Xung đột thương mại Nhật Bản – Hàn Quốc ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?

Thứ Tư, 28/08/2019 22:07

|

(CATP) Dường như quyết định hạn chế xuất khẩu ba loại vật liệu đặc biệt của Nhật Bản đối với Hàn Quốc lại là một “đòn bẩy kép” về kinh tế lẫn chính trị cho cả hai phía Nhật Bản và Hàn Quốc.

Những diễn biến bất ngờ từ đầu tháng 7/2019 do chính phủ Nhật Bản phát động để kích hoạt một cuộc “thương chiến công nghệ cao” với Hàn Quốc đang được dư luận quốc tế đánh giá với nhiều kịch bản mang tính “thảm hoạ” cho sự phát triển nói riêng của ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản và các chaebol công nghệ điện tử của Hàn Quốc (Samsung Electronics, LG Electronics, SK Hynix..), đồng thời là một bước lùi thúc đẩy sự đổ vỡ hệ sinh thái của chuỗi cung ứng mặt hàng điện tử ràng buộc lẫn nhau góp phần tạo nên sự “thần kỳ Đông Á” giữa Nhật Bản và Hàn Quốc nửa thế kỷ qua – theo lời của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Tuy nhiên, theo nhiều phân tích chuyên sâu ít phổ biến hơn, thì dường như quyết định hạn chế xuất khẩu ba loại vật liệu đặc biệt của Nhật Bản đối với Hàn Quốc lại là một “đòn bẩy kép” về kinh tế lẫn chính trị cho cả hai phía Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nói cách khác, chúng ta đang đứng trước một “cú sốc truyền thông” được chủ ý kiến tạo theo phong cách của Tổng thống Mỹ D.Trump nhằm đánh thẳng vào khoảng cách trong nhận thức giữa thông tin trên truyền thông (có xu hướng thổi phồng sự kiện dựa trên kiến thức phổ thông) với thông tin từ các nhà hoạt động doanh nghiệp thực tiễn (có khả năng nhận định và kiểm soát rủi ro dựa trên kiến thức chuyên sâu), mục tiêu để kích hoạt các trào lưu dân tuý ở quy mô quốc gia theo các định hướng cần thiết nhưng thực tế vẫn kiểm soát được thiệt hại ở mức tối thiểu (do nắm rõ độ trễ của những tác động chính sách trên thực tế hoặc ban hành các yếu tố kỹ thuật trong chính sách nhằm tránh né thiệt hại mà dư luận không đủ kiến thức chuyên ngành để nhận ra).

Chiếu theo khung lý thuyết trên, dễ dàng nhận ra được những lợi ích trên thực tế mà cả hai phía Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang thụ hưởng trong ngắn hạn qua cuộc “thương chiến công nghệ” tháng 7/2019.

Ngoại trưởng hai nước Hàn (trái) và Nhật (phải) tỏ thái độ lạnh nhạt khi gặp nhau tại Bangkok bàn về khủng hoảng hôm 1-8 - Ảnh: Reuters

Từ một nước Nhật muốn đối phó với các di sản đế quốc trong lịch sử…

Về phía Nhật Bản, các biện pháp quyết đoán nhằm kích hoạt “thương chiến công nghệ” với Hàn Quốc có định hướng thực hiện các mục tiêu sau:

Thứ nhất, chính phủ Nhật Bản giành được niềm tin của các tập đoàn Nhật Bản đang vướng phải các khoản bồi thường khổng lồ liên quan đến những tội ác cưỡng ép lao động Hàn Quốc trong thời chiến (liên quan đến các tập đoàn Nippon Steel & Sumitomo Metal, Mitsubishi) mà toà án Hàn Quốc đã đồng ý cưỡng chế tịch thu tài sản (mặc dù chính phủ Nhật Bản phủ nhận sự liên quan giữa hai vấn đề này), đồng thời cứu nguy cho nền kinh tế Nhật Bản khi các toà án Hàn Quốc có thể tạo nên các án lệ bất lợi cho hoạt động của các tập đoàn Nhật Bản ở khắp khu vực Đông Á (khi trước đó người dân Hàn Quốc đã đảo ngược lại một hiệp định năm 1965 giữa Nhật Bản và Hàn Quốc về vấn đề giải quyết dứt điểm bồi thường chiến tranh và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in buộc phải tuân thủ quyết định của ngành tư pháp).

Thứ hai, giúp cho đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe giành được lợi thế dân tuý trước cuộc bầu cử Thượng viện ngày 21/7, sau khi đảng này thất bại nặng nề sau cuộc bầu cử bổ sung ở Hạ viện vào cuối tháng 4/2019. Trong trường hợp chính phủ Nhật Bản lúc này không có động thái đáp trả quyết liệt đối với các biện pháp cưỡng chế tài sản mà Hàn Quốc áp dụng với các tập đoàn Nhật Bản thì chắc chắn sẽ tiếp thêm làn sóng phản đối đảng cầm quyền. Kết quả thắng lợi của liên minh đảng cầm quyền ở Thượng viện (141/245 ghế) tuy không mang tính áp đảo (trên 2/3 số ghế để được phép sửa đổi Hiến pháp) nhưng đã cho thấy hiệu quả chiến thuật của quyết định kích hoạt thương chiến từ phía chính phủ Thủ tướng Abe Shinzo.

Thứ ba, cùng lúc gây sức ép lên chính phủ Hàn Quốc và chính phủ Mỹ về vấn đề Triều Tiên, đưa thông điệp phản đối sự vận động không hiệu quả của chính phủ Hàn Quốc khi để Nhật Bản “ra rìa” bàn đàm phán Triều Tiên (với những cáo buộc về chính sách “kiểm soát xuất khẩu” không hiệu quả khiến cho nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Nhật Bản đến được biên giới Triều Tiên) đồng thời đe doạ những tan vỡ trong hợp tác Hàn – Nhật trong hệ thống đồng minh của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á nếu các bên tiếp tục để Nhật Bản “nằm bên lề” tiến trình phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên.

Thứ tư, từng bước “dùng gậy của Trump để đập lên Trump” (như công thức mà phía Trung Quốc đang áp dụng đối với Trump trong vấn đề chiến tranh thương mại Mỹ - Trung) với mong muốn vô hiệu hoá công cụ thuế quan và các biện pháp gây áp lực thương mại đang được Tổng thống Mỹ D.Trump sử dụng thường xuyên. Nhiều phân tích đã ghi nhận “sự bắt chước” của Thủ tướng Shinzo Abe đối với phong thái “chính trị doanh nghiệp” của Tổng thống Mỹ D.Trump, do đó nếu ông Trump tiếp tục sử dụng các đòn đánh thương mại với Nhật – Hàn trong tương lai thì khả năng một xung đột thương mại giữa Nhật – Hàn tiếp tục xuất hiện sẽ khiến cho toàn bộ tính toán mở rộng thị trường xuất khẩu của ông Trump bị rối loạn (và hiện tại chính phủ Mỹ đang có động thái nỗ lực cứu vãn thương chiến Nhật – Hàn).

…Đến một nền kinh tế đang cần thiết sự trỗi dậy của các trào lưu dân tuý như Hàn Quốc

Trên thực tế, các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đã cố gắng né tránh tối đa thiệt hại cho phía Hàn Quốc. Cụ thể, khí hydrogen fluoride có độ tinh khiết cao luôn có sẵn nguồn cung thay thế từ phía Trung Quốc, chất cản màu photoresist thì lệnh cấm chỉ áp dụng với EUV vốn chưa được phía Hàn Quốc dùng vào công nghệ NAND và chỉ mới nghiên cứu sử dụng cho DRAM, còn nhựa nhiệt dẻo - fluorinated polyimide dùng cho sản xuất màn hình gập lại là loại vật liệu đang được phía Hàn Quốc chủ động nội địa hoá đồng thời cần thêm thời gian để phát triển sau khi ra mắt dòng điện thoại Samsung Galaxy Fold không thành công vào tháng 4/2019 vừa qua. Do đó, chính phủ Hàn Quốc hoàn toàn có thể “thuận nước đẩy thuyền” trước cuộc thương chiến do Nhật Bản phát động, hướng đến các mục tiêu sau:

Thứ nhất, nhờ lệnh cấm vận ba loại vật liệu bán dẫn quan trọng từ phía Nhật Bản mà các công ty công nghệ hàng đầu của Hàn Quốc (như Samsung Electronics, LG Electronics, SK Hynix..) gia tăng được cầu về sản phẩm, dẫn đến sự gia tăng giá trị cổ phiếu (theo dõi biểu đồ cổ phiếu tháng 7/2019) sau một khoảng thời gian dài tụt dốc thê thảm do thất bại của chuỗi sản phẩm điện tử màn hình gập mang tính cách mạng nhưng vẫn chưa được phát triển hoàn thiện và sự mất giá của theo chu kỳ của các sản phẩm điện tử NAND và DRAM. Các công ty Hàn Quốc (đặc biệt là Samsung) còn có thêm thời gian quý giá để phát triển hoàn thiện hơn sản phẩm Galaxy Note 10 với chip Exynos của riêng Hàn Quốc (thay cho chip Snapdragon của Qualcomm).

Thứ hai, chính phủ Hàn Quốc có thêm lý do để thuyết phục ngành tư pháp nới lỏng các biện pháp bồi thường và cưỡng chế tài sản của phía Nhật Bản để đổi lại các biện pháp ít thiệt hại hơn cho các công ty Nhật Bản, giúp kiến tạo dư luận về thiệt hại song phương Nhật – Hàn nhằm ngăn chặn làn sóng yêu cầu bồi thường hàng loạt đối với các tập đoàn Nhật Bản về những tội ác cưỡng bức lao động thời chiến vốn không thể thay đổi và dễ dàng lây lan tạo nên dư luận bài Nhật ở các nước Đông Á nói chung.

Thứ ba, chính phủ Hàn Quốc có lại sự ủng hộ hiếm hoi của các chaebols hàng đầu trong bối cảnh kinh tế Hàn Quốc đang có dấu hiệu suy giảm và chính phủ ông Moon Jae-in không được đánh giá cao đối với các chính sách vực dậy nền kinh tế thiếu hiệu quả, đây là “cú hích” rất cần thiết của chính phủ Hàn Quốc trước những chỉ trích cho rằng ông Moon Jae-in đã quá tập trung vào vấn đề Triều Tiên mà bỏ rơi tình hình kinh tế trong nước, từ đó đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện các “sản phẩm thương hiệu” của Hàn Quốc như công nghệ 5G, chip Exynos và màn hình điện thoại dạng gập vốn sẽ khẳng định một cuộc cách mạng mới của riêng Hàn Quốc – tập hợp thành công xu hướng dân tuý ủng hộ các chaebols trước một bước ngoặt công nghệ mang tính lịch sử.

Thứ tư, khẳng định một thông điệp chung của Hàn Quốc và Nhật Bản rằng đây là hai quốc gia có bản sắc riêng biệt, dựa trên nền tảng phụ thuộc an ninh vào Mỹ nhưng có thể có nhiều biến động không theo quỹ đạo của bất kỳ bên nào mong muốn, từ đó khẳng định sự độc lập của Nhật – Hàn dù có tồn tại trong liên minh với bất kỳ quốc gia nào bên ngoài hay không trong tương lai gần. Thông điệp này sẽ buộc Tổng thống Mỹ D. Trump phải cân nhắc lại các chính sách gây áp lực thương mại đang tiến hành với cả Nhật Bản và Hàn Quốc.

Biến động giữa các đối tác lớn, cơ hội hay thách thức cho Việt Nam?

Nhìn chung, xung đột thương mại Nhật – Hàn lần này có nguồn gốc từ các vấn đề lịch sử, được lựa chọn tiến hành trong một khoảng thời gian thuận lợi cho cả hai phía Nhật Bản và Hàn Quốc và có dấu hiệu giúp đỡ cho chính phủ và doanh nghiệp của hai nước này có được những “cú hích kép” cả về kinh tế- chính trị để vượt qua những khó khăn trong ngắn hạn.

Do đó, mặc dù hai bên tiếp tục các biện pháp đáp trả nhưng sẽ vẫn đảm bảo kiểm soát thiệt hại tối thiểu và giữ vững những thành quả lợi thế so sánh mà hệ sinh thái công nghệ cao Nhật – Hàn đã dày công xây dựng nửa thế kỷ qua, mục đích là để kiến tạo được các trào lưu dân tuý cần thiết đối với các sự kiện và diễn biến quan trọng sắp tới ở Nhật Bản (bầu cử Thượng viện) và Hàn Quốc (công bố cách mạng công nghệ mới với màn hình điện thoại gập, phổ quát 5G và ra mắt dòng chip Exynos..).

Các biện pháp mà chính phủ Hàn Quốc muốn “thừa cơ” để đẩy mạnh xu hướng tự cấp tự túc về công nghệ nhằm khắc phục sự phụ thuộc vào hệ sinh thái bán dẫn của Nhật Bản, và quyết định của chính phủ Nhật Bản cấp giấy phép xuất khẩu lần đầu kể từ sau thương chiến đối với các chất bán dẫn sang Hàn Quốc ngày 8/8 cũng là một xu thế tất yếu giúp giảm thiểu thiệt hại trong quan hệ Nhật – Hàn.

Là quốc gia có ký kết Hiệp định Thương mại tự do với cả Nhật Bản (VJEPA) và Hàn Quốc (VKFTA), Việt Nam sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn từ thương chiến Nhật – Hàn, đặc biệt trong phân khúc sản xuất công nghệ cao, khi các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phần lớn vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản (đứng thứ 1) và Hàn Quốc (đứng thứ 2) theo thống kê năm 2018.

Điều này vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho quá trình thúc đẩy các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ nội địa, dựa trên các sáng kiến chuyển giao công nghệ như Dự án thành lập Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK) và khuyến khích các khoản đầu tư FDI thế hệ mới với các doanh nghiệp FDI hàng đầu Nhật Bản.

Thương chiến Nhật – Hàn vì thế có thể được tận dụng để phát huy vị trí địa – kinh tế của Việt Nam, vừa tạo cơ hội cho việc hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ nội địa, vừa giúp các doanh nghiệp công nghệ cao trong nước có thêm lợi thế cạnh tranh trên thị trường, hướng đến các mục tiêu tổng kim ngạch thương mại Việt – Hàn, Việt – Nhật phấn đấu đạt lần lượt 100 tỷ USD và 60 tỷ USD vào năm 2020 trên nền tảng hàng hoá xuất khẩu có tỷ lệ nội địa hoá ngày càng cao.

Tuy nhiên, do trào lưu dân tuý hậu thương chiến Nhật – Hàn sẽ có những biến thể không lường trước, đồng thời cần lưu ý đến hiện tượng các tập đoàn công nghệ cao thường có diễn biến cắt giảm nhân công theo chu kỳ và biên độ của thị trường tiêu thụ, nên các quốc gia đối tác được Nhật Bản, Hàn Quốc đẩy mạnh chiến lược “thuê ngoài” như Việt Nam luôn phải sẵn sàng các phương án để bảo đảm quyền lợi cho người lao động ở các khu công nghệ cao.

Samsung “chao đảo” vì Nhật loại Hàn Quốc khỏi “danh sách trắng”
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang