Tham vọng đưa các trung tâm dữ liệu lên quỹ đạo Mặt Trăng

Thứ Bảy, 12/04/2025 09:02

|

(CAO) Vào tháng trước, Lonestar Data Holdings – một công ty có trụ sở tại bang Florida (Mỹ) tuyên bố đã thử nghiệm thành công một trung tâm dữ liệu nhỏ có kích thước bằng một cuốn sách bìa cứng được đưa lên Mặt Trăng bằng tàu đổ bộ Athena Lunar Lander của công ty thám hiểm không gian Mỹ - Intuitive Machines.

Nghe có vẻ giống như trong phim khoa học viễn tưởng, nhưng Stephen Eisele – chủ tịch của Lonestar Data Holdings nhận định rằng bằng cách đưa trung tâm dữ liệu lên không gian, khách hàng thực sự đang được cung cấp dịch vụ bảo mật vô song.

Các trung tâm dữ liệu (data center) là những kho chứa khổng lồ gồm nhiều máy tính lưu trữ và xử lý dữ liệu được các trang web, công ty và chính phủ sử dụng.

Công ty Lonestar cho biết việc đưa chúng lên Mặt Trăng sẽ cung cấp cho khách hàng khả năng xử lý dữ liệu an toàn, đáng tin cậy, đồng thời tận dụng năng lượng mặt trời không giới hạn (ánh sáng của Mặt trăng có được là nhờ nó phản chiếu ánh sáng từ Mặt trời) để cung cấp năng lượng cho chúng.

Và mặc dù việc thiết lập các trung tâm dữ liệu trên không gian nghe có vẻ xa vời, nhưng đây thực sự là một ý tưởng đang bắt đầu được triển khai. Một phần lý do là nhu cầu tăng vọt và khó khăn trong việc tìm kiếm các địa điểm phù hợp trên Trái đất.

Việc sử dụng điện toán trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng mở rộng đã chứng kiến ​​sự gia tăng lớn về lượng dữ liệu cần được lưu trữ và xử lý trên toàn thế giới. Do đó, nhu cầu về các trung tâm dữ liệu cũng tăng vọt, với nhu cầu hàng năm dự kiến ​​sẽ tăng từ 19% đến 22% vào năm 2030, theo thống kê của công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey.

Các cơ sở mới đang mọc lên liên tục - nhưng việc tìm địa điểm để đặt chúng đang trở nên khó khăn. Các trung tâm dữ liệu có quy mô rất lớn, đồng thời sử dụng một lượng điện và nước khổng lồ để làm mát. Và ngày càng nhiều người dân địa phương trên Trái đất không muốn chúng được xây dựng gần chỗ họ ở.

Công ty Lonestar vửa thử nghiệm đưa một trung tâm dữ liệu vào vũ trụ  

Theo lý thuyết, việc đặt các trung tâm dữ liệu trên không gian - trên quỹ đạo quanh Trái đất hoặc trên Mặt trăng có nghĩa là chúng không thể gây ra nhiều tác hại như vậy. Ví dụ, chúng có thể tận dụng được nguồn năng lượng gần như vô hạn từ Mặt trời và không có hàng xóm nào phàn nàn về tác động của chúng đến môi trường.

Không chỉ vậy, các trung tâm dữ liệu đặt trên không gian có thể chuyên về các dịch vụ cho tàu vũ trụ và các cơ sở không gian khác, với việc truyền dữ liệu từ không gian này sang không gian khác nhanh hơn so với từ mặt đất.

Mùa hè năm ngoái, một nghiên cứu khả thi do Ủy ban châu Âu tài trợ về các trung tâm dữ liệu đặt trên quỹ đạo đã công bố kết quả của mình.

"Câu hỏi chính là khi nào một bệ phóng thích ứng sẽ sẵn sàng. Tùy thuộc vào khoản đầu tư và quyết định được đưa ra, điều này có thể được thực hiện vào năm 2030 hoặc 2035, nghĩa là khả thi về mặt thương mại trước năm 2037" – báo cáo từ nghiên cứu nhận định.

Tuy nhiên, bất chấp sự lạc quan này từ các công ty muốn phát triển công nghệ, Tiến sĩ Domenico Vicinanza - phó giáo sư về hệ thống thông minh và khoa học dữ liệu tại Đại học Anglia Ruskin ở Anh nói, vẫn còn nhiều rào cản lớn trước khi các trung tâm dữ liệu trên không gian có thể trở thành một đề xuất khả thi.

"Ngay cả với sự đóng góp và tiến bộ của các công ty như SpaceX, việc phóng phần cứng vào quỹ đạo vẫn cực kỳ tốn kém. Mỗi kilôgam được đưa vào không gian có giá hàng nghìn đô la. Các trung tâm dữ liệu trên không gian sẽ không chỉ cần thiết bị dữ liệu mà còn cần cơ sở hạ tầng để bảo vệ, cấp nguồn và làm mát chúng. Tất cả những thứ này cộng lại sẽ tạo nên trọng lượng và độ phức tạp" – phó giáo sư Vicinanza nhận định.

Làm mát thiết bị sẽ là một vấn đề đặc biệt, bởi vì mặc dù có sẵn không gian lạnh ngoài vũ trụ, nhưng các hệ thống làm mát thông thường sẽ không hoạt động nếu không có trọng lực.

Trong khi đó, thời tiết trong không gian có thể làm hỏng các thiết bị điện tử, hơn nữa số lượng mảnh vỡ không gian ngày càng tăng khiến phần cứng vật lý gặp rủi ro.

Tiến sĩ Vicinanza nhận định: "Và việc khắc phục sự cố trên quỹ đạo không hề đơn giản. Ngay cả với robot và tự động hóa, vẫn có giới hạn đối với những gì có thể được sửa chữa từ xa. Một sự cố phần cứng lớn có thể đòi hỏi một nhiệm vụ tốn kém của con người, có khả năng khiến thời gian ngừng hoạt động kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng".

Tuy nhiên, các công ty như Lonestar vô cùng tự tin và cho biết họ đang đáp ứng nhu cầu.

Việc thiết đặt các trung tâm dữ liệu trên quỹ đạo Trái đất hay Mặt trăng đem lại nhiều lợi ích 

Mục tiêu tiếp theo của công ty Lonestar là đưa một trung tâm dữ liệu nhỏ lên quỹ đạo quanh Mặt trăng vào năm 2027. Trong khi đó, các công ty khác đang hy vọng sẽ đến đó nhanh hơn một chút, chẳng hạn như Starcloud có trụ sở tại tiểu bang Washington (Mỹ) dự kiến ​​sẽ phóng một trung tâm dữ liệu vệ tinh vào tháng tới và bắt đầu khai thác thương mại vào giữa năm 2026.

Theo ông Eidele của Lonestar, các cơ sở lưu trữ dữ liệu trên không gian cung cấp nhiều tính năng bảo mật hơn cho chính phủ và doanh nghiệp vì dữ liệu của họ không cần phải được định tuyến qua các mạng lưới trên mặt đất. Thay vào đó, thông tin có thể được truyền trực tiếp từ không gian đến một trạm mặt đất chuyên dụng.

Khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng có nghĩa là dữ liệu mất khoảng một giây rưỡi để đến mặt đất, nhưng điều này không quan trọng đối với một số ứng dụng chẳng hạn như lưu trữ dữ liệu dài hạn và sao lưu.

Trong khi đó, Chris Stott - nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Lonestar cho rằng, các trung tâm dữ liệu trên không gian có thể giúp các tổ chức đáp ứng các quy định về chủ quyền dữ liệu – tức nhu cầu lưu giữ dữ liệu của mọi người tại quốc gia gốc.

"Theo luật không gian, hộp thiết bị điện tử đó thực sự nằm trong luật của quốc gia cấp phép hoặc phóng - đó là một đại sứ quán thực sự trong không gian" - ông nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang