20 năm bán đậu chỉ để làm từ thiện
"Ông lão từ thiện" là cái tên trìu mến mà nhiều người ở TP.Kon Tum vẫn thường dùng mỗi khi nhắc đến ông Lưu Bình (89 tuổi), có "thâm niên" hơn 20 năm bán đậu phộng để làm chuyện “bao đồng”. Những hạt đậu thơm ngon "đi cùng năm tháng" của ông Bình đã giúp không biết bao nhiêu mảnh đời khốn khó ở thành phố nhỏ trên cao nguyên này.
Suốt hàng chục năm qua, đều đặn mỗi ngày, hành trình của ông bắt đầu từ 6 giờ sáng trên chiếc xe đạp xuất phát từ một con đường nhỏ dọc sông Đăk Bla (P.Quyết Thắng, TP.Kon Tum), rong ruổi qua khắp các con phố để bán đậu phộng. Công việc kết thúc khi 10kg đậu chở sau xe được bán hết, đôi khi là gần nửa đêm.
Chúng tôi ghé thăm nhà ông vào một ngày nắng oi ả. Mặc dù năm nay đã 89 tuổi, nhưng nhìn ông Bình vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Với bộ quần áo bà ba màu trắng đục, ông nở nụ cười hiền từ mời khách vào nhà. “Các con ngồi chơi uống nước, ông đang dở tay rang mẻ đậu để chiều đi bán cho kịp”, ông Bình phúc hậu nói.
Ông Bình nổi lửa, đem đậu vào cái máy rang do con ông chế ra để rang từng mẻ. Chỉ hơn 15 phút, 10kg đậu đã được ông Bình rang xong, đóng gói, cột lên phía sau xe đạp. Xong việc, ông Bình rót nước mời khách, ông kể cho chúng tôi nghe về kí ức xưa cũ của mình.
Cụ ông Lưu Bình rang đậu bên chiếc máy tự chế do con trai làm cho
Cách đây hơn 20 năm khi tuổi đã già, công việc trên nương rẫy không còn phù hợp, ông quyết định đi bán đậu phộng dạo. Cứ 6 giờ sáng hằng ngày, ông dậy đi mua 10kg đậu rồi đem về nhà rang lên. Đến chiều, ông đạp chiếc xe khắp các tuyến phố đến khi nào bán hết đậu mới về.
“Cũng chính đi nhiều, chứng kiến được nhiều mảnh đời bất hạnh, khiến trong thâm tâm tôi thôi lúc phải làm điều gì đó. Tiền thì không có nhiều, tôi lấy hết những gì bán đậu được để giúp đỡ. Sau này, cứ thấy ai có hoàn cảnh, tôi đến thăm hỏi, giúp đỡ”, ông Bình nhớ lại.
Cách đây 5 năm, ông đi bán đậu trước cổng bệnh viện, gặp nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, không có tiền chạy chữa thuốc thang, viện phí, thậm chí không đủ tiền mua thức ăn, ông quyết tâm thành lập tủ bánh mì từ thiện để đặt tại đây.
“Tôi thuê thợ đóng cho 1 cái tủ kính đặt ở trước cổng Bệnh viện Đa khoa Kon Tum rồi mua bánh mì bỏ vào. Những ngày đầu, tôi dậy từ 5 giờ sáng đi mua 50 ổ bánh và đứng ra phát để cho mọi người quen địa điểm. Tuy nhiên chỉ trong tích tắc, 50 ổ phát không còn cái nào. Những ngày sau, tôi mua 100 cái với giá 130.000 đồng phát cho đủ. Khi mọi người đã quen, tôi đặt sẵn 100 ổ, sáng nào chủ tiệm bánh cũng mang tới bỏ vào tủ kính. Tôi không phát, để mọi người lấy mà không phải ái ngại. Với lại, tôi còn phải đi bán đậu để lấy chi phí lo cho tủ bánh mì và nhiều công việc thiện nguyện khác” – ông Bình cho biết.
Chiếc xe đạp đã gắn bó với ông 20 năm đi bán đậu
Hiện một số người thấy việc làm ý nghĩa nên đến giúp đỡ tủ bánh mì, đa phần là người lớn tuổi, cùng một số ít bạn trẻ làm nhiều nghề khác nhau. Một số người kinh tế không khá giả, làm thuê làm mướn cũng mua bánh mì bỏ vào tủ giúp người nghèo. Khi tủ bánh mì đã có nhiều người lo, ông Bình chuyển sang mua gạo đóng góp cho nồi cơm từ thiện ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Khoảng vài ngày, ông lại mua 10kg gạo đem đến bếp cơm từ thiện nấu cháo cho các bệnh nhân nghèo.
Còn sức vẫn còn đi bán đậu làm từ thiện
Con số cụ thể về số tiền ông làm từ thiện và những trường hợp được giúp đỡ hơn 20 năm qua, ông Bình không nhớ hết. Quan điểm của ông là khi mình giúp cho ai việc gì thì phải giúp hết lòng hết sức, xong rồi hãy quên đi. Cứ mỗi khi giúp đỡ được cho một gia đình khó khăn hoạn nạn là ông cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm hẳn đi.
Ông Bình nói: "Chuyện thiện nguyện xuất phát từ cái tâm nên không phải để kể công. Mình làm việc thầm lặng, không muốn ồn ào, người được giúp lại càng không". Mặc dù vậy, người dân TP.Kon Tum vẫn nhận ra ông già bán đậu phộng dạo mỗi khi gặp và gọi ông với cái tên thân thương “ông già từ thiện”.
Hằng ngày, ông đi khắp các con phố bán đậu để dành tiền làm từ thiện
Cứ năm này qua năm khác rong ruổi, tóc ông đã bạc hết mái đầu, thế nhưng đôi chân của ông thì không muốn dừng lại. Ông nói rằng, với ông không có ngày thứ bảy, chủ nhật. Kể cả những ngày mưa gió, ông vẫn đi bán. Ngày nào ông nghỉ khi người ông quá mệt, bước chân không thể nhích được. Còn đã đi bán là phải bán hết đậu, có đủ số tiền cho những dự định sẽ làm thì mới về nhà.
Nhìn đồng hồ, đã đến giờ ông Bình đi bán đậu. Xỏ chiếc áo rộng thùng thình bên ngoài cho đỡ nắng, ông Bình leo lên chiếc xe đạp, chạy lòng vòng đến các quán nhậu, quan ăn, quán nước… Đến đâu, ông cũng dựng chiếc xe đạp cẩn thận, bước vào mời mọi người mua đậu. Rất nhiều người khách từ xa đã nhận ra “ông già từ thiện” nên chạy tới mua. Một bịch đậu giá 10.000 đồng. Nhiều người còn gửi thêm tiền để góp vào cho ông đi làm từ thiện. Chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ, 10kg đậu đã bán hết.
“Hôm nay, có các con đi bán cùng nên hết sớm hơn mọi ngày. 10kg đậu bán được 500.000 đồng, gần 300.000 tiền vốn ông giữa lại để mua nguyên liệu, còn hơn 200.000 đồng để riêng ra làm từ thiện”, ông Bình vừa nói vừa dắt chiếc xe đạp đi ra khỏi quán.
Bán hết đậu phộng, ông Bình lấy tiền lãi mua gạo cho nồi cơm từ thiện ở bệnh viện
“Có những lúc mưa to, gió lớn đi bán đậu về, người tôi ướt sũng, mai bị cảm lạnh. Những ngày ốm như thế, tôi luôn có được sự động viên của gia đình, hàng xóm và đặc biệt là những người đã quen với gói đậu của tôi. Do đi nhiều, được làm việc mình thích nên không ốm lâu được, cứ vài hôm là khỏi và tôi lại đi bán đậu. Công việc từ thiện làm cho cái tâm trong sáng, nên dù đã già nhưng tôi còn đủ sức đạp xe đi khắp thành phố”, ông Bình tâm sự.
Bà Phạm Thị Tố Loan – Phó chủ tịch phường Quyết Thắng, TP.Kon Tum cho biết, ông Lưu Bình là một gương điển hình trong các hoạt động, phong trào an sinh xã hội của địa phương. Chuyện ông Bình bán đậu, làm từ thiện được nhiều người dân biết đến và chính quyền địa phương ghi nhận. Hằng năm vào các dịp lễ Tết, ông Bình cũng sắm từ 30 đến 40 suất quà lên phường hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn.