Cụ ông 76 tuổi ‘canh miệng hà bá’ trên Biển Hồ

Thứ Tư, 25/01/2017 07:03  | Chí Dũng

|

(CAO) “Người hùng phố núi” hay “Ông già Biển Hồ” là những biệt danh mà người dân phố núi Pleiku (Gia Lai) gọi về ông Quách Trọng Hoan (SN 1941, trú tại xã Biển Hồ, TP Pleiku), bởi những kỳ tích cứu người, vớt xác.

Cụ ông 76 tuổi “canh miệng hà bá”

Biển Hồ một miệng núi lửa đã tắt với diện tích khoảng 280ha, quanh năm nước luôn trong xanh in bóng núi rừng Tây Nguyên nhưng cũng là nơi xảy ra biết bao kỷ niệm đối với “Người hùng phố núi” này.

Vốn là một người lính cụ Hồ, khi đất nước được hòa bình, thống nhất, ông đã về nơi đây sinh sống, và như một cơ duyên ông kiêm luôn cái việc “canh miệng hà bá ở Biển Hồ”. Hằng ngày, với chiếc thuyền nhỏ, ông Hoan lênh đênh trên mặt nước làm nghề chài lưới. Khi cần, ông cùng chiếc thuyền đi tới những ngõ ngách ở Biển Hồ để tham gia cứu người.

Chiếc thuyền nhỏ và “Ông già Biển Hồ” trên Biển Hồ

Theo ông Hoan, số lượng người ông đã cứu sống và vớt thi thể chết đuối, theo nhẩm tính con số trên 80 người. Số người cụ thể được cứu và bao nhiêu thi thể được ông trục vớt, ông không thể nhớ hết. Chỉ có, những vụ đuối nước làm ông day dứt thì ông vẫn nhớ như in.

Ông Hoan trầm ngâm kể: "Năm 2011, một nhóm 7 em học sinh lớp 11 đi chơi, trời nổi gió âm u, tôi thấy nguy hiểm nên cố ra ngăn lại. Các em học sinh không nghe, nhất quyết thuê thuyền, bảo người lái đò chèo ra giữa hồ chơi. Thuyền không may bị lật, 7 em bị chìm dưới nước.

Khi nghe tiếng kêu cứu, tôi đã cố chạy thật nhanh, nhưng vì ở bên kia sườn đồi, khi đến chỉ kịp cứu sống 1 đứa, còn 6 đứa khác chỉ vớt được xác. Tai nạn đó khiến tôi ân hận mãi, nếu như mình kiên quyết ngăn cản không cho người lái đò chở chúng ra ra thì có lẽ mọi chuyện đã khác!"

Tấm biển khi cần hãy gọi tôi được treo ngay tại cửa

Cũng theo ông Hoan, có nhiều vụ chết đuối kỳ lạ xảy ra tại Biển Hồ: "Người biết bơi thì lại chết, người không biết bơi thì được sống. Lúc đó, có một thuyền của người dân đi qua Biển Hồ để làm rẫy. Trên thuyền có 4 người đàn ông biết bơi, một học sinh tiểu học và một phụ nữ mang bầu.

Ra giữa lòng hồ thuyền bị lật, 4 người đàn ông cố bơi vào bờ để thoát thân nhưng bờ quá xa nên đuối sức và chết. Còn đứa bé may mắn bám vào được một can nhựa, người phụ nữ bám vào mạn thuyền. May mắn, lúc đó tôi ở nhà đã vội vàng chèo thuyền ra đưa lên".

Cảm phục ông già Biền Hồ

Ngoài những chuyện đau lòng liên quan đến đuối nước, Biển Hồ còn mang lại cho ông Hoan nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm khó quên nhất là cuối năm 2015, ông Hoan đã vớt được xác máy bay Mỹ bị rơi trong thời chiến tranh dưới đáy Biển Hồ.

Cũng do hay lặn xuống dưới Biển Hồ cứu người nên ông phát hiện có 1 vật lớn nằm sâu dưới đáy, rất giống máy bay. Cuối năm, khi công việc đã nhàn rỗi, ông Hoan đã cùng một số bạn lặn xuống lòng Biển Hồ, đoạn sâu chừng 22m, vớt xác máy bay lên.

Sau gần hơn 1 tuần, ông Hoan cùng cộng sự đã đưa được gần như toàn bộ xác máy bay dưới lòng hồ lên, trước sự ngỡ ngàng của hàng nghìn người dân chứng kiến. Hiện những bộ phận quan trọng của chiếc máy bay vẫn được ông giữ lại trong nhà để làm kỷ niệm.

Giờ đã bước sang tuổi 76, nhưng công việc cứu nạn trên sông suối lại tăng lên. Ông không chỉ vớt xác trong khu vực Biển Hồ, nhiều trường hợp đuối nước ở các địa phương khác không có ai vớt được đã phải gọi tới ông. Từ đầu năm đến nay, ông đã hơn chục lần rời khỏi Biển Hồ đến các sông suối, hồ đập để tham gia cứu, vớt nạn nhân đuối nước.

Ông cùng các chiến sĩ Cảnh sát Cứu hộ cứu nạn – PCCC tham gia cứu hộ người mất tích

Mới đây, vào tháng 11-2016, em Dương Thanh Tùng (học sinh lớp 12, Trường THPT Lê Hoàn, trú thị trấn Chư Ty, Đức Cơ, Gia Lai) khi thấy bạn bị trượt chân ngã xuống lòng hồ thủy điện, Tùng đã dũng cảm tham gia cứu bạn. Khi cứu được bạn, em không may bị ngã xuống dưới lòng hồ. Mặc dù, được các bạn bè và người dân tích cực tìm kiếm nhưng vẫn không tìm thấy em.

Nhận được tin, ông Hoan đánh xe máy hơn 70km đến tham gia tìm kiếm ngay trong đêm. Đến hơn 20 giờ đêm, ông Hoan đã tìm được thi thể cậu học sinh dũng cảm.

“Cháu nó dũng cảm cứu bạn, một hành động đẹp của lứa tuổi học sinh. Được biết, cháu là con cả trong gia đình có 2 anh em, và là một học sinh giỏi. Hoàn cảnh gia đình cháu rất khó khăn, cha mẹ bị đau bệnh. Khi biết tin cháu bị đuối nước, tôi không ngần ngại xách xe và đi, nhưng khi tìm được thì cháu “đã đi” lâu rồi” - ông Hoan nghẹn ngào nói.

Cảm phục những việc làm thầm lặng nhưng đáng tự hào của ông Hoan, người dân phố núi đã đặt tên ông cho một ngọn núi - núi Joanueng theo ngôn ngữ của người Jarai có nghĩa là “Ông già Biển Hồ”. Ông cũng được Nhà nước tặng giải thưởng KoVa để ghi nhận những thành tích cứu người và những việc thiện ông đã làm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang