(CAO) Sáng nay 18-9, cộng đồng quốc tế chứng kiến cảnh 'tay bắt, mặt mừng’ khi nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un ra tận sân bay quốc tế Sunan đón tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân cùng phái đoàn gồm nhiều doanh nghiệp sừng sỏ ở miền Nam đến thăm.
Đây là lần thứ 3 trong vòng 1 năm, ông Kim và ông Moon gặp nhau trong lúc cả 2 đang hướng đến khả năng ký một hiệp định hoà bình trên bán đảo Triều Tiên. Đón đoàn Hàn Quốc tại sân bay là sự hiện diện của nhiều quan chức và người dân cầm hoa, vẫy cờ thống nhất, tượng trưng cho ước vọng hoà bình, thống nhất giữa hai miền.
Bình Nhưỡng dành cho ông Moon nghi thức đón tiếp nguyên thủ cao trọng nhất với việc tổng thống Hàn duyệt đội danh dự của Triều Tiên trên nền nhạc bài hát của quân đội réo vang trong suốt 15 phút.
Đã hơn 1 thập kỷ trôi qua kể từ năm 2007, lại có 1 tổng thống Hàn Quốc đến thăm Bình Nhưỡng để bàn về nhiều vấn đề nóng: từ hợp tác kinh tế, chương trình hạt nhân của Triều Tiên đến kết thúc chiến tranh Triều Tiên bằng 1 hiệp định hoà bình.
Mang tâm thế lạc quan đó, ông Moon Jae-in – một người thể hiện chủ nghĩa dân tộc cao từ khi lên cầm quyền, bản thân ông xuất thân từ gia đình tị nạn đến từ Triều Tiên, mong muốn “nối lại tình xưa” trong bối cảnh 2 nhiệm kỳ tổng thống trước từ ông Lee đến bà Park, quan hệ hai miền xấu đi nghiêm trọng.
Ông Kim đón ông Moon tại sân bay quốc tế Sunan sáng 18-9 - Ảnh: Pyongyang Press Corps
Viết trên Twitter trước thềm chuyến đi, ông Moon bày tỏ sự lạc quan: ‘Những gì tôi muốn đạt được chính là hoà bình. Không phải là một thay đổi dự kiến, biến động phụ thuộc vào tình hình quốc tế mà là một sự thay đổi không thể đảo ngược, ổn định và kiên định, bất kể điều gì có thể xảy ra trên trường quốc tế".
Nói ‘chặn trước” đều này vì mối quan hệ hai miền trước đây vẫn lên xuống như đồ thị hình sin: Lúc tốt đẹp thì khu công nghiệp chung Kaesong mở cửa, lúc xấu đi thì Bình Nhưỡng thử tên lửa, hạt nhân, đuổi doanh nghiệp Hàn Quốc về nước. “Sự ổn định” đó còn phụ thuộc vào Mỹ, đồng minh chủ chốt của Hàn Quốc nhưng là “cái gai” trong mắt chính quyền Triều Tiên. Diễn giải nôm na: Dù Mỹ - Triều có căng thẳng, dù hai miền có phật ý nhau cũng xin chừa ra, đừng có thêm hành động khiêu khích như thử tên lửa sát sườn Hàn Quốc. Muốn thế thì cần giấy trắng mực đen: Một hiệp định hoà bình kết thúc chiến tranh.
Mỹ là trở ngại chính
Bất đồng chính vẫn là Mỹ trong việc diễn giải “phi hạt nhân hoá hoàn toàn” là thế nào. Washington muốn Bình Nhưỡng giao sạch kho vũ khí tên lửa, hạt nhân cho họ xử lý còn phía Triều Tiên thì lên án, xem đó là đòi hỏi quá đáng và là hành động của phường “đầu gấu”.
Bình Nhưỡng vẫn muốn giữ vũ khí hạt nhân làm chiếc ô an ninh cho mình nhằm răn đe Mỹ trước khả năng Washington có thể “thay máu” chế độ như trường hợp của Lybia khi bị tước mất hạt nhân.
Khi ông Moon đến Triều Tiên mang theo nhiều sao thần tượng K-Pop để biểu diễn cùng dàn lãnh đạo doanh nghiệp của các chaebol cỡ lớn từ Samsung đến Huyndai, mục tiêu rất rõ: tập trung hợp tác kinh tế để đổi lấy hoà bình với miền bắc.
Còn “phi hạt nhân hoá hoàn toàn” có lẽ chỉ là phụ, nói cho có, khuyên là chính vì đến cỡ thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore hồi tháng 6 vừa qua, khi ông Kim và ông Trump ngồi cùng nhau còn không nặn ra được chữ nào trong bảng tuyên bố chung về những bước cụ thể để Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình.
Cảnh đón tiếp, tay bắt mặt mừng giữa hai bên nhưng phía sau là kỳ vọng khó hiện thực hoá - Ảnh: Pyongyang Press Corps
Khó quá nên ông Moon đẩy quả bóng sang cho Mỹ, chỉ đóng vai trò trung gian để hoà giải: “Tôi sẵn sàng nói chuyện thẳng thắn với ông Kim Jong Un để tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu phi hạt nhân hóa của Mỹ và yêu cầu của Triều Tiên về việc hủy bỏ các chính sách thù địch và thực thi các biện pháp để đảm bảo an toàn cho họ. Tôi tin rằng vấn đề hạt nhân hóa có thể tiến triển với tốc độ nhanh chóng nếu hai nhà lãnh đạo đối mặt với nhau một lần nữa và nói chuyện”.
Chính quyền Mỹ vẫn đang tỏ ra thận trọng, kiên trì theo đuổi chính sách ngoại giao “cây gậy và củ cà rốt” của mình.
CNN dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với các phóng viên hôm 14-9 rằng Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng một chiến lược đàm phán đồng thời với việc thực thi các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt do Mỹ và Liên Hiệp Quốc quy định.
Pompeo nhấn mạnh: "Mỹ cam kết luôn luôn tiếp tục thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chúng tôi tin rằng họ (Hàn Quốc) là trung tâm của những nỗ lực của Tổng thống Trump để thuyết phục Chủ tịch Kim rằng việc phi hạt nhân hoá hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên là việc làm cần thiết”.
Tuy nhiên hai lần trước dưới thời chính sách Ánh dương, hai vị tổng thống Hàn Quốc và Roh Moo-hyun sang Bình Nhưỡng gặp cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il mang theo lợi ích kinh tế, sau cùng quan hệ liên Triều vẫn xấu đi nghiêm trọng vào nhiệm kỳ của các vị chủ nhân Nhà Xanh sau này.
Người dân Hàn xem cảnh ông Kim và ông Moon tay bắt mặt mừng - Ảnh: Reuters
Thế nên không có gì đảm bảo cho thành công lần này của ông Moon. Bất đồng Mỹ - Triều vẫn còn đó, nên CNN dẫn lời người phát ngôn của ông Moon - Yoon Young-chan tự an ủi rằng: “Gặp nhau không có nghĩa là chúng tôi sẽ có thêm một tuyên bố hay một thoả thuận khác. Chúng tôi chỉ là đang tiến đến một kỷ nguyên (hợp tác) mới mà thôi”. Còn hợp tác có lúc thăng trầm, khu công nghiệp chung Kaesong có đóng rồi mở mấy lần nữa, mong ước có mối quan hệ “ổn định, kiên định” như ông Moon muốn có đạt được hay không thì… tuỳ duyên vậy.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên cũng chỉ bình luận ngắn gọn: "Đây là cơ hội để cải thiện quan hệ hai miền".
Đã có 3 đời tổng thống Hàn Quốc gặp các nhà lãnh đạo Triều Tiên - Ảnh: Getty