Niềm vui trên chuyến xe nghĩa tình
Tối 19-1-2017, chiếc xe khách chở hơn 40 con người bắt đầu lăn bánh rời nội đô thành phố. Họ là những người nông dân đến từ Phú Yên xa xôi vào Sài Gòn hành nghề bán vé số, phụ hồ để kiếm thêm thu nhập, nay về quê ăn Tết. Trên xe lúc này, chủ đề được bàn tán rôm rả nhất chính là câu chuyện về chuyến xe nghĩa tình.
Những “cư dân vé số” đang tất bật chất hành lý lên xe trước giờ chuyến xe từ thiện lăn bánh
Còn nhớ, chỉ cách đây hơn 2 tuần trước, một bài viết trên Báo Công an TPHCM về hoàn cảnh của một xóm vé xố người xứ “nẫu” với ước mong có được một cái Tết đoàn viên sau ảnh hưởng nặng nề của trận bão lũ lịch sử, đã khiến cho nhiều bạn đọc xúc động.
Ngay sau đó, một chuyến xe từ thiện đã được Báo Công an TPHCM khởi xướng với mục đích hỗ trợ cho những phận đời gặp khó khăn tương tự như trong bài viết này có thể về quê đón Tết. Và ngày hôm nay, chuyến xe ấy được bà con gọi là: “Chuyến xe nghĩa tình”.
Hơn 40 người dân có hoàn cảnh khó khăn tại Phú Yên vào Sài Gòn làm thuê hồ hởi khi được Báo Công an TPHCM tổ chức xe về Tết miễn phí
Chị Dư (40 tuổi, nhà ở thôn xã Hoà Hiệp Trung, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên) từ lúc bước lên xe tới giờ miệng cười không ngớt vì hạnh phúc khi được về quê đón Tết. Chị nói chỉ một vài ngày trước, chị đã nghĩ rằng Tết năm nay mình phải xa chồng con, ở lại Sài Gòn vì không đủ tiền mua vé về quê. “Mới 2 ngày trước chị gọi về nhà, bé gái con chị hỏi khi nào mẹ về? Lúc đó chị nói chắc năm nay ở lại, bé khóc. Nghe mấy bà làm chung nói có chuyến xe từ thiện do Báo Công an TPHCM tổ chức, chị mừng quá chừng, vội đăng ký ngay. Giờ lên được xe rồi chị vui không tả nổi”, chị Dư nói xong, mắt rơm rớm.
Còn bà Bảy Sáo (65 tuổi, nhà ở xã Hoà Vinh, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên) khi kể về duyên cớ theo đoàn xe này cũng không khỏi ngậm ngùi. Vốn là thành viên trong xóm vé số trên đường Võ Văn Tần, Q.3, cũng như bao người dân Phú Yên khác tha hương vào Sài Gòn mưu sinh, cuộc sống của bà Sáo khá cơ cực.
Hằng ngày, để kiếm được đồng tiền lời từ những tờ vé số, bà phải đi bộ hàng chục cây số. Vì cuộc sống khó khăn, năm trước, bà Sáo cùng chồng đã phải chấp nhận ở lại Sài Gòn đón Tết. Năm nay, nghe đồng hương “thổi tai” nhau về chuyến xe thiện nguyện, bà Sáo vội đăng ký để về. “Mừng và hạnh phúc lắm! Được về quê trên một chuyến xe rộng rãi, khang trang như thế này thì không gì bằng. Mình vui không chỉ vì được đi xe miễn phí mà còn vì được xã hội quan tâm”, bà Sáo xúc động.
Món quà yêu thương
Suốt cả chặng đường dài hơn 10 tiếng, chúng tôi còn được nghe những “cư dân vé số” kể lại khá nhiều câu chuyện “ngẫm ra nước mắt”. Câu chuyện đầu tiên là hoàn cảnh của bà Lanh (75 tuổi, quê ở xã Phú Mỹ, huyện Tây Hoà, Phú Yên).
Ở quê làm không ra tiền, thấy con cái vất vả, dù già yếu nhưng bà Lanh vẫn tha hương vào Sài Gòn bán vé số tự nuôi bản thân. Mới mấy ngày đầu, chưa quen đường, quen nghề, bà liên tục bị lạc hoặc bị kẻ xấu lừa gạt. “Về nhà mà 2 chân bủn rủn. Đã mệt, còn bị người ta dụ lấy mất cọc vé số hơn 3 triệu đồng, tôi ăn cơm mà nước mắt lưng tròng”, bà Lanh ngậm ngùi.
Nụ cười tươi rói của chị Dư vì năm nay được về quê đón Tết trên chuyến xe nghĩa tình
Thương bà, nhiều đồng nghiệp đã gom tiền để bà có vốn mua vé số ngày mai bán tiếp. Cuộc sống khắc nghiệt ngày này qua ngày nọ cũng khiến bà Lanh thích nghi và đến nay, bà đã có thâm niên hơn 5 năm bán vé số tại Sài Gòn.
“Đúng là Sài Gòn khắc nghiệt nhưng nếu không có mảnh đất này, thì chúng tôi không biết dựa vào đâu” – câu chuyện của bà Lanh bị cắt ngang bởi ông Tấn (50 tuổi – làm bảo vệ tại Q.2). Kể từ đó, những câu chuyện nghĩa hiệp của người Sài Gòn được hàng loạt người trên xe kể lại trong niềm biết ơn vô hạn.
“Quê mình bão lũ quanh năm, nếu không có nghề bán vé số này, nếu không có đất Sài Gòn, thì nhà tôi không biết lấy gì để sinh nhai” – chị Thanh, quê ở huyện Sông Cầu (làm phụ hồ tại Q.Thủ Đức), nói.
Chị Thanh kể, cũng có lần trên đường đi bán ở Q.3, chị bị kẻ xấu giật mất cọc vé số. Thấy chị tội nghiệp, người dân gần đó đã quyên góp ngay để chị có đền tiền lại cho đại lý.
Đó chỉ là một trong vô số lần người dân Phú Yên hành nghề bán vé số được những tấm lòng nghĩa hiệp ở Sài Gòn giúp đỡ. Họ xem những nghĩa cử đó là động lực để sống tốt hơn, cố gắng thoát khỏi cảnh nghèo. “Chúng tôi rất biết ơn những con người nhân ái. Chuyến xe từ thiện này cũng như hàng trăm lần khác được người Sài Gòn giúp đỡ, đối với chúng tôi, đó luôn là món quà yêu thương mà cuộc sống ban tặng. Và chúng tôi sẽ luôn biết ơn vì điều đó” – ông Đức, thành viên xóm vé số ở đường Nguyễn Văn Cừ, Q.5, bày tỏ lòng tri ân.
Chuyến xe kết thúc hành trình vào 5h30 sáng tại bến xe Phú Lâm, TP.Tuy Hoà. Cái lạnh tê tái lúc này không khiến cho những người trên xe run rẩy. Dường như ai cũng nóng rực, bởi họ đang nôn nao có được cái Tết đoàn viên sau một năm dài xa cách gia đình. Giữa dòng người đông đúc, những vòng tay mừng rỡ, những cái ôm thật chặt đã khiến cho không khí ngày xuân ở nơi đây thêm phần ấm áp. “Chúng tôi về nhé. Sẽ không bao giờ quên được chuyến xe này và những ân tình của Báo Công an TP.HCM” – một bà cụ bịn rịn trước giờ chia tay.