EU bày tỏ quan ngại trước các diễn tiến gần đây trên Biển Đông

Thứ Năm, 29/08/2019 06:20  | Anh Duy

|

(CAO) Cuối ngày 28-8 (giờ VN), Liên minh Châu Âu (EU) đã phát đi thông cáo bày tỏ sự quan ngại trước các diễn tiến gần đây trên Biển Đông.

Theo đó, EU nhấn mạnh: “Các hành động đơn phương suốt những tuần vừa qua trên Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng và xói mòn môi trường an ninh hàng hải, điều này gây ra mối đe doạ nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế một cách hoà bình của khu vực.

Điều quan trọng đối với tất cả các bên trong khu vực hiện nay là phải tự kiềm chế, thực hiện các bước đi cụ thể nhằm khôi phục lại nguyên trạng, kiềm chế các hành động quân sự hóa trong khu vực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là theo cơ chế của Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS). Các bên cũng có thể tìm kiếm sự trợ giúp của bên thứ ba dưới hình thức hòa giải hoặc phân xử để tạo thuận lợi cho việc giải quyết các khiếu nại tương ứng của họ, nếu thấy hữu ích.

EU ra thông cáo bày tỏ quan ngại trước các diễn tiến gần đây trên Biển Đông - Ảnh: iStock

EU sẽ tiếp tục hỗ trợ toàn diện các tiến trình do ASEAN điều phối trong khu vực, nhằm thúc đẩy hơn nữa việc giữ gìn trật tự khu vực và quốc tế dựa trên các quy tắc, nhằm củng cố hợp tác đa phương, cũng như hợp tác chặt chẽ hơn với các bên thứ ba. Chúng tôi đang mong chờ một kết quả nhanh chóng, một cách minh bạch về các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử chung của các bên trên Biển Đông (COC) có hiệu lực, thực chất và mang tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Phát ngôn của EU được cho là nhắm vào các hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông.

Mấy tháng qua, Trung Quốc một lúc “gây hấn” với cả 3 nước: Việt Nam và Malaysia bằng cách điều tàu đến cản trở hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của hai nước này, với Philippines bằng các hành động ngăn ngư dân đánh bắt, đâm chìm tàu cá, điều tàu chiến qua EEZ không xin phép. Các hành động này nhằm củng cố yêu sách “đường 9 đoạn” đòi chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Đến nay, Mỹ, Nhật,, Úc, Việt Nam và nhiều nước khác đã lên tiếng phản đối những hành động này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang