(CAO) Ngay từ khi còn nhỏ, Trần Vũ Hoài Phương (quê ở Bạc Liêu) đã nhận thức được sự thiệt thòi của bản thân khi có một cơ thể không được lành lặn như bao người, nhưng với tâm hồn trong sáng và tinh thần lạc quan, cô đã chiến đấu, vượt qua được những mặc cảm để có được cuộc sống hạnh phúc như bất kỳ người lành lặn nào.
(CAO) 20 năm sống chung với căn bệnh hiểm nghèo chưa bao giờ cô Lê Thị Hồng (SN 1977, giáo viên dạy toán trường THPT Lê Hữu Trác, huyện Cư M’gar Tỉnh Đak Lak) dám mơ ước về một mái ấm gia đình...
Chỉ có học mới thay đổi số phận
Sinh ra trong một gia đình có hai chị em nhưng Phương không được may mắn như em gái của mình, khi chập chững lên hai thì căn bệnh bại liệt quái ác đã cướp đi đôi chân của cô gái trẻ. Từ đó Phương phải làm quen với việc mỗi lần muốn di chuyển đều phải dựa vào đôi bàn tay và sự trợ giúp của những người xung quanh.
Khi lớn hơn một chút, đôi nạng gỗ trở thành người bạn thân thiết của Phương. Đến tuổi đi học, mỗi lần nhìn thấy bạn bè tăng cắp sách đi học là Phương đều ứa nước mắt vì thèm khát được như các bạn.
Yêu đời và lạc quan giúp Phương vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ảnh: NVCC
Thấy con ham học, ba mẹ Phương bàn nhau xin cho cô vào lớp học ở trong làng, vậy là ngày ngày mẹ cõng Phương đến lớp để Phương có thể hòa nhập với cuộc sống như bao người. Không phụ lòng kỳ vọng của gia đình, thầy cô, bạn bè đã yêu quý mình, ngay lần đầu thi Đại học, Phương đã đỗ vào khoa Thư viện Thông tin của trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.
Bốn năm học Đại học trôi qua với biết bao khó khăn và vất vả. Con đường từ ký túc xá ĐH Quốc gia đến trường ĐH Nhân văn đã hằn in dấu nạng gỗ và những giọt mồ hôi của cô sinh viên giàu nghị lực.
Mỗi khi nản chí hoặc gặp khó khăn Phương luôn tự nhủ với bản thân: “Phải thật cố gắng, chỉ có việc học mới có thể giúp mình thoát khỏi tự ti mặc cảm, chỉ có học mới không phải dựa dẫm vào người khác”.
Kết thúc có hậu đến với cô gái giàu nghị lực
Sau khi tốt nghiệp, Phương bắt đầu hành trình tìm kiếm việc làm như bao bạn bè cùng trang lứa. Biết mình thiệt thòi và cũng rất khó để cạnh tranh, nên Phương rẽ sang hướng khác, cô xin vào làm việc tại toà soạn báo Thể Thao Ngày nay với công việc chính là chỉnh sửa morat.
Đám cưới của đôi vợ chồng trẻ. Ảnh: NVCC
Tuy nhiên công việc phải làm vào buổi tối, sức khỏe không cho phép nên Phương đành từ giã tòa soạn. Sau đó, trong một lần theo người bạn đi làm công tác thiện nguyện cô đã gặp gỡ các anh chị có cùng chí hướng hỗ trợ và giúp đỡ những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn như Phương.
Cô quyết định gia nhập vào CLB Hướng Nghiệp Khuyết Tật trẻ thuộc Quận Bình Thạnh. Cũng chính nơi này đã giúp Phương gặp được một nửa của đời mình, người đàn ông đã thổi thêm sức sống và nghị lực cho cô gái trẻ chính là anh Lê Văn Liễu (cán bộ chi cục thuế quận 1).
Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, giữa Phương và Liễu đã có những rung động và cảm thông lẫn nhau khi cả hai đều mang trên mình những khiếm khuyết về hình thể,. Tuy nhiên cả hai đều e dè không dám công khai với đối phương, bởi bản thân Liễu lúc đó vẫn chưa có việc làm ổn định, riêng Phương vì sức khỏe vốn ốm yếu nên cô sợ mình sẽ không thể làm tốt bổn phận một người vợ.
Mặc dù từ chối tình cảm của người bạn trai nhưng Phương vẫn lặng thầm dõi theo và động viên anh mỗi khi gặp khó khăn. Chính nhờ tình yêu trong sáng và thánh thiện này đã giúp cả hai xích lại gần nhau hơn để rồi một ngày Phương cũng nhận ra mình không thể nào sống tốt hơn nếu thiếu đi người đàn ông chân chính như Liễu.
Sau thời gian dài nỗ lực chứng minh tình cảm cũng như tấm chân tình của mình, Liễu đã khiến Phương cảm động và cô gái trẻ đã chấp nhận làm vợ chàng thanh niên có nụ cười hiền hậu. Đám cưới của họ đã diễn ra vào năm 2015 trong sự chúc phúc của rất đông bạn bè và cũng như tiếp thêm sức mạnh cho những chàng trai,cô gái có hoàn cảnh như Hoài Phương và Văn Liễu.