Khi ước mơ chạm đến trái tim
Em là một đứa trẻ không có cha, mẹ thì bệnh tâm thần. Vì cuộc sống khó khăn, lo cho gia đình mình chưa xuể mà còn phải cưu mang cả em và mẹ, nên dì của em đã gửi em cho mái ấm. Từ đó, em mới có một nơi ăn ở, được học hành tử tế.
Đó là hoàn cảnh của em Nguyễn Hoàng Phúc (Mái ấm Ánh Sáng, học sinh lớp 6 trường Bạch Đằng, quận 3, TP.HCM.
Nói về ước mơ của mình, Phúc chia sẻ: "Ước mơ lớn nhất của em là trở thành một cầu thủ tài năng. Mơ được thi đấu với màu cờ Tổ quốc".
Bé Phúc mơ sẽ có một ngày được thi đấu với màu cờ Tổ quốc
Phúc tâm sự: "Lý do em muốn trở thành cầu thủ là vì em đam mê trò chơi này từ khi em còn rất nhỏ. Khi vào mái ấm, được xem những trận cầu trên ti vi, em cứ ao ước được chạy theo trái bóng lăn. Đặc biệt là trong những lần đội tuyểnViệt Nam ra sân, nhìn các chú cầu thủ thật oai phong đứng hát dưới lá cờ Tổ quốc, em cũng muốn mình trở thành một người như vậy. Ở mái ấm của em, cũng có nhiều bạn có ước mơ này. Trở thành cầu thủ với màu áo của độ tuyển quốc gia là một cái gì đó hết sức tự hào.
Em mơ một ngày đặt tay lên ngực, thề chiến thắng, hát dưới cờ đỏ sao vàng, cùng đồng đội mang niềm tự hào cho bóng đá Việt Nam".
Phúc bảo, một đứa bé không có cha, mẹ mắc bệnh tâm thần mà mơ ước thành người nổi tiếng thì quả là có viễn vông, nhiều người sẽ không tin và không cho đó là sự thật. Nhưng với em, đó là điều làm em phấn đấu từng ngày.
Mái ấm của em nhỏ bé, nằm ở một con hẻm nhỏ giữa trung tâm thành phố. Nơi đây, 25 anh em chúng em, những đứa trẻ mồ côi, con nhà có hoàn cảnh éo le cùng chung sống. Chúng em được cơm ăn, áo mặc, được học hành và vui chơi cùng nhau. Chúng em yêu thương nhau và được các cô chú, các dì, các má yêu thương. Nhưng mái ấm thì nhỏ mà mơ ước lại quá to, em không biết mình làm sao thực hiện được ước mơ của mình. Nhưng dù bằng con đường thế nào, khó khăn và thử thách ra sao, cũng sẽ cố gắng hết sức để thực hiện giấc mơ của mình.
Ngoài việc cố gắng hết sức để thực hiện giấc mơ của mình, sâu thẳm trong trái tim cậu bé, Phúc vẫn luôn khát khao có được tình thương của người thân. Em bảo, sau này nếu em trở thành cầu thủ nổi tiếng, em sẽ dễ tìm lại ba hơn, dù rằng ông đã bỏ rơi mẹ và em từ rất lâu rồi...
Khi biết được ước mơ của em Trần Hữu Trí (Mái ấm Ánh Sáng, hiện là học sinh lớp 2 trường Lương Định Của, Q.3, TP.HCM), nhiều người không cầm được sự xúc động.
Em Trí tâm sự: "Năm sinh của con là do các cô chú ở cơ sở khuyết tật An Phúc ghi nhận lại khi họ được ai đó giao con lúc nhóm đang còn ở tỉnh Bình Thuận. Từ đó, theo chân các cô chú nhóm người mù này, con bắt đầu đi lang bạt đó đây để bán tăm nhang, tăm bông…
Chú Trần Hữu Quang đã nhận con làm con và khai sinh con theo họ chú. Nhưng chú cũng là người mù, nên nói “khai sinh” vậy chứ con cũng không có được giấy tờ gì. Vì vậy khi con 5 tuổi, chú tìm gửi con về mái ấm, chú nói để con có cơ hội đi học...".
Em Trần Hữu Trí đau đáu một ước mơ được chữa lành đôi mắt của những cô chú trong nhóm người mù.
Nói về ước mơ, Trí vô tư và hồn nhiên chia sẻ: "Điều mơ ước lớn nhất của con là mong cho chú Quang và các cô chú ở cơ sở khuyết tật An Phúc được chữa lành đôi mắt, để nhìn thấy mọi thứ quanh mình. Nhưng cái này vẽ khó quá con không vẽ được....
Con cũng mơ các bạn nghèo đều được vô mái ấm. Mà mái ấm của thầy Hải thì nhỏ quá, nên con mơ ngôi nhà lớn hơn, nhiều cây xanh, cỏ mượt. Có chỗ cho các bạn chơi đùa. Có nhiều hoa đẹp. Mái ấm ngày ngày có ông mặt trời chiếu sáng. Mà không biết mơ vậy có được không. Đây là bức vẽ mơ ước của con".
Bức tranh vẽ Mái ấm mơ ước của bé Trí.
'Cho con tình yêu thương'
Thiếu vắng tình thương và sự dìu dắt từ gia đình, hầu hết những em nhỏ ở các mái ấm, nhà mở đều rất tự lập và chín chắn hơn bạn bè đồng trang lứa. Nhưng nét hồn nhiên, vô tư vẫn hiển hiện trên từng gương mặt. Mỗi em nhỏ tại các mái ấm, nhà mở vẫn ấp ủ và nuôi dưỡng những ước mơ thật trong sáng. Những ước mơ này chính là động lực và đích đến để các em phấn đấu, vượt lên hoàn cảnh nghèo khó và vươn tới một tương lai tươi sáng hơn.
Theo số liệu của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Việt Nam hiện có 29 triệu trẻ em (dưới 16 tuổi). Trong số đó, có đến 156.000 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi do nhiều nguyên nhân khác nhau như: trẻ khuyết tật, kinh tế khó khăn, có thai ngoài ý muốn…
Mỗi em nhỏ tại các mái ấm, nhà mở vẫn ấp ủ và nuôi dưỡng những ước mơ thật trong sáng. Ảnh: Ngô Đồng
Khi được hỏi về ước mơ, những đứa trẻ bình thường sẽ nói với ta về giấc mơ trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, phi hành gia, diễn viên, ca sĩ… Còn ước mơ của những em bé mồ côi bị bỏ rơi? Cũng vẫn là những ước mơ như thế, nhưng có thêm “Được một lần gặp/nhìn thấy cha mẹ”, “Được gọi mẹ ơi”, “Được mẹ ôm vào lòng”... Nhiều em khác còn không có cả ước mơ bởi quanh năm chỉ biết những người bạn đồng cảnh ngộ. Sự cô đơn của các em là có thật và vẫn thường trực hàng ngày. Tuổi thơ của các em, ngoài những khó khăn vật chất, còn những thiếu thốn tinh thần, rất cần được sẻ chia.
Cuộc thi: 'Cho con tình yêu thương' dành cho trẻ tại các mái ấm, nhà mở
Để những đứa trẻ hồn nhiên này thỏa sức thể hiện ước mơ và có cơ hội hiện thực hóa ước mơ của mình, Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp với nhãn hàng sữa dê công thức DG (nhập khẩu từ New Zealand) công bố kế hoạch tổ chức chuỗi sự kiện mang tên “Cho con tình yêu thương”.
“Cho con tình yêu thương” là sân chơi dành cho trẻ em ở các trung tâm bảo trợ trẻ em, nhà mở, mái ấm trên địa bàn TP.HCM, để các em thỏa sức thể hiện ước mơ và có cơ hội hiện thực hóa ước mơ của mình.
Bà Lê Huyền Ái Mỹ, Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM cho biết: "'Cho con tình yêu thương' sẽ đi qua 10 trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, nhà mở, mái ấm, như: Trung tâm nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Tam Bình, Làng thiếu niên Thủ Đức (quận Thủ Đức), Trung tâm nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Gò Vấp (quận Gò Vấp), … để tìm những câu chuyện hay, những mảnh đời đặc biệt của các em và đăng tải trên Báo Phụ Nữ điện tử (PNO) từ ngày 28-3 đến 1-6-2018. Những câu chuyện sẽ được thể hiện dưới hình thức video clip, hình vẽ, mẩu chuyện ngắn hoặc các hình thức khác.
Bên cạnh chương trình thực hiện tại các mái ấm, nhà mở, trung tâm bảo trợ trẻ em, Báo Phụ Nữ TP.HCM cũng sẽ tiếp nhận bài viết của tất cả trẻ em mồ côi trên cả nước qua địa chỉ e-mail: chocontinhyeuthuong2018@gmail.com. Những bài viết được chọn đăng sẽ được hỗ trợ 03 triệu đồng/bài. Riêng 10 trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi sẽ nhận được 05 triệu đồng.
Ở giai đoạn cuối của chương trình “Cho con tình yêu thương”, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ chọn ra 03 bài viết của 03 em có hoàn cảnh đặc biệt và cùng các Mạnh Thường Quân giúp các em biến ước mơ thành hiện thực nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6.
Cũng trong dịp này nhãn hàng sữa dê công thức DG chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam với đầy đủ các sản phẩm phù hợp theo từng lứa tuổi, giúp mẹ có thêm giải pháp khi lựa chọn nguồn dinh dưỡng bổ sung hoặc thay thế cho trẻ. Hiện sữa dê công thức DG đã có mặt tại các cửa hàng tại TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh thành khác.
Ban tổ chức mong rằng từ những đóng góp nhỏ này sẽ góp phần kêu gọi cộng đồng cùng chung tay mang đến tình yêu thương dành cho những trẻ em mồ côi trên toàn Việt Nam và thế giới.