(CAO) Vào thời hoàng kim của mình, chợ trầu cau ở đường đường Lê Quang Sung được ví von là “chợ tình duyên” vì bởi lẽ, nơi đây ngoài trầu cau còn bán thêm một số món đồ sính lễ trong dịp cưới hỏi. Dù vậy, sao bao thăng trầm của năm tháng,ngôi chợ trầu cau năm nào giờ chỉ còn lác đác vài gánh hàng nhỏ giữa trung tâm Chợ Lớn.
Giữa cái nắng tháng 3 oi ả của tiết trời Sài Gòn, chúng tôi tìm đến những gánh hàng trầu cau ở đối diện Cổng số 2, bến xe Chợ Lớn (phường 2, quận 6, TP HCM). Tại đây, chúng tôi được nghe câu chuyện của những chủ gánh trầu cau hiếm hoi còn tồn tại giữa chốn thị thành.

Không chỉ người thành phố, còn có khách vãng lai, người tứ xứ mà đặc biệt là người vùng ven nội đô đều biết đến chợ trầu cau này. Họ đến để chọn mua những quả cau xanh thắm, điểm xuyến thêm đôi miếng trầu cánh phượng, cùng bình rượu gói giấy đỏ để về đãi khách hay làm sính lễ cưới hỏi cho con cái.

Hầu hết, những người bán trầu cau ở đây đều trên 60 tuổi. Cứ giờ sáng mỗi ngày, họ đều chuẩn bị sẵn hàng hóa rồi đi xe từ Hóc Môn – Bà Điểm xuống quận 6 để buôn bán.

Nguồn cung cấp cau trầu cho khu chợ này cũng khá đa dạng, trước đây các tiểu thương thường lấy cau trầu từ địa danh 18 thôn vườn trầu Bà Điểm - Hóc Môn, vì cau ở đây có quanh năm. Lá trầu, buồng cau xanh mướt được hái từ 18 thôn vườn trầu, đây là thức quà không thể thiếu để mở đầu câu chuyện trong lễ cưới, hỏi.

Bà Năm (64 tuổi, ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) hay còn được gọi là bà Năm “trầu” (ảnh trái) – người có trên 40 năm gắn bó với nghề bán trầu cau ở khu vực cho biết, vào lúc hưng thịnh nhất, ngôi chợ này ngoài bán trầu cau còn bán thêm một số đồ sính lễ phục vụ dịp cưới hỏi. “Lúc ấy có đến hàng trăm sạp, người mua người bán đông đúc. Vào dịp cuối năm còn nhộn nhịp hơn,ai cũng mở hàng từ 3h sáng đến tối mới thôi” – bà Năm hồi tưởng lại quá khứ.

Những buồng cau cưới được người bán lựa chọn từng trái đẹp kết thành buồng 65 trái hoặc 105 trái, trên mỗi trái cau đều dán chữ hỷ. Một buồng cau có giá từ 120.000 - 200.000 đồng, giá này đã bao gồm cả trầu.

Bà Nguyễn Thị Hon ( 69 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) cho biết, bởi vì ngày nay người có tuổi không còn thói quen ăn trầu như thế hệ trước nên người mua cũng ít đi. Đa số người tìm mua trầu cau bây giờ để phục vụ cưới hỏi, lễ lạt. “Bán trầu cau cũng chẳng đủ sống đâu nhưng tôi với mấy bà ở đây muốn giữ lại nét gì đó xa xưa cho nơi đây thôi”- bà Hon trầm ngâm. Trong ảnh: Gánh hàng trầu cau của bà Hon nằm lọt thỏm trong bóng râm của chiếc ô.Phải chăng, số phận của những gánh hàng trầu cau ở đây đang dần bị thu hẹp rồi dần dần chìm vào quên lãng?

“Chỉ người có tuổi như chúng tôi còn bám trụ với nghề này. Nó vừa là công việc,vừa là niềm vui. Nghề này khó để ai trẻ tuổi làm vì nó cũng không có thu nhập cao. Tôi hay nói đùa với những bạn hàng là không biết qua thế hệ của chúng tôi, thì ai sẽ duy trì những gánh hàng trầu cau này?” – Một người bán trầu cau chia sẻ.
Trải qua bao biến đổi của thời gian, văn hóa ăn trầu ở thị thành dần mai một. Ngày nay, chỉ những dịp lễ lạc, cưới xin, người ta mới tìm đến những gánh trầu cau. Phải chăng, vì vậy mà “ngôi chợ” bề thế năm nào cũng dần heo hút?