Người đưa Công nghệ thông tin Tây Ninh vinh danh cấp khu vực Đông Nam Á

Thứ Năm, 12/05/2016 19:00

|

(CAO) Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh là người duy nhất trong lực lượng Công an nhân dân đạt giải thưởng năm 2015 về Lãnh đạo Công nghệ thông tin và an toàn thông tin (CIO/CSO) tiêu biểu của khu vực Đông Nam Á.

Lễ trao giải vinh danh 24 CIO/CSO tiêu biểu trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong và ngoài nước diễn ra vào cuối năm ngoái tại Hà Nội với sự tham dự của các của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp các nước Singapore, Malaysia, Indonesia.

Đóng góp của ông Nguyễn Anh Tuấn được Hội đồng bình chọn đánh giá ấn tượng nhất là việc xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư của tỉnh Tây Ninh, đi liền với dữ liệu căn cước công dân, nhân hộ khẩu, đồng thời tích hợp được với các dữ liệu khác. Là “kiến trúc sư trưởng” trong thiết kế cơ sở dữ liệu dân cư tỉnh Tây Ninh, ông đã trực tiếp chỉ đạo, phân tích, thiết kế để lập trình và chỉ huy tổ chức nhập dữ liệu, tạo ra được hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông với nhau, tích hợp với dữ liệu dân cư. Đây là bước ngoặc đột phá ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh Tây Ninh và Công an tỉnh.

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh nhận giải thưởng

Năm 2006, khi còn là Trưởng Công an huyện Hòa Thành, Tây Ninh, ông tiến hành làm điểm nhập dữ liệu dân cư huyện Hòa Thành. Công an cấp xã lập danh sách hộ gia đình, mượn sổ hộ khẩu từng gia đình làm nguồn thông tin để nhập dữ liệu vào máy tính. Khi thực hiện thành công ở huyện Hòa Thành, Công an tỉnh triển khai nhập dữ liệu trong toàn tỉnh. Với chiến lược liên kết, tích hợp dữ liệu dân cư với các dữ liệu khác như: người nước ngoài, Việt kiều tạm trú, đăng ký xe, xử phạt vi phạm giao thông, vi phạm an ninh trật tự, người nghiện ma túy, người bị truy nã... Ông tiếp tục vừa tiến hành nhập dữ liệu, vừa xây dựng thêm các cơ sở dữ liệu trên, tích hợp với dữ liệu dân cư của tỉnh. Đến nay dữ liệu toàn tỉnh hoàn thành.

Cơ sở dữ liệu trên phục vụ đắc lực trong thực hiện quy trình tác nghiệp của ngành quản lý hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho dân, tăng hiệu suất làm việc của cán bộ chiến sỹ. Như Công an cấp xã giải quyết chuyển đăng ký thường trú trong tỉnh cho dân, đăng ký lưu trú cho người nước ngoài và Việt kiều được thực hiện trên mạng máy tính, sau đó gửi biểu mẫu in ra để lưu hồ sơ giấy theo quy định. Cán bộ muốn tác nghiệp công việc của mình phải cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu, do vậy thông tin được cập nhật thường xuyên; nhờ dữ liệu liên thông với nhau, nên không cần gõ đi gõ lại thông tin cơ bản của người dân (họ tên, năm sinh, địa chỉ...).

Được biết Chính phủ ban hành Nghị định 90/2010/NĐ-CP ngày 18/8/2010 về cơ sở dữ liệu quốc gia Quốc gia về dân cư đã được tỉnh Tây Ninh xây dựng thành công. Cơ sở dữ liệu dân cư tỉnh Tây Ninh được thiết kế theo mô hình dữ liệu cấp huyện, kết nối nhiều huyện thành tỉnh, liên tỉnh. Công an tỉnh Tây Ninh đã hỗ trợ Công an tỉnh Long An, Quảng Ngãi, Bến Tre tổ chức nhập dữ liệu để xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư - nhân hộ khẩu cùng hệ thống với Công an tỉnh Tây Ninh. Đồng thời cở sở dữ liệu dân cư tỉnh Tây Ninh đã tạo sẵn “cửa mở” để chia sẻ thông tin cho các ngành, tạo cơ sở cho các ngành xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành mình, tích hợp với cơ sở dữ liệu dân cư của tỉnh.

Khi được hỏi về ý tưởng xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư thì ông cho biết là từ thực tiễn công tác quản lý hộ khẩu, cấp giấy chứng minh nhân dân, đăng ký xe, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự... thông tin đều liên quan đến người dân Tây Ninh, các bộ phận cứ viết đi viết lại họ tên, năm sinh, địa chỉ.. của một người, phải tra cứu thông tin ở nhiều nơi. Nếu ứng dụng công nghệ thông tin trong vào quản lý, tạo ra các cơ sở dữ liệu và liên thông với nhau, trong đó dữ liệu dân cư là gốc thì sẽ rút ngắn thời gian xác minh thông tin và hoàn thành công việc khi người dân yêu cầu nhanh hơn.

Khi được hỏi về những khó khăn ông gặp phải về thực hiện dự án, thì ông cười hiền lành và nói rằng thật ra ngân sách không đủ để cấp cho dự án. Chi phí cho hệ điều hành mạng máy tính, hệ quản trị cơ sở dữ liệu, công cụ lập trình thì được miễn phí nhờ sử dụng mã nguồn mở LINUX, MySQL và JAVA; chi phí cho nhập dữ liệu thì không có. Để nhập được dữ liệu, Công an tỉnh phát động phong trào thi đua trong cán bộ chiến sỹ đi thu thập thông tin và nhập dữ liệu.

Từ phong trào thi đua xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, ông đã tập hợp được một đội ngũ là các cán bộ kỹ sư, chứng chỉ A, B tin học trong Công an tỉnh và học viên mới tốt nghiệp các trường CAND, truyền cho họ nhiệt huyết của tuổi trẻ, mong muốn đóng góp sức mình vào nhiệm vụ chung, tham gia vào công tác nhập dữ liệu. Và dưới sự dẫn dắt của ông, dự án đã thành công là sự kết tinh trí tuệ và công sức của rất nhiều cán bộ chiến sỹ trong nhiều năm liền.

Với 24 năm lăn lộn trong thực tiễn ứng dụng công nghệ thông tin cùng với tâm huyết, sáng tạo và sự kiên trì, ông đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện thành công việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính của Công an tỉnh Tây Ninh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang