Thứ Hai, Ngày 25 Tháng 11, 2024
Thứ Năm, 09/03/2017 12:05
(CAO) Suốt hơn 8 thập kỷ hình thành và phát triển, trải qua bao thăng trầm của thời gian, làng nghề làm nhang ở xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP HCM) vẫn luôn mang cho mình những nét riêng độc đáo.
Chân nhang sau khi được nhuộm màu sẽ được mang đi phơi, những bó chân nhang xòe ra tựa những đóa hoa khoe sắc rực đỏ dưới nắng tạo một hình ảnh rất bắt mắt.
Theo những người có kinh nghiệm, để làm ra được những nén nhang hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên, bột gỗ, bột trấu được nghiền nhuyễn sau đó được làm khô để trộn bột nhang. Bột nhang đạt tiêu chuẩn phải mịn, độ ẩm vừa phải. Bên cạnh đó, màu sắc và hương thơm cũng phải thật chuẩn. Kế đó là công đoạn se nhang, phơi khô, đếm số lượng và đóng gói.
Nét đặc trưng của làng nhang Lê Minh Xuân là bột nhang. Thành phần bột nhang ở làng nghề này bao gồm: bột quế, trấu và mùn cưa. Tùy vào công thức gia truyền của mỗi gia đình mà có những loại bột nhang mang hương thơm đặc trưng với mùi dễ chịu.
Làng nghề se nhang tại xã Lê Minh Xuân được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2012. Hiện tại xã đã hình thành được 3 tổ hợp tác se nhang, với số lượng hơn 150 hộ. Hiện tại, có nhiều hộ tự mở cơ sở, đầu tư máy móc để lưu giữ và phát triển nghề.
Những cơ sở làm nhang ở xã Lê Minh Xuân hầu hết sản xuất với quy mô vừa và nhỏ, nhân công thường là thành viên trong gia đình.
Ông Trương Văn Bảo, Chủ một cơ sở sản xuất nhang cho biết, những ngày bình thường, cơ sở của ông làm từ 100 - 200 thiên (1 thiên được tính là 1.000 cây nhang).