Vì sao lại là nước Pháp?

Thứ Bảy, 14/11/2015 12:34  | Anh Duy

|

(CAO) Trang tin Slate.com đã đặt ra câu hỏi như vậy khi từ đầu năm đến nay, nước Pháp chứng kiến hàng loạt vụ tấn công khủng bố từ quy mô lớn đến nhỏ lẻ.

Tiêu biểu là vụ tấn công vào tòa soạn báo biếm họa Charlie Hebdo hôm 7-1 khi báo này đăng hình biếm nhà tiên tri Mohammed khiến 11 người thiệt mạng, bao gồm các họa sĩ vẽ tranh bị những kẻ khủng bố xả súng bắn chết.

Hôm 26-6, một người đàn ông tên Yaccine Salhi- 35 tuổi nằm trong danh sách “những kẻ cực đoan” được Paris theo dõi sát đã lái một chiếc xe tải xông vào nhà máy khí đốt Air Product gần Lyon gây ra một vụ nổ rồi chặt đầu người chủ treo lên hàng rào. Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã phải thốt lên: “chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan một lần nữa đánh vào nước Pháp”. 

Lực lượng cứu hộ Pháp chuyển một nạn nhân bị thương khỏi hiện trường vụ tấn công ở phòng hòa nhạc Bataclan  - Ảnh: AP

Nay đến vụ khủng bố liên tiếp ở nhiều địa điểm tại Paris khiến 158 người chết vào rạng sáng nay 14-11 (giờ VN). Hiện chưa rõ động cơ đằng sau vụ tấn công này nhưng không loại trừ khả năng chúng do các thanh niên mang tư tưởng cực đoan “ẩn” trong lòng nước Pháp gây ra, lấy cảm hứng từ lời kêu gọi khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Theo CNN, có hơn 900 công dân Pháp gia nhập các tổ chức thánh chiến tại Syria và Iraq. Con số này tăng lên đến gần 1400 người theo một báo cáo công bố hồi tháng 4 năm nay.

Giới chức Pháp bị chỉ trích kịch liệt vì không ngăn được làn sóng công dân bị cực đoan hóa sang nước ngoài tham gia thánh chiến, và việc cực đoan hóa tư tưởng của một bộ phận thanh niên trẻ sống trong nước.

New York Times dẫn lời Tony Vandelle- một công dân Pháp chia sẻ: “từ ngày Pháp tham gia không kích IS, chúng tôi không còn yên bình nữa”.

Những đô thị như Paris, nơi tập trung đông người được bọn khủng bố chọn để tấn công nhầm gây tiếng vang và reo rắc sợ hãi. Bất bình về mặt xã hội cũng được đề cập đến khi cộng đồng người Hồi giáo cảm giác bị cô lập giữa lòng nước Pháp do mối “ác cảm” của một bộ phận người dân đánh đồng những người Hồi giáo chân chính là phần tử Hồi giáo cực đoan.

Mâu thuẫn này ngày càng sâu sắc hơn khi sức ép công ăn việc làm và thu nhập của một bộ phận cộng đồng  Hồi giáo tại Pháp thấp hơn các cộng đồng còn lại. Thanh niên trẻ không việc làm, tư tưởng bi quan là “miếng mồi” cho IS cũng như các tổ chức khủng bố khác lợi dụng để chiêu dụ họ đi theo con đường cực đoan.

Có lo ngại rằng nếu Pháp dang tay đón thêm người di cư đến sẽ làm gia tăng nguy cơ khủng bố khi các phần tử cực đoan, đặc biệt là ở Syria có thể trà trộn vào nước này để gây ra các vụ khủng bố mới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang