấp, các ngành tập trung phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc; đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền...
Đội Trinh sát vũ trang truy quét Fulro được phân công thành nhiều tổ công tác xuống với bà con buôn, làng; những vùng trọng điểm trong toàn tỉnh.
Là trinh sát trẻ, chiến sĩ Bùi Văn Sơn đã sớm thể hiện bản lĩnh. Sau vài đợt công tác, báo cáo tình hình và hướng giải quyết hiệu quả, anh được cấp trên tin tưởng, sau được phân công phụ trách mũi công tác tại vùng Phi Tô của huyện Đức Trọng (nay thuộc huyện Lâm Hà), rồi lăn lộn, xông pha tại các địa bàn “gai góc”, từ Păng Tiêng (xã Lát, huyện Lạc Dương) tới các huyện Di Linh, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Cát Tiên....
"Những ngày đầu chúng tôi xuống địa bàn chưa quen môi trường công tác, phong tục tập quán, sinh hoạt của bà con... Vậy mà anh Sơn đã tỏ ra rất am tường, gắn bó, nói rất tốt tiếng của đồng bào, am hiểu tập quán, văn hóa của họ. Anh hăng hái làm việc với các đoàn thể tại địa phương, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chăm lo đời sống cho những hộ gia đình có con em theo Fulro, thực hiện phương châm "bốn cùng" với bà con (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chung tiếng nói), từ đó các gia đình đã tác động con em từ bỏ Fulro về buôn làng..." – một Đại tá, nguyên lãnh đạo Công an Lâm Đồng kể về Thiếu tướng Sơn.
Vừa làm, vừa học, tháng 8-1989, đồng chí Bùi Văn Sơn thi vào đại học, sau đó trở lại đơn vị công tác với cấp hàm Đại úy, anh Sơn được bổ nhiệm làm Đội trưởng Đội đấu tranh chống phản động lợi dụng dân tộc ít người.
Ở cương vị mới, anh tiếp tục sâu sát với quần chúng, tuyên truyền, vận động bà con đồng bào làm kinh tế, giữ gìn an ninh buôn làng, ủng hộ chính quyền... Anh tiếp quản, chỉ đạo một tổ công tác gồm toàn đồng bào dân tộc từng là Fulro về hàng, được giác ngộ, trở thành lực lượng trực tiếp hoạt động vũ trang cho ngành Công an. Hiệu quả của công tác này rất lớn, góp phần quan trọng trong việc đập tan các âm mưu, kế hoạch của bọn Fulro do chính số này nắm, phát hiện, dẫn đường, truy kích...
Kể về kỷ niệm nhớ đời với nhóm ‘chuyên săn’ Fulro, Thiếu tướng Sơn hồi tưởng: "Khoảng năm 1989, tôi dẫn đầu một nhóm 6 người, chỉ mình tôi là người kinh, băng rừng truy quét Fulro ở huyện Đạ Tẻh. Kế hoạch công tác là 7 ngày đi bộ xuyên rừng, nhưng được 2 ngày, anh em trong đoàn gợi ý xin nhậu một bữa để có sức chiến đấu!
Chiều lòng mọi người, lúc dừng chân nghỉ ngơi, tôi để họ uống rượu với thực phẩm, lương khô mang theo. Điều không lường trước, khi say rượu rồi họ trở nên hung dữ, cự lại mệnh lệnh, quyết liệt đòi về, không chịu đi truy quét Fulro nữa. Tôi dùng thái độ mềm mỏng khuyên giải, họ vẫn không nghe. Ở giữa rừng, ai cũng có súng, cương với người đồng bào và đã từng theo Fulro là không ổn. Tôi buộc phải cùng nhóm quay về, nhận lỗi với chỉ huy và tìm tổ ‘chuyên săn’ khác thực hiện bằng được kế hoạch công tác đã đề ra…".
Bộ Chính trị nhận định, về bản chất, Fulro vốn là tay sai của các thế lực thù địch, phản động, âm mưu phá hoại sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam, phá hoại thành quả cách mạng của ta, xuyên tạc các chính sách của Đảng, nhà nước, phục vụ âm mưu chính trị lâu dài. Do đó, chúng không dễ dàng tử bỏ kế hoạch chống phá ta, vấn đề chỉ là thời gian, phương thức, thủ đoạn.
Bản thân Thiếu tướng Sơn và đồng đội từng nhiều lần thoát chết trong “đường tơ kẽ tóc” khi bị Fulro tập kích giữa rừng...
“K’Sơn! - người con của buôn làng
Là lính an ninh công tác ở đơn vị đặc thù, thời trai trẻ, Thiếu tướng Sơn thường xuyên phải nằm vùng, bám dân, bám buôn làng để thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Hồi ấy, Tây Nguyên khí hậu khắc nghiệt, bệnh sốt rét hoành hành, trở thành đại dịch. Nhiều trường hợp không được cứu chữa kịp thời biến chứng thành sốt rét ác tính, gây tử vong! Nguy hiểm là thế nhưng đội ngũ y tá, bác sỹ lại rất hiếm hoi, chỉ ở trung tâm huyện, thị xã, tỉnh mới có bệnh viện, trạm y tế, còn tại các xã và nơi vùng sâu, vùng xa, khu vực có Fulro trú ngụ thì không!
Chuyện làm ‘bác sĩ’, ‘bà đỡ’ bất đắc dĩ của cán bộ Sơn được bắt đầu trong một lần anh đến khám chữa bệnh tại Trạm Y tế Đà Lạt, được nữ y tá đồng hương tặng một cuốn tài liệu ngành y, hướng dẫn cách phát hiện, điều trị một số căn bệnh.
Anh mày mò nghiên cứu, học hỏi phương pháp khám, các triệu chứng lâm sàng, dịch tễ, cách chích thuốc ven, bắp... và trở thành ‘bác sĩ’ cho chính mình, đồng đội và bà con dân tộc. Nhờ những liều thuốc chữa sốt rét cán bộ an ninh chia sẻ, được cán bộ Sơn khám, chữa bệnh kịp thời mà nhiều người thoát những trận ốm đau nguy kịch, bà con đã yêu quý, gọi anh là ‘K’Sơn!, Bạp Hiếu!’ (cách gọi trìu mến của bà con với người họ yêu quý và khi người này có con thì gọi theo tên con đầu; K’ giống như tên lót của người Kinh; Bạp là cha, bố...).
Nhiều Fulro nghe người thân kể lại về cán bộ tốt, chữa bệnh, cho gạo, thức ăn, cùng lao động tạo ra ngô, khoai, sắn (mì)... họ dần giác ngộ, từ bỏ hàng ngũ Fulro, trở về với gia đình, buôn làng.
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn (hàng ngồi, thứ 2 từ trái sang) và lãnh đạo huyện Bảo Lâm gặp gỡ người thân nạn nhân một vụ trọng án ở huyện Bảo Lâm
Không chỉ giỏi chữa bệnh cho nhiều người, cán bộ Sơn còn làm... bà đỡ cho vài ba sản phụ đều là đồng bào dân tộc trong buôn làng. Anh rành rẽ việc làm sao để đón một đứa trẻ sinh ra an toàn; biểu hiện bệnh lý thế nào thì phải cho đi viện gấp, cả việc phải tiêm thế nào để không bị chứng áp-xe...
Không chỉ được lòng bà con, đồng đội, Thiếu tướng Sơn còn khiến nhiều vị chức sắc trong Fulro cảm kích, quý mến, tin tưởng bởi cách thu phục nhân tâm đầy tính nhân văn, nhân ái.
Ông Kră Jăn Ha Xuyên (SN 1950), nguyên ‘Tư lệnh Quân khu 4 Fulro’, hiện cùng gia đình ở huyện Đam Rông, kể: ‘Ông Sơn tốt lắm, lễ, tết đều gửi quà cho gia đình tôi. Nào bánh, mứt, rượu trà... đủ cả, giá trị hàng mấy triệu đồng, thỉnh thoảng lại gửi tiền. Mình thì không có gì đáp lại, chỉ có tấm lòng thôi. Đôi khi cũng tặng thực phẩm nhà trồng được, gọi là có qua có lại.
Tôi phục ông Sơn lắm, khi lần đầu biết nhau, ông Sơn còn rất trẻ, nhưng nói được tiếng đồng bào tôi, ăn cà đắng, lá bép với thịt heo thối của đồng bào chúng tôi, tình cảm lắm. Cán bộ tốt thì mình giúp cán bộ thôi. Tôi biết gì về Fulro đều kể hết với ông ấy...’.
Dù ở bất cứ vị trí nào, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn cũng vẫn rất giản dị, chan hòa với mọi người, với đồng đội. Khi ở vị trí lãnh đạo, ‘đầu tàu’, ông có nhiều chỉ đạo mang tính hoạch định chiến lược cho toàn đơn vị, là người anh cả gương mẫu để cấp dưới noi theo.