(CAO) Người mẹ hoặc bố sẽ “ấp” con như chuột túi cho đến ngày trẻ đủ tháng theo tuổi thai.
Mỗi năm trên thế giới có khoảng 15 triệu trẻ
sinh non với tỷ lệ tử vong cao do dễ bị hạ thân nhiệt, nhiễm khuẩn, suy hô hấp... Tại các BV phụ sản VN, hàng năm cũng có hàng ngàn ca trẻ có trọng lượng khoảng 1,5kg ra đời.
Tất cả những em bé nhỏ như “ổ bánh mì” này đều được cứu sống nhờ cách nuôi “da kề da” mà y học gọi là kangaroo. Bé nằm như chú ếch trên ngực mẹ tại phòng
ấp con bằng
phương pháp Kangaroo của BV Nhi Đồng 1.
Người mẹ hoặc bố sẽ “ấp” con như chuột túi cho đến ngày trẻ đủ tháng theo tuổi thai. Đối với những bà mẹ có con bị nhẹ cân, thiếu tháng, con tăng được gr nào là hạnh phúc gr đó.
Một ông bố chuẩn bị vào phòng ấp con thay ca cho mẹ.
Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng Khoa Hồi sức Sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, phương pháp kangaroo giúp điều trị cho trẻ sinh non nhẹ cân rất hiệu quả. Khi trẻ được ấp trực tiếp với một cơ thể khỏe mạnh, nhất là bố mẹ thì trẻ như được kích thích nhịp tim, nhịp thở, ổn định nồng độ ôxy trong máu, giảm tỷ lệ bại não và đột tử do trào ngược sữa.
Với những đứa trẻ sinh non, da mỏng hơn tờ giấy, thấy rõ cả mạch máu, thậm chí cả ruột của bé, thì các thiết bị chăm sóc và thuốc men hỗ trợ phải hết sức hiện đại, tinh khiết và chỉ dành riêng cho trẻ sinh non. Một trẻ sinh non luôn có nhiều máy móc giám sát theo dõi nhịp tim, nhịp thở, độ ẩm...
Trên thế giới, kỹ thuật để cứu sống trẻ sinh non đã phát triển nhanh chóng, nhất là ở Anh, Mỹ, Nhật. Những đứa trẻ nặng trên dưới 300g đã sống sót như một kỳ tích vì mỗi bé sinh non đều phải đối mặt với rất nhiều bệnh tật ngay tại thời điểm sinh ra, vì rất nhiều cơ quan trong cơ thể chưa phát triển hoàn thiện. Do đó, đi kèm với nó là cả một hệ thống máy móc, thuốc men hỗ trợ cực kỳ tân tiến, hiện đại.
Thiết bị đầu tiên phải kể đến là một lồng ấp cực kỳ hiện đại. Lồng ấp này được thiết kế giống như môi trường trong dạ con bà mẹ, phải điều khiển được nhiệt độ và độ ẩm theo tuổi thai, được tính bằng ngày của em bé. Môi trường đó phải để em bé không nóng không lạnh.
Nhưng công đoạn khó khăn không kém để chăm sóc đứa trẻ sinh non lại là chế độ nuôi dưỡng. Đối với những đứa trẻ chưa thể sống được bằng sữa vì hệ tiêu hóa chưa phát triển, buộc phải ăn đường tĩnh mạch. Đó là vitamin, đường, đạm, mỡ, các yếu tố vi lượng…
Cũng giống như những đứa trẻ bình thường, phát triển theo xu hướng tự nhiên, những em bé kangaroo đến khi đủ ngày đủ tháng sẽ tự động từ chối phương pháp ấp, do tự biết điều hòa thân nhiệt. Đến thời gian ấy, trẻ cũng có thể tự bú mẹ mà không cần dùng đường truyền sữa đến thẳng bao tử.
Chính vì có nhiều bệnh, trong khi sức khỏe còn yếu nên môi trường nuôi trẻ sinh cực non phải hết sức vô trùng. Những y bác sĩ ở đây phải thường xuyên rửa tay xà phòng, dùng dung dịch xát khuẩn tay, không mặc quần áo bình thường, phải có máy lọc khí để đảm bảo không khí trong phòng nuôi trẻ được thông thoáng và sạch nhất.
Những năm gần đây, việc chăm sóc và chữa trị cho trẻ sinh non đã dần hình thành công thức chung, có tỉ lệ thành công cao trên nhiều đứa trẻ. Mục tiêu đề ra của các bác sĩ là khi xuất viện, trẻ ít nhất phải được 1,5kg trở lên và chỉ ra viện khi không có bệnh tật gì cả. Đây được xem là một trong những thành tựu của ngành y tế trong thời gian qua.